Cũng có những hoài niệm khiến mắt cô xa xăm. Cuộc trò chuyện bắt đầu từ lần tôi gặp Tâm trong chương trình biểu diễn tại công viên nước Hồ Tây cách đây 16 năm. Nói như Tâm thì hồi ấy, chúng tôi đều chưa có gì. Và cứ thế, chuyện trôi qua những khoảnh khắc không thể quên của Tâm trong nghề, trong cuộc sống.
.
Trong sự nghiệp của mình, nếu nhìn lại thì đâu là những khoảnh khắc định hình nên phong cách Mỹ Tâm ngày hôm nay?
Đầu tiên, có lẽ phải nhắc đến những cuộc thi hát ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Tâm chinh chiến hết tất cả mà cuộc thi nào cũng thắng, tới nỗi thấy tên Mỹ Tâm là người ta không cho thi luôn.
Khoảnh khắc thứ hai Tâm nhớ là sau khi đoạt giải ở báo Mực Tím, chị chủ phòng trà Cadilac biết đến Tâm từ cuộc thi đó, thích giọng hát của mình nên mời Tâm về hát cho phòng trà hàng đêm. Hồi đó, Tâm chưa nổi tiếng gì hết, nhưng mà không bao giờ xin đi hát, tại nghĩ vậy thì kỳ lắm. Phải mời mình mới đi. Còn để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống thì Tâm đi dạy nhạc thêm. Cũng không hiểu sao từ hồi ấy Tâm đã nghĩ như vậy. Tâm hát ở phòng trà, được khán thính giả thương và thích lắm.
Khoảnh khắc thứ ba không thể quên là lúc Tâm được khán giả nhớ khi mình bắt đầu nổi tiếng. Thời điểm đó, Tâm đã hát Tình như ngọn nến rồi nhưng mà chưa cảm nhận được cho đến hôm nghe bên hàng xóm mở bài Hát với dòng sông. Lúc ấy cảm giác như là cả nước đang… hát với dòng sông vậy (cười lớn). Tâm mới nhận ra, “Ồ, mình được nhiều người biết rồi!”.
Tiếp đến là show Yesterday & Now. Lần đầu tiên, bước vào một concert có biển người như vậy, Tâm vừa xúc động, vừa thấy ngộp, nổi hết cả da gà luôn.
Đó là những khởi đầu, sau này còn có nhiều khoảnh khắc hay và đáng nhớ nữa. Gần nhất chính là show Heartbeat. Tâm từng mơ ước mình có thể làm được một chương trình như vậy nhưng nghĩ, không dễ gì bắt được khán giả đứng lâu với số lượng lên đến mấy chục ngàn người. Quả thực, Heartbeat chạm vào cảm xúc của Tâm, khiến mình còn ngộp hơn xưa nữa. Mỗi khi khán giả hô lên, Tâm thấy khủng khiếp luôn!
.
Những khoảnh khắc mà Tâm nhắc đều liên quan đến nghề nghiệp, có cái gì đó riêng tư hơn không, chẳng hạn như những cuộc gặp, chuyện tình cảm chẳng hạn?
Về những cuộc gặp, Tâm nhớ nhất là với anh Nguyễn Hà. Hồi đấy đi học, Tâm ở ký túc xá mà tít ở lầu 8, phải đi bộ lên. Anh Hà muốn kiếm Tâm, anh phải đi bộ lên đấy tìm, Tâm bất ngờ lắm. Bây giờ nghĩ lại, Tâm thấy những người với tính cách như vậy thì không thể nào không thành công được. Hay như anh Quốc Bảo, anh là người mà thấy tài năng thì thể nào cũng phải làm cho được cái gì đấy để đỡ họ. Nhiều khi Tâm không làm được như vậy. Anh Bảo là người dạy dỗ Tâm nhiều, khuyên Tâm phải học thêm sáng tác nữa.
Rồi anh Lê Quang. Anh thương Tâm như em gái trong nhà. Hai anh em không làm việc với nhau nhưng chơi với nhau được đến giờ. Lâu lâu gặp lại, ăn uống, nói chuyện này chuyện kia. Tâm may mắn có những người bạn, không thường xuyên gặp nhưng rất hiểu mình, nói chuyện gì cũng được. Họ làm mình thấy cuộc sống dễ thương.
Một cuộc gặp đáng nhớ khác là với ông Jo Soong Chin, người từng sản xuất đĩa Vút Bay cùng Tâm. Ông Jo sau này mới kể, hồi gặp Tâm lần đầu, nhìn cái là đã không ưa liền, tại ngó có vẻ gì đó chảnh chảnh, làm gì mà ngầu dữ vậy. Dần dà, làm việc cùng, thấy Tâm chịu khó, ông hiểu và có nhiều thiện cảm hơn. Có thể nói ông Jo là producer nước ngoài gần gũi và hiểu âm nhạc của Tâm nhất.
.
Nếu tự nhìn nhận, tính cách nào khiến mọi người yêu thương, thậm chí là “trung thành” với Tâm như một “tín ngưỡng”?
Thú thật là Tâm cũng không biết, không giải thích được. Thế hệ mới đến với mình, hỏi tại sao thích cô Tâm, các em trả lời, vì ba mẹ đưa cho cái đĩa coi vui thì thấy thích, vậy thôi! Rồi có những em nhỏ, đang cắt tóc thì khóc, người lớn dỗ rằng, thôi nín đi, xíu về dẫn qua nhà cô Mỹ Tâm, mà em ấy đâu có biết Tâm là ai đâu. Thời gian gần đây cũng có nhiều người hỏi Tâm như vậy và Tâm bắt đầu suy nghĩ chứ hồi trẻ hơn thì không. Vì Tâm nghĩ đó là bình thường, là lẽ tự nhiên, mình phải phát triển hơn nữa chứ sao đi lùi được?
Bây giờ, Tâm cảm nhận được từ phản hồi của người xung quanh, có lẽ là vì bản thân mình rất tự nhiên và chân thành. Nếu họ đến vì âm nhạc, có thể một ngày nào đó họ sẽ rời đi. Nhưng nếu đến vì tính cách, vì con người mình, họ sẽ ở lại với mình lâu hơn.
Tâm là người thẳng tính, thích thì bảo là thích, không thì nói là không. Nhiều khi, Tâm không thích chụp hình với fan vì đang vội, hoặc không sẵn sàng. Chuyện đó rất là kỳ, Tâm biết chứ, về đến nhà bao giờ cũng thấy tội ‘Trời ơi, mình dừng lại chụp cái cũng đâu sao đâu!’ Lần sau mình dừng lại chụp, các bạn rất là vui. Tâm nghĩ, cuộc sống lúc này lúc kia, không phải lúc nào mình cũng chiều theo chuyện của người ta nhưng cũng không phải lúc nào cũng chiều theo ý mình.
.
Nghe Tâm kể và quan sát con đường Tâm đi, dường như có cảm giác con đường của Tâm trơn tru, bằng phẳng và trải hoa hồng quá…
Tâm không biết nhưng thời điểm khó khăn nhất của Tâm là thời còn đi học rồi. Lúc đó, nhà Tâm khánh kiệt, Tâm vào Sài Gòn đi học, phải tự lo cho bản thân. Sáng học văn hóa, chiều học nhạc, tối đi làm thêm, học bài. Ở ký túc xúc, một ngày đi mấy ngàn bậc thang, nhiều khi lên tới nơi sực nhớ quên chìa khóa, lại vòng xuống lấy. Nói chung là cực quá đi! Có lúc, Tâm muốn bỏ học luôn vì nghĩ nó không đi đến đâu nữa. Và có một thời gian, Tâm lơ là thiệt. Nhưng rồi nghĩ, mình không tốt nghiệp lớp 12 thì còn ra cái thể thống gì nữa! Tâm tự đặt ra cho mình những kế hoạch và luôn viết ra, ngày hôm nay mình sẽ làm gì, đạt được cái gì. Thi thoảng chuyển nhà hoặc vô tình nhìn lại những quyển số ấy, Tâm hết sức bất ngờ luôn. Cho nên, sau này nghĩ lại, Tâm tự hỏi, có thời điểm nào cực như thời điểm đó nữa không? Rõ ràng là không! Vậy thì không có lý do gì Mỹ Tâm lại thất bại.
Nói gì thì nói, mỗi thời điểm vẫn có những áp lực riêng. Có lúc nào Tâm thấy mình rơi vào trạng thái bão hòa?
Có chứ! Thời điểm 2008-2009, Tâm bị nản luôn. Tự dưng thấy bối rối, không biết mình nên làm gì và không làm được gì. Tâm đi khắp nơi làm cuốn sách ảnh, làm nhạc phim cho khác đi để tìm lại cảm hứng. Rồi Tâm nhận lời làm Idol. Khi đã đi qua được giai đoạn đó, mọi thứ ào lên lại. Ngay cả trong thời điểm này, thi thoảng bất chất Tâm vẫn thấy nản do một ngày có nhiều chuyện không tốt đến với mình, dồn mình vào thế “Tại sao mình phải chịu những thứ này?” Một chút thôi, Tâm bình tĩnh lại, tách từng chuyện ra, xem vấn đề cốt lõi là ở đâu, mình lại thấy nhẹ đầu xuống.
.
Mỹ Tâm giờ đây không chỉ là một ca sĩ mà còn là một thương hiệu. Từ khi nào Tâm bắt đầu xây dựng chiến lược này cho mình?
Phải nói thật, đấy không phải là chiến lược mà là do tính cách Tâm vậy. Nó bộc lộ từ bé và Tâm cứ đi vậy hoài. Tâm thấy mình may mắn khi được Tổ thương, khi đi đúng tính cách, đam mê, đúng con đường này. Có thể tính của Tâm không phù hợp với làng giải trí nhưng Tâm luôn quan niệm làm việc gì cũng phải làm hết sức. Phải tự hào và có giá trị của mình.
Vậy, giá trị nào của thương hiệu Mỹ Tâm đã đưa Tâm đến với Huawei?
Tâm nghĩ không riêng gì Huawei mà bất kỳ thương hiệu nào Tâm nhận lời, chắc chắn công ty đó phải rất là thành công. Một năm có rất nhiều quảng cáo mời nhưng Tâm đều lọc ra, cái nào làm, cái nào không. Không phải vì thù lao không mà còn vì cái cách của người ta, có chuyên nghiệp không, hình ảnh này kia có ổn, có phù hợp không. Mặt khác, mình cũng phải cân nhắc là vì mình đại diện cho người Việt, thế hệ trẻ Việt. Tâm làm gì sai thì các bạn bị ảnh hưởng ghê lắm nên mình càng phải có trách nhiệm. Tâm nghĩ mình là bộ mặt của thương hiệu thì điều Tâm có thể mang lại là sự uy tín, bản sắc và thiện cảm của khách hàng dành cho thương hiệu đó.
Cảm ơn Mỹ Tâm về những chia sẻ này!
—
Xem thêm
Những khoảnh khắc đáng nhớ của Mỹ Tâm cùng HUAWEI P9
Mỹ Tâm “nghiện” hát nhạc trữ tình
Ngắm trọn khoảnh khắc Mỹ Tâm ngọt ngào giữa rừng hoa
Nhóm thực hiện
Tạp chí Phái đẹp ELLE