Sự mất mát lớn của nền âm nhạc Việt
Rạng sáng nay (15/3/2016), những người yêu nhạc lẫn các nghệ sĩ Việt không khỏi bàng hoàng và thương xót khi nghe tin nhạc sĩ Thanh Tùng vĩnh biệt cõi trần, ông hưởng thọ 68 tuổi. Ông nhập viện Bạch Mai được 12 ngày trước khi mất. Kể từ năm 2008, sau trận tai biến bất ngờ, tác giả “Một mình” đã không còn đi lại được. Ông liệt bên phải, mất khả năng nói, chỉ có thể giơ tay và gật, lắc đầu. Không chỉ chịu di chứng tai biến, ông còn bị tiểu đường và thận. Hàng tuần, ông ba lần tới chạy thận tại bệnh viện Bạch Mai.
.
Nhiều năm qua, dù phải di chuyển và sinh hoạt trên xe lăn nhưng ông vẫn giữ tinh thần lạc quan, yêu đời. Lần cuối cùng Thanh Tùng đứng trên sân khấu là trong liveshow Một mình năm 2008.
Âm nhạc của Thanh Tùng
Vốn là nhạc sĩ tài năng, sở hữu hàng loạt tình khúc “vượt thời gian”, sự ra đi của ông khiến nhiều người không khỏi tiếc thương. Kể từ ca khúc đầu tay “Cây sầu riêng trổ bông” (1975) cho đến lúc lâm chung, nhạc sĩ đã cống hiến cho nghệ thuật hơn 200 ca khúc. Trong đó, có nhiều tình khúc gây thương nhớ vượt thời gian như: Mưa ngâu, Hoàng hôn màu lá, Hát với chú ve con, Lời tỏ tình của mùa xuân, Hoa tím ngoài sân, Câu chuyện nhỏ của tôi, Em và tôi, Lối cũ ta về, Ngôi sao cô đơn, Chuyện tình của biển… Âm nhạc của ông, nhà văn Nguyễn Quang Sáng nhận xét, đong đầy nỗi cô đơn nhưng lại mang thiên chức an ủi người khác.
.
Cũng nhiều người biết, nhạc sĩ Thanh Tùng là một con người đào hoa với rất nhiều bóng hồng xinh đẹp yêu ông say đắm. Họ là nguồn cảm hứng vô tận để ông nuôi dưỡng tâm hồn cũng như mạch cảm xúc của bản thân thêm bền bỉ, để gửi gắm vào từng bản nhạc. Trong cuộc đời âm nhạc của ông, chúng ta luôn thấy trong từng ca từ của mỗi bản nhạc sự đong đầy cảm xúc và tình yêu đối với nhân vật, mà họ thường là phụ nữ.
Những bóng hồng trong từng ca khúc
Có bao nhiêu người con gái trong cuộc đời ông? Chẳng ai biết được chính xác, chỉ biết khi được hỏi đến, sẽ chỉ nhận được những cái tên kéo dài mãi theo dòng cảm xúc của tác giả. Đó có thể là những người con gái có nhiều kỉ niệm với ông hoặc vốn chừng chỉ là sự lay động cảm xúc nhất thời của cố nhạc sĩ.
(Ca khúc “Ngôi sao cô đơn” qua giọng ca Tùng Dương và Thanh Lam)
Ví dụ như “Lời tỏ tình mùa xuân” và “Ngôi sao cô đơn” là hai ca khúc được nhạc sĩ Thanh Tùng viết tặng cho người con gái có tên Ngọc Bích. Và cô là người hát rất thành công hai ca khúc này của ông.
Trong “Lời tỏ tình mùa xuân” có đoạn: “Và tôi biết rằng, nói yêu em là điều khó khăn” từng dấy lên nhiều nghi vấn tình cảm giữa ông và cô ca sĩ này nhưng có lần Thanh Tùng đã phủ nhận và giải thích khá hài hước: “Ngày ấy đề tài tình yêu rất khó được giải, được biểu diễn trên Đài phát thanh. Và tôi viết, “nói yêu em là điều khó khăn” là nói với khâu kiểm duyệt đấy chứ!”.
(Ca khúc “Lời tỏ tình mùa Xuân” qua giọng ca Hồ Trung Dũng)
Riêng bài “Hát với chú ve con” thì nhạc sĩ Thanh Tùng thừa nhận, đó là một câu chuyện buồn. Ngày ấy ông yêu một cô gái rất đẹp và có một số phận rất đau đớn. Vì cuộc sống xô đẩy, cô ấy trở thành tiếp viên, không còn tin vào tình yêu nữa dù ông đã rất cố gắng chứng minh điều đó. Sau này, người con gái ấy ra nước ngoài đoàn tụ gia đình và mang theo bài hát Thanh Tùng viết vội tặng lúc chia tay.
Hàng loạt những cái tên trong “danh sách” bóng hồng âm nhạc của nhạc sĩ Thanh Tùng được nối dài thêm với những Ngọc Thúy, Tôn Nữ Minh Tâm trong các ca khúc nổi tiếng như: Chuyện tình của biển, Phố biển, Giọt nắng bên thềm…
Riêng bài “Trái tim không ngủ yên” đã được nhạc sĩ xác nhận ca khúc viết về một người đẹp chân dài. Chỉ vừa mới quen nhau thì ngày 7/3 ông có việc phải đi ra Hà Nội gấp và không kịp mua quà tặng người đẹp nên bỏ tiền vào bao thơ và ghi lại: “Em mua giúp anh một món quà cho mình”.
Hành động của ông khiến người đẹp giận dỗi và ngay hôm ấy cô gọi cho ông nhiều lần với lời lẽ nặng nề và nói ông xem thường cô ấy. Vừa ức lại vừa tủi, ông đã lấy giấy bút ra viết: “Nếu anh nói anh vẫn chưa yêu là thực ra anh đang dối lòng/ Còn anh nói đã trót yêu em rồi là thực ra anh đang dối anh”.
(Ca khúc “Trái tim không ngủ yên” qua giọng ca Bằng Kiều và Mỹ Linh)
Ông nói rằng lúc ấy tình cảm của ông chỉ vừa gói gọn ở mức có cảm tình và hơi thích cô nàng. Đêm đó, ông gọi điện cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào lúc 2 giờ sáng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bông đùa rằng: “Đêm hôm đánh thức người khác, không ngủ được thì đặt luôn bài hát đó là “Trái tim không ngủ yên” đi!”. Chẳng ngờ, ca khúc lại trở thành tình ca bất hủ qua giọng ca Bằng Kiều – Mỹ Linh.
.
Kẻ hào hoa “chung tình”
Hào hoa phong nhã là như thế, nhưng Thanh Tùng may mắn có một người vợ thủy chung với ông đến tận hơi thở cuối cùng. Vào phút lâm chung của đời mình, khi đó có mặt của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bà hỏi chồng mình: “Nếu em chết anh có lấy vợ mới và bỏ các con không?”. Thanh Tùng gọi đó là tuyên án chung thân, giữa hai cách trả lời có hoặc không, chỉ không là có thể nói lúc này.
.
Vợ qua đời, một tay nhạc sĩ Thanh Tùng nuôi ba đứa con Bách, Thông và Bạch Dương trưởng thành như chính những loài cây mạnh mẽ. Biết cha đào hoa nhưng không ai trong số con cái của ông phản đối cha, họ cũng có người bầu bạn với cha sớm tối để ông vơi bớt cô đơn, bớt làm bạn với rượu bia và thuốc lá.
Nhiều người đến và đi như thế, có thể để yêu nhưng chẳng ai có thể khỏa lấp vào vị trí của vợ ông. Sống bao nhiêu năm một mình nuôi nấng 3 con, quay quắt giữa xã hội kim tiền với trái tim vẫn hướng về người đã khuất. Ông đã giữ trọn tình yêu và trách nhiệm với người vợ mình cho đến phút cuối.
Trong gia tài nhạc phẩm cũng chính là gia tài tình yêu của mình, nhạc sĩ Thanh Tùng chỉ viết duy nhất một ca khúc tặng vợ. Đó là ca khúc “Em và tôi“, ông đã từng chia sẻ như thế. Ông khẳng định: “Đó là những tình cảm và suy nghĩ thật nhất về một nửa cuộc đời của tôi”.
—
Xem thêm:
Nhạc sĩ Dương Thụ – Gia đình âm nhạc của tôi
Nhạc sĩ Đức Trí: Tôi có duyên với các nghệ sĩ nữ
Không phải người nổi tiếng nào cũng mặc đẹp – Nhạc sĩ Quốc Bảo
Cơ duyên đạo Phật của huyền thoại âm nhạc David Bowie
Nhóm thực hiện
Tổng hợp: Đức Nguyễn - Hình ảnh: tư liệu