Hôm nọ tôi nghe được một bài jazz rất hay tên là Postcard Lovers do Stacey Kent hát. Trong bài có một câu đại khái thế này “Những kẻ yêu bưu thiếp thường bị ngăn chia bởi những đại dương và năm tháng”, mà nói ít văn hoa hơn là bọn yêu bưu thiếp thường đi xa và đi lâu.
Tôi không nhớ từ lúc nào mình bắt đầu thói quen gửi bưu thiếp, nhưng gửi bưu thiếp là một trò rất dễ “lây nhiễm”. Một ngày nào đó không báo trước, bạn nhận được tấm bưu thiếp đẹp từ một nơi xa xôi, với vài dòng ngộ nghĩnh mà ai cũng đọc được, nhưng thực ra chỉ dành riêng cho bạn; và bạn hạnh phúc suốt cả ngày hôm đó. Như thể người kia đã ngắt một mẩu không khí náo động của nơi thú vị họ đang đến gửi về cho bạn vậy.
Chính lúc ấy, bạn nhận ra mình hoàn toàn có thể đem đến cho người mình yêu thương niềm hạnh phúc tương tự. Và thế là trong chuyến đi sau của chính mình, bạn bắt đầu gửi bưu thiếp.
Có một điều rất rõ ràng là ai cũng sẽ đọc được bưu thiếp bạn gửi đi hoặc bưu thiếp dành cho bạn. Từ người lấy thư, phát thư ở hai đầu gửi – nhận cho đến chị lễ tân công ty bạn, cho đến đứa đồng nghiệp tình cờ đến chỗ để thư trước bạn.
Bưu thiếp giống như những lời thương yêu được cất lên giữa đám đông. Bạn nói điều ĐÓ với người NÀY mà không chút ngại ngần.
Ồ, dù nhiều khi kẻ gửi bưu thiếp rắp tâm “chơi” mình bằng cách viết những dòng rêu rao mai mỉa, kiểu như “Bạn thân mến ơi, ở đây có rất nhiều anh chàng cao to đẹp trai như ước vọng của mày. Hãy đến đây mau!”. Nhưng cả cái sự “chơi” ấy cũng thật… đáng yêu.
Nội dung trên bưu thiếp rất hạn chế. Dù bạn có cố viết nhỏ lí rí thì nội dung trên ấy cũng chỉ dài đến một giới hạn nhất định. Nên thường thì bạn sẽ viết rất súc tích những gì mình cần mô tả và nhắn gửi. Sẽ có rất ít cơ hội trong đời chúng ta được thực tập cách tỏ bày đó.
Nhận một tấm bưu thiếp là nhận được một tình yêu. Vì thật ra chuyện gửi bưu thiếp rất phiền, nên người ta thường chỉ gửi cho người mình yêu dấu. Lựa chọn bưu thiếp rất mệt óc vì bưu thiếp hoàn toàn không phải một tấm ảnh chụp vớ vẩn, mà còn phải phù hợp với gu người nhận, cũng như thông điệp của người gửi.
Mua tem nước ngoài cũng không rẻ, ít nhất là với bọn “backpacker” ki bo như tôi. Cuối cùng, đâu phải chỗ nào cũng có một cái thùng thư ngay trước mặt, để thích gửi là gửi. Bạn sẽ phải đi lòng vòng (có khi cái vòng này rất to) để tìm cho được bưu điện hoặc một thùng thư công cộng.
Và cuối cùng, bưu thiếp là một tấm card ghi nhớ rất lãng mạn. Ngày đó, tháng đó, năm đó, từ đó, người đó đã nói với mình như thế đó, có bưu điện làm chứng. Nếu bạn chưa bao giờ gửi bưu thiếp, hãy thử một lần.
Trong một góc quán cà phê vắng tại một thành phố lạ, bạn sẽ thấy cuộc hành trình của mình hiện lên rõ ràng qua những dòng ngắn ngủi gửi ai đó mình thương, nhắc cho mình đôi khi nỗi cô đơn cũng dịu ngọt như một cuộc tương phùng.
Nhóm thực hiện
Bài Nguyễn Thiên Ngân Ảnh Tư liệu