Xu hướng See now Buy now dường như là sự khởi đầu của một cuộc chiến thời trang giữa hai cách thức vận hành kinh doanh một mới một cũ nhằm thúc đẩy việc doanh thu cũng như xoá mờ khoảng cách thời gian giữa các nhà mốt và khách hàng. Nỗi ám ảnh chờ đợi sáu tháng trước khi các bộ sưu tập mới được lên kệ đã khiến các tín đồ thời trang thế giới phải nôn nao trong suốt hàng thập kỷ qua.
Burberry là nhãn hàng đầu tiên mở đầu cho xu hướng See now Buy now và nối tiếp hàng loạt các thương hiệu thời trang danh tiếng khác như Tom Ford, Tommy Hilfiger và Michael Kors. Bên cạnh đó Prada và Louis Vuitton cũng góp mặt trong bảng danh sách đổi mới phương thức bán hàng nhưng lại đưa ra những bước đi từ tốn và cẩn trọng hơn. Hai nhà mốt sẽ chỉ áp dụng hình thức kinh doanh mới với vài mẫu túi được trình làng trong tuần lễ thời trang Milan, đưa ra một cuộc thăm dò và khảo sát tình hình.
BST Xuân-Hè 2017 của nhãn hàng Tommy Hilfiger cũng đi theo xu hướng See now Buy now
Khởi đầu của thành công
Theo những gì Diane Von Furstenberg, Chủ tịch Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Mỹ chia sẻ, ngành công nghiệp thời trang đang phải đương đầu với một hệ thống đang dần sụp đổ cho đến khi chiêu thức See now Buy now xuất hiện, xoay ngược tình thế giữa các thương hiệu và cuộc đua thời gian trong ngành công nghiệp lụa là. Kể từ khi nhà thiết kế Christopher Bailey, người dẫn đầu thương hiệu Burberry đưa ra quyết định sẽ gộp hai show thời trang nam và nữ thành một để tạo thuận tiện cho cách thức thương mại mới này, thế giới thời trang đã chính thức bước sang một chương mới, tạo nên một phương thức vận hành hoàn toàn đối lập.
BST Burberry Ready-to-wear Xuân-Hè 2017
Ghi nhận từ trang web Edited, ngay sau khi kết thúc show diễn Burberry Xuân-Hè 2017 đến nay, nhiều sản phẩm trong bộ sưu tập “See now, buy now” vừa qua đã được bán. “Tôi đã rất bất ngờ với tần suất bán ra của một số sản phẩm trong bộ sưu tập mới này. Mọi người có vẻ rất thích thú với những chiếc áo được trang trí tinh xảo và bắt mắt hay những chiếc áo khoác có thiết kế nổi loạn”, Christopher Bailey, Giám đốc sáng tạo kiêm giám đốc điều hành của Burberry chia sẻ.
Đối với thương hiệu Tom Ford, đây cũng là khoảng thời gian ấn tượng nhất từ trước đến nay với doanh thu sau show tăng vọt. “Chúng tôi đã có một ngày tuyệt vời nhất trong năm nay ngay khi show diễn Tom Ford tại tuần lễ thời trang New York kết thúc”, Joshua Schulman, Chủ tịch tập đoàn quốc tế Bergdorf Goodman và Neiman Marcus tiết lộ. “Thông thường, doanh số bán hàng sẽ phải trải đều nhiều tuần để có được kết quả mong đợi. Nhưng với cách thức mua hàng trực tiếp, kết hợp với show diễn được tổ chức ngay tại chính cửa hàng đã làm cho khách hàng của chúng tôi có một sự mong muốn sở hữu sản phẩm ngay tức thì”.
Gigi Hadid tại show diễn Tom Ford “See now, buy now” đầu tiên ở tuần lễ thời trang New York
Bên cạnh đó, cùng tại thời điểm show diễn đang diễn ra, Topshop Unique cho biết đã bán được ba sản phẩm vừa được trình diễn trên sàn catwalk. Hay tương tự như nhãn hàng Rebecca Minkoff đã ghi nhận một sự gia tăng doanh số bán hàng lớn ngay sau khi tiếp bước Tommy Hilfiger dấn thân vào cơn vũ bão khi tuyên bố sẽ áp dụng hình thức See now Buy now. Chỉ với cuối tuần vừa qua, doanh số tại các cửa hàng cũng như tại trang web đã tăng 168% so với cuối tuần của show diễn cùng kỳ năm ngoái. “Mặc dù chỉ mới mở cửa được nửa ngày nhưng chúng tôi đã đạt doanh số cao hơn 25% so với những ngày bình thường khác,” đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Uri Minkoff tiết lộ.
Nối tiếp Burberry, Giám đốc đại diện của Tom Ford cũng chia sẻ đây là một hiệu ứng hào quang mạnh mẽ trên mọi mặt hàng sản phẩm của hãng từ trang phục Ready-to-wear cho tới phụ kiện và cả mỹ phẩm. “Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là làm thế nào “See now, buy now” thúc đẩy được một sự quan tâm lớn tới thương hiệu từ nhiều khách hàng khác nhau đến vậy”.
Truyền thống và giá trị thời gian
Ngược lại với xu hướng, các nhà mốt lớn của ngành thời trang như Chanel, Dior, Gucci, Saint Laurent và Hermès lại giữ vững lập trường, kiên quyết nói không với phương thức kinh doanh mới này. Ông hoàng thời trang Karl Lagerfeld đã đưa ra ý kiến cho rằng các hãng thời trang cần cho khách hàng thời gian để đưa quyết định, đặt hàng quần áo hay túi xách và thời gian cho nhà mốt sản xuất các sản phẩm đó một cách hoàn hảo nhất. Cùng chung ý kiến với những quan điểm của Karl, Giám đốc điều hành tập đoàn Kering, chủ sở hữu của nhiều thời hiệu thời trang lớn trong đó có Gucci, Francois-Henri Pinault chia sẻ rằng chủ trương kinh doanh mới của các thương hiệu như Burberry và Tom Ford sẽ làm “tan biến những giấc mơ” của sự sang trọng và việc chờ đợi cho những sản phẩm sẽ tạo ra “ham muốn và thèm khát” từ khách hàng cho các nhãn hàng xa xỉ.
Trong khi các show diễn See now Buy now đã có những bước chuyển biến đột phá tới doanh thu của một số hãng thời trang, đặc biệt là nhà mốt Burberry của xứ sở sương mù và thương hiệu Rebecca Minkoff đến từ Mỹ, nhưng các thử nghiệm thực tế sẽ đưa ra được kết quả chính xác nhất trong các tháng sắp tới đây. Liệu rằng đây có phải là một bước đi đúng đắn của ngành công nghiệp thời trang cao cấp hay không, thời gian chắc chắn sẽ là câu trả lời rõ nhất cho bước ngoặt mới này.
—
Xem thêm
BST Thời trang Burberry Xuân-Hè 2017
Tom Ford – Cuộc đời truyền cảm hứng của gã lập dị tài hoa
Tommy Hilfiger đồng tổ chức Bữa tiệc mùa Hè thường niên
Nhóm thực hiện
Theo Tạp chí Phái đẹp ELLE