1. Tắm nước nóng có thể cải thiện năng lực xã hội
Theo tin từ tờ Daily Mail (Anh), các nhà khoa học thuộc Viện Y học Albert Einstein (Mỹ) đã chứng thực: Tắm trong nước nóng 39 độ C có thể cải thiện được năng lực xã hội của bạn.
.
Những người nghiên cứu tìm đến 10 đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ (Autism) chia thành 2 nhóm ngâm mình trong nước nóng 39 độ C và 35 độ C khoảng nửa giờ. Sau đó họ mời bác sỹ và bố mẹ đánh giá hành vi của những đứa trẻ này. Kết quả phát hiện, nhóm trẻ tắm trong nước nóng 39 độ C trở nên hoạt bát hơn, cũng chịu giao lưu với người khác hơn nhóm trẻ còn lại. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây có thể là do môi trường ấm nóng đã khiến các chức năng cơ thể con người linh hoạt hơn.
Người phụ trách cuộc thí nghiệm này là ông Eric Hollander, một chuyên gia chuyên nghiên cứu về sự ảnh hưởng của nhiệt độ đối với cơ thể người. Ông giải thích: độ ấm nóng thật sự sẽ làm thay đổi chức năng cơ thể. Các nghiên cứu trước đây cũng chứng thực, con người sống trong môi trường ấm áp hơn thì năng lực giao tiếp của họ cũng mạnh mẽ hơn, hệ miễn dịch linh hoạt hơn và sức đề kháng với bệnh tật cũng tốt hơn.
Tuy số lượng tham gia thực nghiêm này còn quá hạn hẹp nhưng thành viên Hiệp hội bệnh tự kỷ quốc gia Mỹ – ông Carolin Hotels bày tỏ rằng, kết quả của cuộc thực nghiệm này thật sự đã đề ra thêm một hướng trị liệu mới về tâm lý con người cho những bệnh nhân mắc bệnh tự kỷ và gặp trở ngại trong vấn đề xã hội.
2. Soi gương càng lâu càng dễ lo âu
Cũng theo tờ Daily Mail (Anh), thời gian soi gương nếu như quá dài sẽ dễ dẫn đến chứng lo âu, căng thẳng
.
“Thích nhìn ngắm mình” là hành động thường thấy ở những người yêu cái đẹp. Và gương hiển nhiên trở thành công cụ giúp họ có thể săm soi dung mạo, cử chỉ của mình đã chỉnh tề chưa, hoàn mỹ chưa. Thật ra yêu thương cơ thể mình là điều tốt, đó cũng thể hiện sự tôn trọng của bạn với người khác khi ăn mặc chỉn chu, đẹp đẽ hơn. Song, nếu không biết tiết chế dẫn đến chứng “nghiện soi gương” lại là vấn đề khác.
Những người nghiên cứu của viện y học trường đại học Leeds (Anh) đã tìm một số người tình nguyện. Đầu tiên để họ nhìn vào gương 25 giây và tự cho điểm về độ hài lòng của mình. Tiếp theo lại để họ nhìn vào gương ít nhất là 10 phút rồi tiếp tục đánh giá. Kết quả phát hiện, thời gian soi gương càng dài thì sự hài lòng với bản thân của con người càng giảm xuống. Cụ thể sau khi ngắm nghía mình trong gương hơn 10 phút, tâm lý con người dần thay đổi và chuyển sang cảm giác lo âu, phiền muộn càng lúc càng rõ rệt hơn.
Nhà tâm lý học Andrew Hilden cho biết, soi gương một chút có lợi cho việc phát hiện ưu điểm bản thân, tăng lòng tự tin. Nhưng nếu suốt ngày đứng trước gương ngắm nghía mình thì con người sẽ dễ phát hiện chỗ không hoàn mỹ trên cơ thể, từ đó sinh ra lo lắng, trầm cảm, thậm chí còn ảnh hưởng lòng tự tin và năng lực phán đoán.
3. Sờ vào vật tròn hỗ trợ khắc phục chứng sợ hãi xã hội
Một cuộc nghiên cứu của Mỹ đã phát hiện, khi sờ vào vật có hình tròn có thể khiến người ta thả lỏng hơn. Nó thật sự có ích cho chứng sợ hãi xã hội đã trở thành một bệnh tâm lý phổ biến hiện nay.
.
Có những người khi vừa nghĩ đến khung cảnh công khai hoặc môi trường xã hội với nhiều người thì mất tự chủ, cảm thấy lòng bàn tay đổ mồ hôi, tim đập nhanh, cực kỳ căng thẳng. Về vấn đề này, các học giả đến từ Rensselaer Polytechnic Institute, Đại học Yale và Đại học Harvard đã tiến hành nghiên cứu. Họ phát hiện, sau khi tiếp xúc với đồ vật thô nhám, con người càng cảm thấy khó đối mặt với hoạt động xã hội hơn. Ngược lại, khi dùng ngón cái sờ vào những vật tròn như hạt chuỗi, quả cầu pha lê… hiệu quả điều tiết tâm trạng giúp tâm lý con người thả lỏng hơn, khắc phục được cảm giác lo lắng, sợ hãi.
Báo cáo nghiên cứu còn chỉ ra, sự tiếp xúc da cũng có tác dụng “vỗ về” con người. Ví dụ khi bạn cảm thấy khẩn trương, hãy nhờ người thân mát xa tay chân, sẽ giúp bạn ổn định lại nhịp tim và giải tỏa tâm trạng căng thẳng.
__
Xem thêm:
Trị liệu tâm lý vượt qua cơn bão trầm cảm
Khám phá bản thân: Giải mã 15 cơ chế tự vệ tâm lý
Bí quyết sống: Đừng làm nô lệ tâm lý
Nhóm thực hiện
Bài: Tạ Lê Minh Thư / Ảnh minh họa: Sưu tầm