1. Đừng bỏ lỡ các cơ hội mua sắm giảm giá. Các nhãn hàng hiện nay thường kết hợp với nhiều đối tác khác để tổ chức các chương trình có mức giảm giá lớn như ELLE Private Sale giảm giá đến 70%. Bạn có thể sử dụng thẻ tín dụng để hưởng ưu đãi giảm giá khi mua sắm.
2. Hai “thời điểm vàng” khi tham gia một chương trình giảm giá: Lúc bắt đầu – để lựa được những sản phẩm tốt nhất và khi kết thúc – để mua được giá thấp nhất.
3. Mặc quần áo ôm, co giãn tốt để khoác thử ngay tại chỗ phòng khi có quá nhiều người chờ ở phòng thử đồ. Luôn chắc chắn món đồ đó hợp/vừa vặn với bạn rồi hãy mua.
4. Đừng phí thời gian hay đắn đo trước những món không phù hợp. Thà mua ít nhưng có được những món mình thích còn hơn là mua nhiều rồi lại xếp xó tủ.
5. Mắt kính, giày cao gót, túi xách, trang sức gây ấn tượng nhiều hơn là quần áo. Các stylist nổi tiếng thường nghĩ đến phụ kiện trước tiên rồi mới tìm quần áo phối cùng.
6. Hình dung trước sẽ ghé những đâu và mua những gì.
Còn kinh nghiệm mua sắm của các ELLE fashionista như thế nào?
1. Vũ Kiều Linh – Giám đốc truyền thông À Ố Show
Do yêu cầu công việc, tôi thường xuyên phải đi công tác nước ngoài. Trước đây, mỗi dịp như vậy là cơ hội tuyệt vời để shopping. Qua internet, tôi có thể thu thập được vô số thông tin về những nơi bán đồ vintage, các mùa giảm giá, cơ hội hoàn thuế VAT khi xuất cảnh ở mỗi nước. Giờ đây, nhiều thương hiệu đã có mặt tại Việt Nam, từ cao cấp như Salvatore, Burberry… đến thông thường như Topshop, Mango… có giá bán tương đương thậm chí thấp hơn giá bán tại các nơi khác như Bangkok, Seoul, Tokyo…
Là phụ nữ thật khó để nói mua sắm tới chừng nào là đủ. Tôi chỉ luôn tự nhắc nhở mình bằng một câu nói bất hủ của nhà tỷ phú Warren Buffett: Nếu bạn mua những món không cần, sớm hay muộn bạn sẽ phải bán đi những món bạn cần. (If you buy things you don’t need, soon you will have to sell things you need).
2. Nguyễn Trần Hoàng Anh – Giám đốc truyền thông
Tôi đã thấy nhiều người bỏ tiền ra mua những chiếc T-shirt mà nếu không phải của hiệu đó chắc đã không được đoái hoài tới. T-shirt hiệu thường có giá mềm nhưng sẽ không hề rẻ nếu thiết kế và chất liệu tầm thường, chỉ có mỗi logo hiệu trên ngực áo.
Hiểu biết về chất liệu sẽ giúp bạn định giá sản phẩm đó có đáng tiền không. Tôi không muốn trả nhiều tiền cho những chất liệu nhiều polyester, giày bằng da lộn (suede)… Bạn cần xem món đồ định mua có phù hợp không, dù chúng được thiết kế bởi những tên tuổi lẫy lừng. Cố gắng tỉnh táo khi chọn lựa, đừng để bị lóa mắt bởi nhãn hiệu để rồi nhận ra món đồ không hợp.
Tôi thường theo sát những nhà thiết kế trẻ có triển vọng và đầu tư vào quần áo của họ. Sau này khi họ nổi tiếng, giá cả của những đồ họ thiết kế cũng theo tiếng tăm đó mà lên.
Bạn cũng nên tìm hiểu về các nhãn hiệu và nhà thiết kế vì bạn thật ra đang bỏ nhiều tiền cho giá trị của những tên tuổi đó hơn là giá trị thật sự của những món đồ. Không hiểu “nghệ sĩ” nào sáng tạo ra đồ bạn đang mặc thì bạn đang tiêu tiền một cách hời hợt rồi.
Nếu bạn yêu thích đồ thiết kế nhưng khả năng tài chính có hạn, hãy đợi các đợt giảm giá hoặc nhắm đến các nhãn hiệu trẻ nhưng cá tính như MSGM, Carven (nhãn hiệu lâu đời nhưng vừa được vực dậy bởi Guillaume Henry).
—
Xem thêm
1. Các tin tức về thời trang của tạp chí ELLE
2. Các kiến thức về mua sắm từ tạp chí ELLE
Nhóm thực hiện