NTK Alessandro Michele vực dậy Gucci
Tháng 2 năm 2014, tập đoàn Kering thông báo doanh số kinh doanh của thương hiệu Gucci giảm kỷ lục trong năm 2013, chỉ xấp xỉ đạt 50 triệu Euro. Mọi hoài nghi đều xoay quanh chiến lược kinh doanh cũng như phong độ thiết kế của bộ đôi – Tổng giám đốc Patrizio di Marco và Giám đốc Sáng tạo Frida Giannini. Sự ra đi của bộ đôi này vào tháng 10 năm 2014 dấy lên những hoài nghi về tương lai nào cho Gucci. Thậm chí, việc bổ nhiệm NTK Alessandro Michele không hoàn toàn xoa dịu những nghi ngờ trên. Tuy nhiên, bằng tài năng và tầm nhìn, NTK Alessandro Michele đã cứu cánh Gucci khỏi bờ vực phá sản. Báo cáo kết quả kinh doanh của Gucci nửa đầu năm 2015 tăng 4,6% – chiếm 1/4 mức tăng trưởng của tập đoàn thời trang cao cấp của Pháp Kering.
.
John Galliano tái xuất với Maison Margiela
Ngày 28 tháng 2 năm 2011 có lẽ là thời điểm đen tối nhất trong sự nghiệp của NTK John Galliano. Chỉ vì những lời nhận xét đầy khiếm nhã với người phụ nữ Do Thái mà NTK John Galliano chính thức bị Christian Dior sa thải và phải đối mặt với hàng loạt những bản án cáo buộc về tội danh phân biệt chủng tộc. Sau khoảng thời gian dài ở ẩn để phục hồi tâm lý, NTK John Galliano trở lại vai trò NTK cùng Maison Margiela ở cương vị Giám đốc Sáng tạo với sự ủng hộ nhiệt tình của bạn bè và đồng nghiệp vào tháng 3 năm 2015. BST Maison Margiela Thu-Đông 2015 là minh chứng rõ nét cho tài năng và tầm nhìn sắc bén của NTK John Galliano vẫn không hề mai một sau những sóng gió và thử thách.
.
Carine Roitfeld xuất bản CR Magazine
Sau một thập niên đảm nhiệm vai trò Tổng biên tập tạp chí Vogue Pháp, quyết định từ chức của Carine Roitfeld đã gây chấn động làng thời trang thế giới. Có rất nhiều giả thuyết được đưa ra, từ việc bất đồng với ban giám đốc đến sự cố để lọt thông tin bí mật ra ngoài, Carine vẫn nói về Vogue và tập đoàn Condé Nast bằng sự trân trọng. Vượt lên trên tất cả, tháng 9 năm 2012, đứa con tinh thần – tạp chí CR Magazine viết tắt hai chữ cái đầu tên gọi của Carine Roitfeld chính thức được trình làng sau 2 năm thai nghén. Nội dung sâu sắc và hình ảnh ấn tượng là điểm mạnh chinh phục người đọc của CR Magazine. Tháng 7 vừa qua, phiên bản dành cho nam giới cũng vừa được ra mắt.
.
Versace tái sinh thương hiệu Versus
Thương hiệu Versus Versace trực thuộc nhà mốt Versace được ra mắt vào năm 1989 như một món quà NTK Gianni Versace dành tặng em gái – NTK Donatella Versace hiện đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc Sáng tạo của Versace. Năm 2005, thương hiệu Versus Versace bị tạm dừng vì một số lý do khách quan và mãi đến tận năm 2009 mới chính thức tái xuất, mở ra chương mới. Kể từ đó, thương hiệu Versus đã hợp tác với nhiều NTK trẻ như Christopher Kane, J.W.Anderson nhưng vẫn chưa tạo được sự kết nối dài lâu với thương hiệu. Tháng 1 năm 2015, NTK Anthony Vaccarello chính thức được bổ nhiệm vị trí Giám đốc Sáng tạo với hy vọng hồi sinh Versus.
.
Hồi sinh Yves Saint Laurent Haute Couture
Lần đầu tiên kể từ năm 2002, NTK Hedi Slimane quyết định sẽ hồi sinh thương hiệu Yves Saint Laurent Haute Couture sau 13 năm kể từ khi BST Haute Couture cuối cùng được trình diễn. NTK Hedi Slimane và cộng sự đã dày công nghiên cứu phương án trùng tu Hôtel de Sénecterre trong khoảng thời gian 3 năm và biến nó trở thành “đại bản doanh” của những nghệ nhân Atelier về may đo. Những mẫu thiết kế Haute Couture sẽ dành cả cho nữ và nam với những trang phục mặc ban ngày và tối. Tất cả thông tin liên quan đến từng mẫu thiết kế sẽ được các Atelier lưu giữ trong một cuốn sách bìa mạ vàng.
Trang sử mới của Loewe
Tháng 9 năm 2013, NTK trẻ tài năng J.W.Anderson chính thức đầu quân về tập đoàn LVMH đảm nhiệm vị trí Giám đốc Sáng tạo của thương hiệu Loewe. Bên cạnh những thay đổi về đường hướng và tầm nhìn thiết kế được giới chuyên môn đánh giá cao, NTK J.W.Anderson đề xuất thay đổi bộ nhận diện mới từ logo chữ và logo đồ họa cho đến kế hoạch phát triển chuỗi cửa hàng đậm chất nghệ thuật tại các thành phố lớn. Sự đồng bộ này không chỉ mang đến những cảm nhận mới mẻ mà còn tái khẳng định quyết tâm trẻ hóa thương hiệu hướng tới nhóm đối tượng khách hàng trẻ tuổi. Quyết định này được xem như một trong những cú thay đổi ngoạn mục nhất đối với thương hiệu thời trang cao cấp 170 tuổi đến từ Tây Ban Nha.
Christian Dior – Kiệt nhân tái sinh dòng thời trang Haute Couture
Năm 1947 sẽ mãi đi vào lịch sử thời trang thế giới khi NTK kiệt xuất Christian Dior tái sinh dòng thời trang Haute Couture tại thời điểm nhiều bế tắc, thiếu vắng những ý tưởng đột phá. BST đầu tay mang tên Corolle và được BTV thời trang Carmel Snow đặt lại tên New Look ngay sau đó vì mẫu trang phục thể hiện tư duy thiết kế mới mẻ. Sự ra đời của mẫu thiết kế áo khoác Bar jacket tôn vinh vẻ đẹp hình thể của phụ nữ đã trở thành cảm hứng cho nhiều thiết kế hiện đại của thời nay.
.
Bộ đôi kiệt xuất của Burberry
Thời điểm Angela Ahrendts nhận chức vụ Tổng giám đốc tại Burberry cũng là khoảng thời gian đầy khó khăn khi mức tăng trưởng chỉ đạt 2%. Người giới thiệu Angela Ahrendts với hội đồng quản trị chính là NTK Christopher Bailey. Ngấp nghé trước bờ vực phá sản, hàng loạt những biện pháp đã được đưa ra như tập trung vào giá trị thương hiệu mang đậm tinh thần Anh quốc, hướng tới nhóm đối tượng khách hàng trong độ tuổi dưới 30 chiếm 60% dân số toàn cầu, tiếp cận ứng dụng công nghệ số tân tiến, và tăng cường gắn kết với nhân viên. Tất cả những nỗ lực trên giúp đảo ngược thế cờ đưa Burberry trở lại thời kỳ hưng thịnh thể hiện qua giá trị thương hiệu xấp xỉ 7 tỉ bảng Anh.
.
Mademoiselle Chanel – Sự hồi sinh không bình yên
Năm 1939, khi Chiến tranh Thế giới thứ II bùng nổ, Coco Chanel phải buộc tạm dừng hoạt động nhiều cửa hiệu của mình. Năm 1954, sau 15 năm ở ẩn, BST đánh dấu sự trở lại của bà không được truyền thông Pháp đón nhận mà lại được nước Mỹ ưu ái, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường kinh doanh mới. Đây cũng là khoảng thời gian Coco Chanel trình làng mẫu túi Chanel 2.55 huyền thoại cũng như đôi giày mũi đen kiểu slingback. Khoảng thời gian 15 năm sống lưu vong là bước đệm cho sự hồi sinh của Chanel, không chỉ truyền cảm hứng thiết kế mà còn giúp bà rèn luyện được đức tính chịu đựng, kiên nhẫn.
.
Tom Ford hậu Gucci và tiền… Tom Ford
NTK Tom Ford chia sẻ về khoảng thời gian chia tay nhà mốt Gucci sau 15 năm gắn bó thực sự đầy khó khăn, thử thách và khủng hoảng. Không dễ để tạm quên đi guồng quay công việc và niềm đam mê thiết kế luôn bừng cháy, năm 2006, NTK Tom Ford trở lại với thương hiệu của riêng mình gồm dòng thời trang dành cho nữ, nam và mỹ phẩm. Năm 2013, doanh số lợi nhuận của Tom Ford đạt mức 1 tỉ đôla Mỹ. Không chỉ vậy, NTK Tom Ford còn ghi dấu ấn mới trong sự nghiệp khi đảm nhiệm vai trò đạo diễn bộ phim A Single Man gây tiếng vang.
Xem thêm
Là nhà thiết kế thì thiết kế? – Blog Nguyễn Danh Quý
10 nhà thiết kế thời trang nổi tiếng nhất mọi thời đại
Top 10 học viện thời trang cho các bạn trẻ đam mê thiết kế
Nhóm thực hiện
Bài: Thanhhuysing Ảnh: Tư liệu