Khi Bà Tưng, một cô gái ở độ tuổi 20 xuất hiện trên mạng với clip thả rông ngực nhảy điệu Gentle Man của Psy, đám đông được một phen “phát rồ”. Hai chữ Bà Tưng đã trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất, lập kỷ lục tìm kiếm trong sáu tháng đầu năm chỉ sau vài tuần xuất hiện.
Tỉ lệ tìm kiếm với từ khóa Bà Tưng cách xa cả “năm mươi dặm” so với những cô gái cũng có mức khoe là Ngọc Trinh hay Angela Phương Trinh. Nhà nhà, người người ai cũng biết đến cô gái ấy, họ hân hoan xem cô nàng “thả”, hay họ bĩu môi khinh rẻ, hay họ trố mắt nhìn ngạc nhiên, nhưng rốt cuộc thì ai cũng biết.
Thường thì ngay khi một cô gái mấy chiêu trò kia trở thành kẻ được săn lùng, thì ngay lập tức sẽ có những nhà đạo đức lên tiếng. Trên các trang báo mạng xuất hiện các bài viết kiểu như: “Giới trẻ suy đồi”, “Con gái thời nay mất đi ý thức giá trị”… và thậm chí có cả một vị luật sư tuyên bố cô ta đã vi phạm pháp luật, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy.
Nói chung, theo lời không ít nhà bình luận xã hội thì đạo đức thời nay thật là bát nháo, chân giá trị bị đảo lộn hết cả, không hiểu tại sao con người ngày càng suy đồi đến thế…
Và tất nhiên, chính những người dùng mạng xã hội, nơi xôn xao nhất vì Bà Tưng, cũng công kích nhiệt tình (hay phải nói là nhiệt tình nhất) dù có thể phần lớn trong số họ vẫn âm thầm theo dõi Facebook của cô nàng mỗi ngày.
Phóng viên đi phỏng vấn Bà Tưng hẳn không có cái oai phong lẫm liệt như đi phỏng vấn Thanh Hằng hay Hồ Ngọc Hà, thậm chí còn thẹn thẹn, nhưng cũng không thể vì thế mà không khoe ra một tí. Nói như lời của ca sỹ Britney Spears ngày nào, ai cũng “want a piece”, hay có thể dịch thẳng thành “xin một miếng” từ cái hiện tượng kia.
Một số người hiểu biết sâu hơn thì nói rằng thực ra tất cả chỉ là một chiến lược PR đã được lên kế hoạch cẩn thận từ trước. Và mọi clip đưa ra, mọi lời cô gái kia nói đều có sẵn kịch bản. Và nếu chuyện này là có thật, thì người ta sẽ lại muốn nói rằng tại sao người ta có thể sử dụng mọi phương thức dù thô lỗ đến đâu để PR cho sản phẩm.
Thế nhưng, nếu giả sử chuyện PR kia là có thật, thì tại sao chiến lược ấy lại thành công đến thế? Giả sử thay Bà Tưng thành một cô gái khác cũng có mặt mũi xinh xắn, cũng có thân hình nảy nở nhưng chỉ ngồi một chỗ hát bài Xuân chiến khu ngoan ngoãn nhu mì làm nhân vật PR thì chiến lược ấy có thành công đến vậy không?
Người làm PR có thể đã sử dụng một phương thức không được đức cao vọng trọng cho lắm lắm, nhưng như vậy là thành công quá còn gì, có khi phen này anh ta sẽ được thưởng lớn. Ấy là vì anh ta đã hiểu được tâm lý đám đông kia.
Tóm lại, ai mới là người biến một cô gái hôm nay còn chưa ai biết đến, ngày mai đã thành hiện tượng của tháng, của năm? Ai là người trước đây và sau này sẽ còn tạo ra nhiều Bà Nhún, Bà Nảy, Bà Xoạc…? Chỉ có chính đám đông chúng ta đây, những người hơi chút là phải “phát rồ” lên, hoặc ủng hộ, hoặc ném đá nhưng trước hết vẫn là phải bu quanh để xem cái đã.
Những trò lố này sẽ tiếp tục những trò lố khác, và những hiện tượng như Bà Tưng sẽ còn xuất hiện, và chúng ta vẫn tiếp tục “phát rồ”. Dẫu tất nhiên, sau đó ta sẽ lại kêu than sao đạo đức thời nay sao mà suy đồi, sao mà xuống dốc và quên béng mất rằng chính ta mới là người góp phần tạo ra những cơn sốt ấy, chứ chẳng phải ai khác. Cứ như thể, chúng ta không những đã có một thói quen thấy có loạn là bu vào, mà còn có thêm cả một văn hóa đổ tội nữa.
Nhóm thực hiện