Mới gần đây, một người mẹ đang sống tại Mỹ đưa lên Facebook bản tin nói rằng một công ty vừa cho ra mắt loại chăn chống đạn dành cho học sinh vì nạn xả súng tại trường học Mỹ ngày càng tăng lên. Đi kèm với việc chia sẻ thông tin này, cô viết: “Không thể tưởng tượng được có ngày khả năng con bị ngộ độc thức ăn tại trường còn thấp hơn bị trúng đạn”.
Và chỉ sau đó vài ngày, một cuộc xả súng mới đã xảy ra, nhắm vào một trung tâm xã hội dành cho người khuyết tật. Sự kiện này nối tiếp vào những sự kiện liên tiếp từ loạt khủng bố tại Paris, đánh bom liều chết tại Nigeria, xả súng vào trường học tại Ấn Độ, đánh bom tại Thái Lan… trong vài tháng qua. Và nếu nhìn lại, người ta thấy rằng những sự kiện này đã liên tiếp xảy ra không phải chỉ từ khi có vụ 11/9, mà còn kéo dài hơn nữa, kể từ lúc dầu mỏ được phát hiện. Chiến tranh, bom rơi đạn nổ liên tục xảy ra ở các nước Trung Đông, nhiều đến mức các tin tức đó chỉ còn được coi là tin tức nhỏ.
Kết luận về chuyện nguy cơ bị xả súng tại Mỹ, người mẹ mà tôi nói đến ở trên đã kết luận: “Hay là lại đưa con về Việt Nam nhỉ?”.
Thế nhưng, nếu mở những trang báo tại Việt Nam, chúng ta sẽ thấy gì? Tai nạn giao thông ngày càng tăng lên, bác sĩ không thăm khám nếu không có tiền. Có những dạng khủng bố không chết ngay lập tức, nhưng cũng đáng sợ không kém: 2 tấn thịt bẩn được nhập lậu vào Việt Nam, biến gà ôi thành gà tươi bằng hóa chất, rừng phòng hộ biến thành sân golf… Chưa kể ở trường học: Cô bạo hành trẻ vì không chịu ăn; Bị cô tát vì không làm bài tập…
Để cuộc sống tươi đẹp: bạn muốn gặt gì, hãy gieo nấy!
Tôi nhớ đã đọc đâu đó rằng: “Khi nào bạn bắt đầu nuôi dạy một đứa trẻ? Việc nuôi trẻ không phải chỉ bắt đầu khi đứa trẻ được sinh ra, hay thậm chí khi thai nghén mà bắt đầu cả trăm năm trước khi đứa trẻ được sinh ra, bởi đó là khi bạn bắt đầu xây nên cái môi trường mà đứa trẻ sẽ sinh sống”.
Tôi sẽ không hỏi “các tiền bối của chúng ta đã làm gì từ 100 năm trước để giờ đây chúng ta có cuộc sống như bây giờ”, mà tôi sẽ hỏi “chúng ta làm gì đây, để con cháu mình có cuộc sống tốt hơn”.
Phần lớn thời gian của cuộc đời một con người sẽ sống với Tha Nhân – những Kẻ Xa Lạ, ở những nơi mà ban đầu nó luôn là Kẻ Xa Lạ.
Vậy những người làm cha mẹ, theo tôi, phải là những kẻ Bao Đồng đệ nhất trong thiên hạ.
Những kẻ sẽ yêu thương bất cứ Kẻ Xa Lạ nào ta gặp phải bởi con ta sẽ là Kẻ Xa Lạ với ai đó.
Những kẻ sẽ gieo mầm Tử Tế để con ta được hưởng trái ngọt, bóng mát của cây.
Những kẻ sẽ chăm sóc những bông hồng và nhổ đi những cây bao báp như Hoàng tử Bé (nhân vật của Antoine de Saint-Exupéry) để bảo vệ bông hồng và hành tinh bé nhỏ của chàng.
Để tôi kể bạn nghe về Hoàng tử Bé nhé. Hành tinh của Hoàng tử Bé có cả hạt giống của hoa hồng và bao báp. Nếu để bao báp lớn lên, chúng sẽ trở thành khổng lồ và nuốt chửng hành tinh của Hoàng tử. “Cần phải chịu khó thường xuyên tìm và nhổ bỏ các cây bao báp ngay khi phát hiện ra chúng trong đám hoa hồng, vốn rất giống nhau khi còn nhỏ. Đó là một việc nhàm chán, nhưng rất dễ dàng”.
Hãy dành năng lượng và sự chú ý của mình để tưới tắm những bông hồng và nhổ đi những cây bao báp, chúng ta sẽ có một cuộc sống tươi đẹp.
Nhân Ái là Động Từ – thầy Thích Nhất Hạnh nói như vậy. Có nghĩa là chúng ta phải hành động.
Than phiền về các cây bao báp không làm chúng chết. Ta cần hành động, nhổ nó đi. Và hẳn bạn lại hỏi tôi: Hành động là làm gì? Chúng ta có phải trở thành ông nọ bà kia để thay đổi cục diện, có phải trở thành tổng thống Mỹ để chấm dứt chiến tranh thì mới gọi là thay đổi hay không? Không.
Chỉ cần sống đúng theo cách mà chúng ta muốn thế giới diễn ra. Bạn muốn bác sĩ có Tâm khi khám bệnh cho bạn, muốn giáo viên có Tâm với con bạn? Hãy để Tâm vào việc bạn làm. Nếu bạn đi làm chỉ vì tiền, họ cũng vậy. Ta có lý do gì để than phiền chứ? Bạn muốn có thực phẩm sạch, hãy hỗ trợ nông dân sản xuất thực phẩm sạch. Bạn muốn sự công bằng cho mình, hãy giúp đấu tranh cho một sự bất công. Bạn muốn truyền thông đưa tin tốt – cho bạn hy vọng – đừng đọc tin tức lá cải. Hãy chỉ share những tin tức thực sự có giá trị lên Facebook của bạn, đừng chia sẻ những tin lá cải chỉ để bày tỏ bức xúc.
Nếu coi xã hội như một cánh đồng, bạn muốn gặt gì, hãy gieo nấy!
—
Xem thêm
7 thói quen xấu khiến cuộc sống mất đi niềm vui
Vì sao bạn lại sống một cuộc sống buồn tẻ?
Trải nghiệm cuộc sống: Sống là để mỉm cười mãn nguyện
Nhóm thực hiện
Bài: Hằng Mai - Minh họa: Tamypu