Trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến xu hướng tình yêu xuyên biên giới ngày càng lan rộng, nhiều cô dâu Việt Nam kết hôn với chồng Đài Loan, Hàn Quốc, Âu Mỹ, … các công nhân xuất khẩu lao động sang nước ngoài kết duyên với người dân bản địa cũng không phải là hiếm, tình yêu xuyên biên giới và đa văn hóa trong các công sở tại Việt Nam cũng ngày càng nhiều.
Tình yêu xuyên biên giới cũng như những mối tình bình thường khác, không phải chỉ toàn sự lãng mạn mà người trong cuộc cũng phải trải qua nhiều thử thách và thăng trầm. Nếu như một đôi uyên ương bình thường trải qua những gian nan tình cảm thông thường do như sự khác biệt về giới tính, cách bộc lộ tình cảm, mong muốn trong tương lai, hoàn cảnh gia đình thì những mối tình đa văn hóa còn phải trải qua những thử thách nhiều hơn gấp nhiều lần như thế. Nguyên nhân chính là khoảng cách, rào cản và khác biệt.
1. Khác biệt ngôn ngữ: là thử thách đầu tiên phải kể đến. Khi hai người đến từ hai đất nước với hai ngôn ngữ khác nhau việc tìm hiểu nhau và quan tâm đến nhau sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Tiếng Anh đang trở thành ngôn ngữ chung của toàn cầu và rất nhiều ngôn ngữ khác như Pháp, Tây Ban Nha, Hàn, Nhật, Trung… cũng đang đã ngày càng được sử dụng phổ thông hơn ở rất nhiều nơi. Tuy vậy, có rất nhiều trường hợp những ngôn ngữ đó cũng không phải là tiếng mẹ đẻ của cả hai, điều đó khiến cho hai bên không thể diễn đạt hết những gì mình muốn bày tỏ và tất nhiên hiểu lầm sẽ xảy ra thường xuyên hơn các đôi đồng ngôn ngữ.
2. Khác biệt văn hóa: Ngay chính các vùng miền trong một nước cũng đã có nhiều khác biệt về văn hóa chưa nói đến các vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Một vài ví dụ điển hình cho khác biệt văn hóa gây ra những bất đồng là các nước Phương Tây coi trọng cá nhân, gia đình hạt nhân trong khi các nước Châu Á rất coi trọng gia đình mở rộng, thậm chí cả họ hàng, xóm giềng. Điều này có nghĩa là các cặp đôi trong gia đình Phương Tây hoàn toàn tự quyết định các vấn đề của họ như nuôi con, sinh sống, làm việc mà không phải hỏi qua ý kiến ông bà nội ngoại, cũng đồng nghĩa họ ít được sự hỗ trợ việc chăm sóc trẻ nhỏ hay tài chính từ ông bà. Ngược lại với gia đình Châu Á có thể nhận được sự hỗ trợ của ông bà nội ngoại nhưng cũng đồng thời phải có nhiều phụ thuộc và trách nhiệm khác với ông bà. Từ những khác biệt văn hóa sẽ hình thành nên những khác biệt trong thói quen.
3. Khác biệt ẩm thực: Các quốc gia khác nhau, tất nhiên sẽ có những nền ẩm thực, thưởng thức món ăn cũng như bày biện khác nhau. Bạn có thể sẽ gặp khó khăn trong việc chuẩn bị bữa sáng dành cho người yêu Tây của mình, và ngược lại. Hai nền văn hóa khác nhau thì sẽ có những ngày Lễ khác nhau, khó khăn trong khác biệt cũng nảy sinh ra từ đó. Món ăn của bạn có thể chủ yếu là gạo, rau và hoa quả trong khi bạn đời của bạn thích các sản phẩm từ sữa, bột mì, đường, kẹo ngọt, Người quen sử dụng đũa bát đôi khi sẽ hơi khó làm quen với những món ăn gốc Âu như bánh mì, bít tết và ngược lại, người yêu Âu châu của bạn có thể cũng sẽ phải dành một thời gian để làm quen với cách sử dụng đũa. … Làm sao để có bữa ăn phù hợp cho gia đình cũng là một bài toán nan giải.
4. Khác biệt ngoại hình: hiện nay việc hẹn hò giữa các màu da khác nhau vẫn còn hạn chế, do quan niệm phân biệt chủng tộc, màu da vẫn còn tồn tại rất mạnh trong suy nghĩ của nhiều người. Việc đặt ra các tiêu chuẩn về chiều cao cân nặng và số đo hình thể cũng là rào cản cho các đôi đũa lệch có thể công khai hoặc tiến xa hơn trong tình yêu.
5. Khác biệt tôn giáo: các nước theo Đạo Hồi không cho phép sờ hay lại gần chó, trong khi việc nuôi chó mèo là nhu cầu tình cảm và sở thích rất lớn ở các nước Phương Tây. Nhiều đất nước theo Đạo Hồi vẫn chấp nhận thủ tục đa thê khi đàn ông có quyền lấy bốn bà vợ trong khi ở đại đa số các nước chỉ chấp nhận hôn nhân một vợ một chồng. Một số nước không chấp nhận hôn nhân giữa những người khác tôn giáo. Một số tôn giáo không chấp nhận phá bỏ thai hay quan hệ đồng giới.
6. Khác biệt về lối sống: rất nhiều cặp đôi gặp khó khăn trong việc phát triển cam kết và mối quan hệ do lối sống khác biệt. Nhiều người trẻ tuổi từ các nước Phương Tây thường thích một mối quan hệ mở không ràng buộc, khi hai người chỉ hẹn hò, du lịch hoặc giải trí; trong khi các nước phương Đông lại coi mục đích của hẹn hò là lập gia đình, sinh con cái. Nhiều cá nhân đến từ nền văn hóa Á Đông thì luôn mong muốn bạn gái và vợ phải chăm sóc gia đình, ngược lại thì văn hóa phương Tây tin rằng phụ nữ luôn đúng và luôn phải được ưu tiên. Nhiều nền văn hóa tin vào “man first” và nhiều nền văn hóa tin vào “lady first” và để đi đến thống nhất và thấu hiểu sẽ cần rất nhiều cố gắng.
7. Khoảng cách địa lý: Với tốc độ sử dụng internet thông dụng như ngày nay, việc kết bạn và hẹn hò trên các trang web hẹn hò hay các mạng xã hội khác đang trở nên ngày càng phổ thông, nhưng từ việc gặp gỡ trò chuyện trên mạng xã hội đến việc hiểu nhau ở ngoài đời là một thử thách lớn do khoảng cách địa lý quá lớn, chi phí đi lại cao, thủ tục xuất nhập cảnh phức tạp. Do khoảng cách địa lý xa, các đôi tìm hiểu nhau khó giữ được mối liên hệ thường xuyên, khó giữ được lòng tin, sự chung thủy và ý định gắn bó cũng như tiến xa hơn trong các mối quan hệ cũng dễ bị lay chuyển.
8. Khoảng cách tuổi tác: Hiện nay ở Việt Nam do cách xưng hô theo tuổi tác và do những định kiến rằng phụ nữ già nhanh hơn nam giới vẫn phổ biến quan niệm phụ nữ tìm bạn trai, bạn đời trạc tuổi mình hoặc lớn hơn một chút nhưng ở xã hội Phương Tây khoảng cách tuổi tác đã không còn là rào cản lớn, nên có nhiều nam giới thích hẹn hò phụ nữ hơn nhiều tuổi hoặc nhiều phụ nữ cũng sẵn lòng kết hôn với người đàn ông lớn hơn nhiều tuổi với mong muốn được đảm bảo về sự ổn định tài chính và cảm xúc. Tuy nhiên, những quan niệm và định kiến khắt khe gia đình và xã hội về tuổi tác khác nhau giữa các nền văn hóa cũng gây ra nhiều trở ngại. Bên cạnh đó mỗi cá nhân cũng tự hạn chế cơ hội tìm được một nửa phù hợp do quan niệm về tuổi tác dẫn tới những bất đồng về tâm sinh lý khác nhau và dự định mong muốn cho tương lai cũng hoàn toàn khác nên rất khó để đi đến thống nhất.
9. Rào cản về thu nhập: Hiện tại thu nhập trung bình ở Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều so với khu vực và thế giới và phụ nữ thường có xu thế chọn bạn trai, bạn đời có tình hình kinh tế tốt hơn mình nên nam giới các nước có thu nhập bình quân thấp sẽ không đủ tự tin để kết bạn và hẹn hò với phụ nữ các nước có thu nhập bình quân cao hơn. Nhiều quốc gia với chế độ phúc lợi tốt, lượng dân số nhập cư rất cao đang đưa ra những quy định nghiêm ngặt về thu nhập tài chính cho mỗi công dân muốn kết hôn với người nước ngoài như phải đảm bảo đủ tài chính cho bạn đời hoặc bạn đời phải chứng mình được việc đảm bảo tài chính hoặc nghề nghiệp nếu muốn định cư tại nước sở tại như Anh, Úc, Bắc Âu.
Tài chính là một trong những vấn đề nhạy cả nhưng cực kì thực tế trong xã hội hiện nay.
10. Rào cản về thời gian: Việc múi giờ khác nhau giữa các quốc gia khiến cho việc lên kế hoạch liên lạc, trao đổi, trò chuyện giữa các cặp đôi hoặc gia đình đa văn hóa cũng gặp nhiều khó khăn ví dụ khi ở Mỹ đang là ban ngày thì ở Việt Nam là ban đêm. Thậm chí các cặp đôi hẹn hò trong cùng một quốc gia cũng gặp rào cản về thời gian khi một trong hai bên hết hợp đồng lao động, hết thời hạn học tập hoặc thuyên chuyển công tác khi tình yêu đang trong thời điểm tốt đẹp.
11. Rào cản pháp luật: Một trong những rào cản pháp luật lớn nhất cho tình yêu xuyên biên giới phải nói đến là thủ tục xuất nhập cảnh, thủ tục hợp pháp hóa hôn nhân, li dị hay khai sinh, quốc tịch. Tại nhiều quốc gia, việc đăng ký kết hôn giữa những người đồng giới đã được chấp nhận nhưng ở hầu hết các nước, việc đó vẫn vi phạm pháp luật. Một số quốc gia còn đưa ra rất nhiều thủ tục phức tạp cho việc đăng ký kết hôn với người nước ngoài như thủ tục thay đổi tôn giáo, phỏng vấn, dịch thuật, chứng minh tài chính, chứng mình ngôn ngữ, chứng minh tính xác thực của mối quan hệ hay huyết thống. Rất nhiều quốc gia vẫn chưa công nhận việc sở hữu hai quốc tịch hay chấp nhận tên nước ngoài trong giấy khai sinh nên việc lựa chọn và đăng ký quốc tịch, đặt tên cho con hay hợp pháp hóa hôn nhân hay huyết thống của các gia đình đa văn hóa cũng đối mặt với nhiều thử thách.
Trên đây chỉ là một trong những thử thách sơ khởi trong chuyện tình yêu xuyên biên giới – đa văn hóa mà các cá nhân liên quan gặp phải. Việc bạn gọi đó là thử thách hay cơ hội là tùy thuộc vào suy nghĩ mỗi người. Cá nhân tôi cho rằng đó là cơ hội cho các cặp đôi thử nghiệm mức độ hấp dẫn, mức độ gắn bó và khả năng thích nghi của mình. Phía sau những thử thách đó sẽ là nhiều thử thách hơn nữa hay vô vàn cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm cuộc sống, mở rộng tầm mắt, kiến thức, phong cách sống; cơ hội đến những mảnh đất mới, nền văn hóa mới, cải thiện ngôn ngữ và kỹ năng mới, … Hơn tất cả, bạn có cơ hội ở bên người bạn yêu thương, để hòa nhập, để tìm đến sự hòa hợp và đồng điệu về quan niệm, lối sống, cảm xúc mà đôi khi cá nhân bạn rất khác biệt và khó có thể tìm được trong chính đất nước hay nền văn hóa của mình.
Để vượt qua những trở ngại đó, bạn cần vượt qua sự sợ hãi, hoang mang hay vội vàng. Bạn cần hiểu rõ mình và đối tượng mình đang tìm hiểu, nhận thức được rằng các bạn đang đối mặt với những thử thách gì và nhìn vào tình hình thực tế để dự cảm xem liệu sự hấp dẫn giữa hai bạn có đủ mạnh để vượt qua những thử thách đó không. Sau tất cả, bạn cần nhất vẫn là tình yêu thương, quan tâm chân thành. Có được tình yêu thương chân thành, bạn sẽ có sự quyết tâm, thái độ cởi mở, trân trọng, lòng kiên nhẫn, sự dũng cảm và nghị lực để gỡ bỏ dần và vượt qua những thử thách và biến chúng thành những cơ hội, những trải nghiệm tuyệt vời làm cho mối quan hệ của mình hay cuộc sống xung quanh mình thêm sinh động và sôi nổi.
—
Xem thêm:
Tâm sự đàn ông: 7 khao khát thầm kín trong tình yêu
10 lý do để duy trì một tình yêu xa
Tìm hiểu thế giới đàn ông khi yêu ở các châu lục
Đàn ông Tây & Đàn ông Việt trong tình yêu
Nhóm thực hiện
Bài viết: Phạm Thị Tuyết Thanh - Hình ảnh: sưu tầm