Văn hóa / ELLE Interview

Nguyễn Phi Phi Anh – Cậu bé vàng của nhạc kịch Việt Nam

[Tạp chí ELLE – tháng 11/2016] Nguyễn Phi Phi Anh (PPAN) – “CẬU BÉ VÀNG” của nhạc kịch Việt đã trở lại với dự án nhạc kịch HOPE. Đặc biệt, sự trở lại lần này của PPAN cùng với HOPE sẽ thắp sáng sân khấu tại Hà Nội bằng 35 đêm diễn kéo dài từ 4/10/2016 tới đầu năm 2017.

Dự án HOPE gồm ba vở nhạc kịch theo phong cách Broadway, lần lượt được công diễn là Đêm Hè sau cuối (tháng 10), Góc phố Danh Vọng (tháng 11) và Mộng ước không xa vời (tháng 1/2017) do đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh (PPAN) viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất. Lần này trở lại với HOPE, PPAN không chỉ tiếp tục gieo niềm hy vọng về gương mặt trẻ trong việc sáng tạo nghệ thuật, mà còn là mộng ước thực sự trong nỗ lực thay đổi hình thái thưởng thức, đồng thời hình thành, định hướng thói quen thưởng thức của đại chúng với loại hình này.

nguyen-phi-phi-anh-cau-be-vang-cua-nhac-kich-viet-nam-1

Vừa tốt nghiệp đạo diễn tại Mỹ, có lý do gì Nguyễn Phi Phi Anh vẫn chọn nhạc kịch mà bạn đã làm cách đây hai năm để đánh dấu sự quay trở về này vậy?

Tôi nghĩ cách tốt nhất là mình làm cái gì đã quen tay rồi. Nhạc kịch là thể loại cả nhóm đã làm cách đây hai năm nên nó an toàn hơn nhiều (cười). Không chỉ diễn lần này với thể loại đó, chúng tôi sẽ còn làm nhiều lần sau nữa bởi chúng tôi vẫn rất thích nhạc kịch. HOPE lần này sẽ trình làng một vở hoàn toàn mới là Mộng ước không xa vời. Còn sự xuất hiện trở lại của Đêm Hè sau cuối là vì tôi và nhiều khán giả yêu nó. Tôi muốn diễn lại để đáp tình cảm mến mộ của họ.

nguyen-phi-phi-anh-cau-be-vang-cua-nhac-kich-viet-nam-2

An toàn nhưng “HOPE” lại có đến 35 buổi diễn trong khi các sân khấu kịch ở Hà Nội vẫn chật vật để sáng đèn mỗi đêm?

Đó là an toàn trong khuôn khổ. An toàn với thể loại mình làm và đã được khán giả mến mộ và một chút liều. Thôi thì “liều ăn nhiều” với số lượng đêm diễn lớn nhất từ trước tới nay. Tất nhiên để cháy vé cho cả 35 đêm diễn với số lượng gần 300 ghế của L’espace là rất khó. Trong suy nghĩ của tôi, có khi diễn một buổi mới không bán được vé. Đây là một bài toán rất khác, đôi khi mình lựa chọn những điều đáng giá. Tôi làm diễn viên tôi biết, có khi đêm đầu tiên diễn chưa ngấm, đêm cuối diễn mới hay (cười). Đây là kịch, nó không đơn giản chỉ là hát, phải sau một thời gian nhân vật mới ngấm vào người. Tôi rất quan tâm yếu tố ấy, các bạn diễn viên phải diễn nhiều mới diễn hay được. Và nếu khó mà mình không làm thì chẳng bao giờ biết là có làm được hay không.

nguyen-phi-phi-anh-cau-be-vang-cua-nhac-kich-viet-nam-3

Một dự án dài hơi, PPAN lại đảm nhận cả ba vai trò. Vì sao vậy?

Đó là ba vai trò mà từ năm đầu tiên làm nhạc kịch (2012) tôi đã đảm nhiệm. Có thể ở những dự án khác thì ba vai trò này do ba người khác nhau làm, nhưng đối với dự án của tôi, sự nhất quán trong định hướng rất quan trọng. Cũng giống như việc thay vì dùng một cái smartphone thì phải dùng ba máy: một máy chỉ nghe nói, một máy chỉ để nghe nhạc, một máy chỉ để lên mạng. Rất cồng kềnh.

Mộng Ước PPAN muốn gửi gắm qua HOPE là gì?

Tôi muốn khẳng định chân lý, con đường duy nhất để đặt chân tới “danh vọng” là đam mê và khổ luyện. Ngoài một vài giọng hát từng tham gia các cuộc thi tài năng trên truyền hình thực tế, được khán giả quen mặt và biết tên, phần lớn diễn viên của HOPE đều là những người trẻ thế hệ 9X, đang là sinh viên, học viên và chưa phải nghệ sĩ chuyên nghiệp. Họ đến với HOPE với tất cả sự trong sáng, đam mê, không màng cả thù lao, nhưng lại chịu áp lực rất lớn và khổ luyện dưới sự khắt khe và cầu toàn của tôi. Và, ngay cả vậy không phải ai muốn cũng trở thành một phần của dự án. Thể loại nhạc kịch đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ca hát – vũ đạo – diễn xuất, vậy nên những người được chọn sẽ phải hát như ca sĩ, nhảy như vũ công, diễn như diễn viên và cháy hết mình bằng nhiệt huyết của cả ba người cộng lại. Với tinh thần “bất ngờ như là cuộc sống”, từ kịch bản hấp dẫn đến ngôn ngữ kể chuyện lôi cuốn, HOPE muốn phá vỡ định kiến thưởng thức về loại hình nghệ thuật nhạc kịch từ trước đến nay. Nhạc kịch không hàn lâm, mà rất dễ hiểu và giàu tính giải trí như các loại hình nghệ thuật phổ thông khác như ca nhạc, điện ảnh…

PPAN muốn khán giả của mình sẽ là những ai?

Đó là điều tôi và ê-kíp rất quan tâm, bởi tôi muốn đưa HOPE đến gần với mọi người. Ngoài lớp khán giả trí thức, chúng tôi muốn hướng đến thành phần chưa từng bước vào rạp hát và sẽ không bao giờ có nhu cầu vào rạp hát bằng 10 suất vé/buổi với giá ưu đãi cho người lao động nghèo, trẻ lang thang, cơ nhỡ; và 50 suất vé/buổi dành cho học sinh, sinh viên.

Với mộng ước sống bằng nghệ thuật, PPAN có định vào Sài Gòn – mảnh đất màu mỡ cho nghệ thuật, với lượng khán giả sẵn sàng tiếp nhận những điều mới mẻ?

Tôi rất thích Sài Gòn, nhưng tôi là người Hà Nội thế nên khi mọi người đều nói nó là một mảnh đất màu mỡ nhưng bản thân tôi lại không hiểu nó. Làm gì cũng cần có một sự hiểu biết nhất định mới đủ tự tin là mình làm được. Cá nhân tôi thích một sự liều mạng, can đảm nhưng phải nằm trong khuôn khổ của sự hiểu biết để có thể ứng phó với những rủi ro. Một lúc nào đó, khi tôi hiểu thêm về Sài Gòn, biết khán giả của mình là ai, tôi sẽ tìm tới họ.

Xem thêm

Diễn viên Hồng Ánh: “Kể một câu chuyện buồn phù hợp với tôi”

Ngô Thanh Vân: “Lựa chọn nào cũng cần sự đánh đổi”

Nữ quyền trong điện ảnh & những gương mặt truyền cảm hứng

Nhóm thực hiện

Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)