Cuộc tự vấn dai dẳng
K tỉnh dậy vào buổi sáng thứ 7, một ngày nghỉ, và lập tức nhận ra những dấu hiệu về sự xa lạ. Trong phòng ngủ, lần đầu tiên sau mười lăm năm kết hôn, K chợt nhận thấy mình trần truồng, lọ nước hoa thường dùng đã bị đánh tráo, hình ảnh người vợ vẫn khuôn mặt ấy mà hành động, cử chỉ lại trở nên xa lạ…. Từ ấy, K bị đẩy vào một không gian ngược, xáo trộn hoàn toàn so với không gian hiện thực. Trong suốt hai ngày cuối tuần ấy, K đã bước qua bước lại giữa những vùng không gian khác nhau, gặp gỡ những đối tượng mà K hoặc đã từ lâu không gặp, hoặc mới hoàn toàn. Nhưng tất thảy đều mang lại cho K cảm giác hoang mang, sợ hãi và tội lỗi. Điều mà K luôn truy vấn trong suốt những khoảng thời gian kiếm tìm và gặp gỡ ấy là: Điều gì đã xảy ra? Tôi là ai?
Cảm giác của K khiến ta liên tưởng đến buổi sáng trong Hóa thân của Kafka, khi nhân vật Gregor thức dậy và thấy mình biến thành một con bọ gớm ghiếc. Nếu như Kafka để Gregor trở thành sinh vật xa lạ với xã hội loài người, thì Choi In Ho mạnh tay hơn. Ông tiến hành một lễ hội hóa thân với xã hội loài người. Đó là JS – người chị gái xinh đẹp của K – trở thành một người phụ nữ phì nộn, to béo, phàm ăn; giáo sư P trở thành cô gái mang tên Olenka, cô nữ sinh trung học thành nhân vật truyện tranh Sailor Moon; cô gái thích khoe thân ở quán cà phê thành một phát thanh viên truyền hình… Trong cái mê lộ hỗn độn, phi ranh giới của cõi xa lạ ấy, sự tồn tại của K trở nên nhạt nhòa và dường như không có thật. Có thật K là K hay K chỉ là bản sao của một bản sao khác, giữa vô vàn những bản sao vô tính mà K cảm thấy họ đang tồn tại xung quanh mình? Ấy là nỗi lo âu nhuốm màu hiện sinh, mang tính chất dự cảm về một xã hội mà con người dần đánh mất nhân cách thực sự của mình.
Trước Choi In Ho, Albert Camus cũng đã từng băn khoăn về vấn đề này khi miêu tả hành động lặp lại từ việc lăn hòn đá lên đỉnh núi của vị thần Sisyphus trong tiểu luận Thần thoại Sisyphus. Hành động của Sisyphus được xem là vô nghĩa trong vòng tròn hiện sinh của xã hội, nhưng Camus đã chia sẻ rằng “Sisyphus hạnh phúc”, bởi anh ta vẫn say mê hành động của mình”. Đại cảnh cuối cùng của cuốn tiểu thuyết nhuốm đẫm không khí huyền thoại giữa một không gian có thực, khi các nhân vật cùng lúc xuất hiện. K cùng các nhân vật trong thành phố thoát ra khỏi lễ hội hóa thân, trở về trật tự đời sống họ thuộc về với khuôn mặt tẻ nhạt mỏi mệt. Nỗi cô đơn tột cùng của thành phố nằm trong chính những khuôn mặt đồng dạng ấy. Choi đã tạo ra vùng không gian thứ ba, nằm giữa hiện thực và phi hiện thực, khiến con người trở nên nhập nhoạng, và mất hoàn toàn khả năng tri nhận về cuộc đời hay đó chính là sự phỏng chiếu mỗi cá nhân đang hoài nghi chính mình giữa cuộc sống vốn ngày càng đầy đủ tiện nghi, nhưng thiếu vắng dần đi cái “Tôi” thực tại, ngập ngụa trong vũng lầy của những thứ đèm đẹp, lấp lánh?
Cái đẹp trong ám ảnh tuyệt vọng
Choi In Ho là nhà văn tài năng, tự tin và nổi loạn. Và nếu mặc định văn chương châu Á giản đơn, cổ điển thì sẽ càng ngạc nhiên trước tài năng và tầm vóc của ông. Choi sống gắn bó với Seoul, thành ra chủ đề sáng tác chính của ông thường xoay quanh đô thị. Tác phẩm của ông thường tập trung vào những ám ảnh bệnh lý và sự mất kết nối của con người trong xã hội.
Choi viết Thành phố với những người quen xa lạ trong nỗi ám ảnh về cái chết cận kề, nhưng nỗi ám ảnh ấy lại được biểu đạt dưới hình thức vô cùng đẹp đẽ qua hình ảnh người mẹ đã chết của K. Bà luôn hiện lên với nụ cười trìu mến và là điều duy nhất xoa dịu nỗi hoang mang, cô độc của K, khiến K tìm lại bản thể khuyết thiếu. Trong khoảnh khắc “Tôi trở thành Tôi. K1 K2 hợp nhất và trở thành một K trọn vẹn”, tiếng nói đẹp đẽ sau cùng về sự tồn tại của con người đã được cất lên. K của Thành phố với những người quen xa lạ là kết thúc đẹp cho những băn khoăn của Camus, của Kafka và là lời hồi đáp đầy nhân hậu của Choi In ho trong đời sống này. Cuộc sống thực phi lý, nhưng con người vẫn có quyền hạnh phúc khi họ tìm thấy nhân cách của chính mình và trở thành một cái “Tôi trọn vẹn”.
BÀI LIÊN QUAN
Văn chương của Choi ở Thành phố với những người quen xa lạ không còn bạo liệt, nổi loạn như thời của Qua lỗi tường, Căn phòng của kẻ khác mà đã trở nên khúc chiết, suy tưởng và trữ tình hơn. Choi đã khơi mở những dòng suy tưởng đậm tính triết học bằng lối viết độc đáo, xóa mờ mọi lý thuyết cứng nhắc về cấu trúc mà ta vẫn tưởng cần có trong tiểu thuyết. Đọc Choi sẽ rơi vào một cõi huyền thoại đầy hư ảo, quyến rũ, mềm mại nhưng không vì thế mà kém đi phần sắc sảo, quyết liệt.
Hai năm sau khi cuốn sách được xuất bản, Choi In ho qua đời tại bệnh viện Seoul. Trong diễn văn ngày mất của ông, Hồng Y Nicholas đã nói: “Choi chính là nhà văn hay nhất và được yêu quý nhất trong thời đại chúng ta. Tác phẩm của ông truyền đạt những hiểu biết tinh tế, mãnh liệt của mình về đời sống, tình cảm của con người”. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiêu và đọc sách hay này nhé!
—
Xem thêm
Tủ sách giáo dục Shichida – Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn
35 lưu ý khi muốn tạo dựng thói quen đọc sách
Giải sách hay 2016: Kỳ vọng một “màng lọc” tri thức
Nhóm thực hiện
Phong Linh (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE)