Từ những khuôn hình đậm chất thời trang, là cả một thế giới thời trang mở ra trước mắt qua bộ phim tài liệu “In Vogue: The Editor’s Eye”, để kỷ niệm 120 năm lịch sử hình thành và phát triển của đế chế tạp chí danh tiếng thế giới Vogue. Như một món quà đặc biệt dành tặng cho tất cả những tín đồ yêu thích thời trang muốn được tìm hiểu về danh tính và công việc của các biên tập viên thời trang từ những ngày đầu thành lập vào năm 1892 cho đến hiện tại, mọi thứ đều được thể hiện một cách chân thực giống như “nữ vương”. Anna Wintour chia sẻ: “Trong mắt tôi có một quy luật bất thành văn là những con người làm trong Vogue, đặc biệt là chuyên mục thời trang, tôi yêu cầu sự khắt khe tuyệt đối khi sàng lọc tuyển chọn. Họ phải chính là hiện thân của thời trang, họ phải khác hẳn so với mọi người ở các phòng ban khác từ phong cách đến óc suy nghĩ và lời thề khi bước vào lĩnh vực này rằng: Chúng tôi hiểu tất tần tật về thời trang vì chúng tôi sinh ra đã là thời trang”
.
Ấn phẩm đầu tiên của Vogue phát hành vào năm 1892. Thuở ấy, đây chỉ là một tờ báo thông thường, được viết những vấn đề tập trung về phụ nữ và xã hội lúc bấy giờ.
Những bộ ảnh thời trang được có mặt trên Vogue bắt buộc phải ấn tượng về mặt thị giác, khơi gợi được nguồn cảm xúc tận bên trong của độc giả, đưa họ “bước vào một thế giới khác” đầy huyền ảo, thi vị và ngập tràn sáng tạo. Đấy là trách nhiệm của các biên tập viên thời trang. Một công việc thực sự rất nhiều áp lực, nhưng cũng đầy lôi cuốn.
Tất cả biên tập viên thời trang đều có tầm nhìn khác nhau về cách lên ý tưởng, thực hiện concept và làm thế nào để những ý tưởng đó được trở thành những bức hình, mọi thứ diễn ra đều được miêu tả chi tiết trong quá trình làm việc và trao đổi với các nhiếp ảnh gia. Nhờ sự cống hiến hết mình của cả tập thể từ biên tập viên thời trang, nhiếp ảnh gia… mà Vogue đã trở thành “cuốn kinh thánh thời trang” của thời hiện đại.
Gặp gỡ với các biểu tượng của Vogue trong “In Vogue: The Editor’s Eye”, đầu tiên là Grace Coddington. Năm 1969 Grace quyết định từ giã ánh hào quang của một người mẫu, lui về chốn hậu đài và bắt đầu làm việc dưới trướng Beatrix Miller với vai trò biên tập viên chỉnh sửa hình ảnh cho tờ Vogue Anh. Vào một ngày đầu tháng 7-1988, tổng biên tập Anna Wintour của Vogue Mỹ tình cờ gặp được Grace. Ngay sau cuộc chuyện trò qua lại ấy, “nữ vương” Anna quay trở về và suy nghĩ đắn đo. Sau đó, Anna đột ngột đích thân nghinh giá Grace Coddington về Vogue Mỹ, tin tưởng hết mực khi trao chức vụ Giám đốc sáng tạo cho bà. Tuy nhiên, sau hơn hai thập kỷ Grace Coddington đã chính thức rời vị trí của mình ở đế chế thời trang Vogue, và gia nhập tập đoàn truyền thông lớn chuyên về quản lý người mẫu Great Bowery.
.
Trí tưởng tượng của Grace Coddington quả là không biên giới, bà đã làm sống lại những câu chuyện cổ tích kinh điển gắn liền với tuổi thơ bao thế hệ như Hansel & Gretel, The Wizard of Oz, Alice và Xứ Sở Thần Tiên, Cô Bé Quàng Khăn Đỏ… pha trộn giữa cổ tích mộng mơ và hiện thực đen tối, thậm chí kỳ quặc dành cho lớp người trưởng thành. Bộ ảnh đình đám nhất được cho là cơn chấn động cả làng mốt thế giới bởi hình ảnh choáng ngợp đầy siêu thực của bà chính là kiệt tác “Alice In Wonderland” đăng tải trên Vogue năm 2003 do nhiếp ảnh gia Annie Leibovitz bấm máy.
.
Bộ ảnh còn có sự xuất hiện nhà thiết kế như Tom Ford là chú thỏ trắng của Yves Saint Laurent.
Stephen Jones vào vai gã bán nón (Mad Hatter), Christian LaCroix vai thỏ tháng 3 (March Hare).
Marc Jacobs vào vai diễn một con sâu hút thuốc nhả khói.
Jean Paul Gaultier nhập vai là chú mèo tinh ranh Cheshire cho Jean Paul Gaultier.
Donatella Versace làm sinh vật huyền thoại Gryphon với Rupert Everett là Mock Turtle cho Atelier Versace.
NTK nổi loạn John Galliano nhập vai làm hoàng hậu đỏ trong Dior Haute Couture.
Karl Lagerfeld của Chanel Haute Couture.
Bộ đôi NTK Viktor và Rolf là nhân vật Tweedledum và Tweedledee.
Huyền thoại Diana Vreeland là một tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp thời trang, được vinh danh trong danh sách những người ăn mặc đẹp nhất thế giới năm 1964. Và trở thành tổng biên tập của Vogue vào năm 1963.
.
Diana Vreeland đã tạo nên những dấu ấn khó quên vào thập niên 60, để thể hiện rằng Vogue không chỉ là một tờ tạp chí thời trang và làm đẹp đơn thuần. Mà người phụ nữ Vogue là người phụ nữ hiểu biết và có thể thay đổi thế giới.
.
Vào năm 1966, Polly Mellon trở thành biên tập viên thời trang của Vogue.
Bộ ảnh độc đáo The Great Fur Caravan được thực hiện trong mùa Đông tuyết rơi tại xứ sở hoa anh đào là công sức suốt 5 tuần lễ của Polly Mellon.
Bức ảnh đắt giá nhất của cuốn tạp chí là người mẫu Veruschka với đô vật Sumo.
NTK nổi tiếng Vera Wang đã từng làm trợ lý cho Polly Mellon khi bắt đầu làm việc tại Vogue vào năm 1971. Sau hai năm nỗ lực làm việc cật lực Vera Wang trở thành biên tập viên chính thức trẻ tuổi nhất, phụ trách mảng thời trang của tạp chí này. Gắn bó với Vogue suốt 16 năm trời dù áp lực lẫn thử thách công việc tại đây rất lớn, làm suốt bảy ngày một tuần, từ chín giờ sáng đến ba giờ khuya ngày hôm sau. Năm 1985, không được đề bạt lên vi trí tổng biên tập, chức vụ của Anna Wintour hiện tại nên Vera Wang đã rời bỏ công việc biên tập tại Vogue.
Anna Wintour được biết đến là một biểu tượng thời trang đương đại, và nắm giữ vị trí tổng biên tập của đế chế Vogue từ năm 1988.
Anna từng có quyết định táo bạo và mang tính cách mạng khi mang thời trang đường phố đưa lên ảnh bìa của tạp chí Vogue, bằng hình ảnh người mẫu vô danh Michaela Bercu (thay vì siêu mẫu nổi tiếng) mặc áo thun thập giá đính đá quý đủ màu của nhà thiết kế Christian Lacroix trị giá 10.000 USD phối với quần jeans bạc màu của một nhãn hiệu bình dân Guess có giá chỉ 50 USD. Sự thay đổi phong cách cho tạp chí theo hướng hiện đại mới lạ này đã đưa Vogue, dưới sự dẫn dắt của Anna Wintour bước lên vị thế mới trong ngành báo chí.
Cộng sự lâu năm của Anna chính là Carlyne Cerf De Dudzeele, biên tập viên thời trang làm việc từ năm 1985 -1995, cô đã giúp Anna phát hành ra ấn bản mang tính biểu tượng đầu tiên.
Những thông điệp về sức khỏe, chế độ ăn kiêng hay màu tóc đều được truyền tải qua những bức hình vừa ám ảnh lại vừa mang tính nghệ thuật cao.
.
Bên cạnh đó, có rất nhiều ngôi sao đã xuất hiện trên Vogue với những câu chuyện được chia sẻ từ chính họ. Thiên nga Úc Nicole Kidman trên Vogue số tháng 5, 2004
Ngôi sao Sarah Jessia Parker ở Vogue số tháng 11, 2005.
Trailer phim tài liệu “In Vogue: The Editor’s Eye”
—
Xem thêm:
Thời trang trong phim: Yves Saint Laurent
Thời trang trong phim: Dior and I
Thời trang trong phim: Coco Before Chanel
Các bài phân tích về thời trang trong phim khác
Nhóm thực hiện
Theo Khánh Ly / Tạp chí Phái Đẹp ELLE