Khi phát hiện chút “mỡ thừa” trên bụng, đùi hay mặc cảm với bắp tay quá tròn, nói chung là bất kỳ nỗi ám ảnh về thừa cân nào khác, chị em thường hấp tấp lao vào giảm cân tuyệt đối và thất vọng ê chề khi không nhận được kết quả. Theo một nghiên cứu từ đại học Melbourne, cơ thể của những người giảm hơn 10% cân nặng tiếp nhận một sự thay đổi tương ứng từ các hormone kiểm soát sự thèm ăn, nhất là leptin và những hormone này không thể trở lại mức bình thường trong suốt một thời gian dài.
Chìa khóa để duy trì cân nặng
Vậy việc tăng cân trở lại có liên quan gì đến leptin? Dưới sự “chỉ đạo” của các tế bào mỡ, leptin cho não biết dự trữ năng lượng của cơ thể đã đủ hay chưa. Lượng leptin thấp do tác động của giảm cân quá nhiều lập tức ra lệnh cho cơ thể bạn bồi lại lượng mỡ và não lập tức ca bài ca “khó xử”: “Tôi đói bụng!” để thúc bạn tăng cân trở lại, dù lương tâm không cho phép bạn nghĩ đến thức ăn. Một nghiên cứu khác được thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Pennington, Hoa Kỳ trên những thí sinh của cuộc thi “The Biggest Loser” cũng ghi nhận mức leptin tăng kỷ lục sau quá trình họ giảm cân, khiến họ luôn đói cồn cào và thèm ăn nhiều hơn trước.
Xét về mặt sinh lý học, việc giảm cân phi khoa học còn nguy hiểm hơn gấp bội. Sau khi trọng lượng cơ thể mất đi, không chỉ những cơn đói ập đến mà quá trình trao đổi chất cũng ngưng trệ, khiến cơ thể khó giải phóng lượng calorie đã hấp thụ. Như vậy trong khi não ra lệnh tiếp nhận thức ăn thì bạn lại phải ăn ít hơn để duy trì vóc dáng. Có thể sau một thời gian dài ăn kiêng và tập luyện khắc nghiệt, bạn giảm được từ 60 xuống 50 cân, bằng với trọng lượng của cô bạn thân vốn có cân nặng ổn định ở mức 50, cùng vóc dáng, cùng lượng mỡ; nhưng trong khi cô bạn mình thoải mái đầu óc thì bạn phải vật lộn với cơn thèm ăn không biết đến từ đâu. Bí mật phía sau những chế độ ăn kiêng khắc nghiệt cuối cùng cũng lộ diện: Giảm cân không khó nhưng duy trì được trọng lượng sau khi giảm mới là vấn đề lớn.
Luyện tập không phải là công cụ để giảm cân
“Điểm chuẩn” lý tưởng cho bạn giảm là không quá 10% trọng lượng cơ thể trong một thời gian. Các chuyên gia cũng khuyên bạn đừng giảm hơn 10% trọng lượng trong bất kỳ giai đoạn nào, thay vào đó, từ từ thực hiện và sau khi đã giảm, hãy duy trì con số đó trong ít nhất 6 tháng để cơ thể hiệu chỉnh sự trao đổi chất trước khi quyết định giảm thêm.
Thực phẩm giàu chất xơ rất có lợi cho quá trình ăn kiêng. Chất xơ khiến bạn cảm thấy no, kích thích hormone ruột ra lệnh cho não tiết nhiều leptin hơn, làm cho cơn đói không đến quá nhanh. Những người tích cực giảm cân thường trải qua một thời kỳ “đứng yên” khi chỉ số cân nặng không giảm xuống thêm, mặc cho họ nỗ lực tập luyện và ăn kiêng hơn trước.
Các nhà khoa học chỉ ra nhiều phương thức khác, chẳng hạn như hạn chế căng thẳng và áp lực (áp lực hằng ngày đi đôi với cortisol – loại hormone gây mỡ bụng) hoặc điều chỉnh trong chế độ ăn kiêng hiện tại (giảm bớt gluten, bơ sữa và kiểm soát lượng khuẩn ruột). Tuy nhiên, tập luyện vẫn là phương pháp hiệu quả và an toàn nhất, thích hợp với tất cả mọi người. Các bài tập đối kháng và thử sức bền như cử tạ, chạy nước rút giúp cơ của bạn tăng tính hiệu quả và kích thích trao đổi chất. Đây là những bài tập kị khí có tác dụng rất mạnh trong việc cải thiện sức mạnh xương, cơ bắp và tốc độ, đặc biệt giúp cơ thể đốt cháy calorie ngay cả khi bạn đang nghỉ ngơi thư giãn. Nên tập thêm như đi bộ, chạy bộ, bơi lội giúp bạn tăng sự tuần hoàn và thích nghi dần với những bài tập có cường độ cao hơn.
Một điều rất quan trọng khi tập luyện chính là bạn phải vận động và luyện tập thường xuyên để giúp duy trì được cân nặng và mang lại sự bền bỉ cho cơ thể. Nếu đang hăng hái vận động và dừng đột ngột, chắc chắn bạn sẽ tăng cân trở lại. Việc tập luyện không hẳn là một công cụ để giảm cân, nhưng không thể thiếu nếu bạn muốn duy trì sự thon thả.
Nhóm thực hiện
Tổng hợp Thiên Anh - Ảnh Woman's Day