Thông điệp cuộc sống của một nhà báo về nạn khủng bố
Trong đêm diễn ra vụ khủng bố Paris, tôi và cậu bạn đã cùng theo dõi tin tức và bình luận tình hình cho đến sáng. Chúng tôi có lý do đặc biệt để quan tâm đến vụ việc này. Bạn tôi sống ở một thành phố nhỏ tại Bỉ, nơi chỉ cách Paris vài tiếng đi tàu và là điểm xuất phát của một số thành viên trong nhóm khủng bố. Tôi đang du học tại London, nơi từng hứng chịu loạt đánh bom tự sát giết chết 52 dân thường cách đây 10 năm, một thành phố lớn không cách Paris bao xa và được cho là mục tiêu tiếp theo của khủng bố. Nhưng không chỉ có tôi và bạn hay những người Việt ở châu Âu, cả cộng đồng mạng Việt Nam đều rúng động trước vụ tấn công có tổ chức vào kinh đô ánh sáng của thế giới, cướp đi mạng sống của 129 người vô tội.
Một ngày trước vụ khủng bố Paris, một vụ nổ bom tự sát tại thành phố Beirut, Lebanon cũng đã giết chết 43 người. Hai vụ khủng bố diễn ra trong hai ngày liên tiếp, ở hai nơi khác nhau như lời cảnh báo của Nhà nước Hồi giáo: hiểm nguy không loại trừ lãnh thổ nào và không chừa một ai.
BÀI LIÊN QUAN
Sau vụ khủng bố, nhiều người bạn của tôi, những người đang sống và làm việc tại các thành phố lớn ở châu Âu, tỏ ra hoang mang, lo lắng. Liệu chúng tôi có nên thường xuyên ghé qua những tụ điểm nổi tiếng ở trung tâm thành phố như trước? Liệu có nên tránh những sự kiện đông người như biểu diễn hòa nhạc, thi đấu thể thao? Nhiều bạn ở Việt Nam thì không khỏi thắc mắc: có nên hủy kế hoạch bay sang mừng Giáng sinh ở châu Âu? Không gì đảm bảo một vụ việc tương tự sẽ không lặp lại ở Paris, hay Brussels, Amsterdam, Berlin, hoặc London.
Thế nhưng tất cả những lo lắng, hoang mang ấy dần dần tan biến sau một vài ngày, dù cho đau thương và xót xa còn ở lại. Chúng tôi đều hiểu rằng mình phải tiếp tục tận hưởng cuộc sống như vốn thế, bởi nếu chúng tôi cứ sống trong sợ hãi, thì chính là đang làm theo những gì bọn khủng bố mong muốn. Nói như Thủ tướng Anh David Cameron, cuộc tấn công vào Paris, biểu tượng tình yêu của thế giới, chính là cuộc tấn công vào cuộc sống mà người dân châu Âu vẫn sống, vào lý tưởng tự do – bình đẳng – bác ái mà phương Tây luôn hướng tới và ngày ngày gây dựng. Vì vậy, một trong những cách để thể hiện sự phẫn nộ trước tội ác của bọn khủng bố chính là tiếp tục sống như trước.
BÀI LIÊN QUAN
Sau vụ khủng bố Paris, người ta cho rằng trận đấu giao hữu giữa hai đội tuyển quốc gia Anh – Pháp tại sân Wembley, London chỉ bốn ngày sau đó sẽ bị hủy bỏ. Thế nhưng Liên đoàn Bóng đá Pháp đã đưa ra một quyết định dứt khoát: sự kiện thể thao này vẫn diễn ra như dự kiến. “Chúng ta đương nhiên cần phải bảo vệ các cầu thủ, chúng ta cũng cần bảo vệ các fan hâm mộ, nhưng chúng ta vẫn cần phải chơi bóng bởi vì đây chính là thứ mà chúng muốn phá hủy”, ứng cử viên chủ tịch FIFA Jerome Champagne tuyên bố. Không phải là một cuộc thi đấu chính thức, nhưng đây là một trong những sự kiện thể thao để lại nhiều cảm xúc nhất đối với tôi và những người bạn có mặt tại Wembley ngày hôm đó. Sân vận động chiếu sáng ba màu cờ Pháp đẹp lộng lẫy, như để thể hiện sự chia sẻ và tình hữu nghị của nước Anh dành cho nước bạn. Trước trận đấu, mọi người dành một phút tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố, sau đó đồng thanh hát quốc ca Pháp. An ninh được thắt chặt vì lo ngại khủng bố, nhưng cuối cùng, mọi người đều trở về nhà an toàn.
Vài ngày sau, tôi cùng một người bạn ghé qua Quảng trường Trafalgar. Chúng tôi không khỏi xúc động khi nhìn thấy những bó hoa tươi đi kèm những thông điệp như “Không sợ hãi”, “Chúng ta vẫn bên nhau”, “Cầu nguyện cho thế giới” đặt dưới chân đài phun nước. Một người đàn ông mang đến một bó hoa tím và quỳ xuống cầu nguyện rất lâu. Cách đó không xa, một nhóm người Hồi giáo giương biểu ngữ lên án vụ tấn công khủng bố và sát cánh chống lại các phần tử cực đoan.
BÀI LIÊN QUAN
4 bài học cuộc sống từ chú chó bull
Antoine Leiris, chồng một nạn nhân vụ khủng bố Paris, đã để lại những thông điệp vô cùng cảm động dành cho bọn khủng bố trên trang Facebook của anh.
“Các người đã cướp đi mạng sống của một con người đặc biệt – tình yêu của cuộc đời tôi, người mẹ của con trai tôi, nhưng tôi sẽ không căm ghét các người. (…) Đáp trả lòng căm ghét bằng sự căm ghét chính là thể hiện sự ngu ngốc đã làm nên các người. Các người muốn tôi sợ hãi? Muốn tôi nhìn vào những công dân khác bằng đôi mắt nghi kị? Muốn tôi hy sinh sự tự do của tôi để đổi lấy bình an? Các người đã thua. (…) Con trai tôi và tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục vui chơi mỗi ngày như chúng tôi vốn thế, và mỗi ngày trong cuộc đời hạnh phúc và tự do của con trai tôi sẽ là một sự sỉ nhục đối với các người”.
Thông điệp cuộc sống của Antoine Leiris đến nay đã nhận được hàng triệu lượt chia sẻ trên mạng xã hội, như một minh chứng cho sự ủng hộ của người dân trên toàn thế giới đối với lý tưởng tự do, bình đẳng và bác ái.
—
Xem thêm
Con cá leo cây – Phép thử & thông điệp cuộc sống
10 điều cần “cai” giúp bạn thay đổi cuộc sống tích cực
Những câu nói hay về cuộc sống đầy ý nghĩa
Nhóm thực hiện
Bài: Minh Thi - Minh họa: Tamypu