ELLE đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Việt Tú quanh đứa con tinh thần mới nhất của anh, về ấp ủ và sự tỉ mẩn của anh trong suốt bốn năm để mang lại tác phẩm văn hóa dân tộc độc đáo mà vẫn đậm tính giải trí, trong bối cảnh thị trường du lịch đang quá thiếu các sản phẩm văn hoá cho du khách.
Lần đầu tiên “Tứ Phủ” ra mắt khán giả tại Sài Gòn, anh cảm thấy thế nào và cảm xúc gì còn đọng lại trong anh đến giờ?
Đưa Tứ Phủ đến với khán giả Sài Gòn là kế hoạch đã được tôi chuẩn bị kỹ lưỡng từ đầu năm nhằm giới thiệu đến du khách và khán giả phía Nam một tác phẩm nghệ thuật dân tộc, đồng thời là sản phẩm du lịch độc đáo.
Tôi định vị Tứ Phủ ngoài yếu tố là tác phẩm về văn hóa còn mang tính giải trí cao, là cuộc tấn công tổng thể vào giác quan của người xem, vì nếu chỉ chú ý duy nhất tới khía cạnh văn hóa mà quên đi cảm xúc của khán giả, quên đi nhu cầu giải trí của họ thì tác phẩm đó sẽ thất bại. Chúng ta không thể nhồi nhét trong chỉ 45 phút để ai đó (thậm chí là chính chúng ta) hiểu được cả một nền văn hóa bản địa. Điều tôi muốn với Tứ Phủ là tạo ấn tượng và cảm xúc mạnh mẽ cho khán giả để những gì họ tìm hiểu khi trở về nhà sẽ tiếp tục đưa họ quay lại với chúng ta.
Sự công phu của ê-kíp không chỉ mang đến một buổi diễn đã mắt đã tai đơn thuần mà còn mang đến cả một không gian văn hóa. Hành trình ba năm miệt mài tìm hiểu và một năm trăn trở thực hiện của anh như thế nào?
Trước Tứ Phủ tôi chưa từng thực hiện dự án nghệ thuật nào như vậy. Tôi tin mình được chọn để làm điều này. Cùng với đó tôi nghĩ rằng mình đang đứng trước cơ hội để tạo ra những sản phẩm đặc biệt về văn hóa cho du khách quốc tế, điều mà cách đây nhiều năm khi bỡ ngỡ đứng trước cửa các nhà hát trên thế giới tôi vẫn thường nghĩ đến.
Tôi nghĩ, đã là một sản phẩm văn hoá, yếu tố quan trọng nhất chính là bầu không khí phải được chuẩn bị kỹ đến từng chi tiết nhỏ. Bấy lâu nay chúng ta thường có thói quen viện dẫn khái niệm “giản dị đỉnh cao” để bao biện cho những sơ sài, qua loa trong nghệ thuật. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu chuẩn bị đưa Tứ Phủ Nam tiến, tôi đã quyết định mang toàn bộ bối cảnh, đồ trang trí ở nhà hát ở Hà Nội (từ bộ cửa võng khổng lồ, bộ vàng mã Sơn Trang tỉ lệ 1/1, thậm chí từ hạt sen, các phụ kiện khác….) vào Sài Gòn để đảm bảo khán giả được sống đúng với không khí vốn có của buổi diễn.
Trong rất nhiều thứ được trưng trổ, nhiều khán giả đặc biệt ấn tượng với trang phục của thanh đồng. Anh có thể chia sẻ thêm về quá trình thực hiện phục trang cho vở diễn?
Với trang phục Lên Đồng, bạn có thể may với giá từ vài trăm ngàn đến vài trăm triệu cho một set đồ, ai có điều kiện thế nào thì đặt may thế ấy, thành tâm mới là quan trọng. Với Tứ Phủ, trang phục là yếu tố quan trọng mô tả tầm vóc và vị thế của các nhân vật, cho nên không thể làm qua loa. Các trợ lý của tôi đã thiết lập mối quan hệ rất gần gũi với các nghệ nhân để luôn được cập nhật các chi tiết đẹp và tinh tế nhất của các bộ trang phục. Tôi muốn kể cả khi bộ đồ không còn dùng để biểu diễn thì vẫn có thể trưng bày như một tác phẩm cho mọi người chiêm ngưỡng. NTK nổi tiếng thế giới Kenzo khi đến xem Tứ Phủ cũng đã bị ấn tượng mạnh bởi vẻ đẹp, sự tinh tế, và lộng lẫy của những set đồ. Ông nói chưa bao giờ nhìn thấy những bộ trang phục đẹp và tinh tế như vậy. Các đại sứ, đại biện, và các tùy viên văn hóa các nước cũng có chung cảm xúc bên cạnh sự bất ngờ về tính độc đáo và nguyên bản của nét văn hóa gốc. Tôi tin rằng chính cảm xúc của họ sẽ góp một phần giúp chúng ta quảng bá nét đẹp của dân tộc đến toàn thế giới.
Chầu văn được coi là tín ngưỡng độc đáo và đẹp đẽ của người Việt nhưng bấy lâu nay, không ít người đã bóp méo nghi lễ này khiến nhiều người dè dặt tiếp nhận. Anh đã vượt qua rào cản đó thế nào để đưa nó trở về đúng với cội rễ văn hóa?
Tôi làm việc này một cách từ tốn. Vẻ đẹp của nghệ thuật trong tôn giáo vốn trong sáng, luôn dạy con người thực hành điều thiện. Bên cạnh đó, khi Đạo Mẫu được UNESCO nhìn nhận như một tôn giáo vô cùng quan trọng của người Việt đã trở thành cơ sở vững chắc để không chỉ cộng đồng thực hành tín ngưỡng hiểu hơn về cái hay cái đẹp của tôn giáo, mà những người làm nghệ thuật cũng có thêm cơ sở để triển khai thêm những dự án như Tứ Phủ.
“Tứ Phủ” hiện không chỉ vào TP. HCM mà còn được trình diễn trong nhiều sự kiện văn hóa tầm vóc quốc tế. Cá nhân anh nhận thấy vở cần hoàn thiện thêm những điểm nào?
Qua hơn một năm hoạt động chính thức, với gần 200 buổi diễn, tôi có niềm tin vào kết cấu vở diễn. Hiện tại ở giá Ông Hoàng Mười tôi muốn thêm vào đó một số trang trí bối cảnh sao cho phù hợp vì nếu không cẩn thận lại thành cảnh trí minh họa thì sai phương pháp cơ bản tôi đã đặt ra. Thứ tôi muốn làm nhất nhưng chưa hội đủ điều kiện là tạo ra một hệ thống rèm đen để bịt kín không gian bên trong của nhà hát, nó sẽ tạo ra cảm giác khi khán giả bước vào rạp họ sẽ rơi vào một không gian giống như là thinh không vậy. Nếu không có gì thay đổi vào năm tới, chúng tôi sẽ chính thức bắt tay vào việc dàn dựng thêm một số giá mới để dần dần sẽ có đủ một hệ thống toàn bộ 36 giá để tạo ra một hệ sinh thái về sản phẩm văn hóa vô cùng rộng lớn.
Và Việt Tú, sau “Tứ Phủ” đang ấp ủ gì để tiếp tục bung phá giới hạn của bản thân?
Tứ Phủ chỉ là điểm khởi đầu, tôi làm không phải để thử thách giới hạn bản thân mà tôi cho rằng mình “được chọn” để thực hiện. Sau Tứ Phủ tôi đang có một số hoạt động được triển khai, hy vọng có thể sớm giới thiệu với mọi người. Tôi cảm thấy giữa cá nhân mình và nghệ thuật dân gian có một sợi dây kết nối đặc biệt, là điều mà tôi vẫn theo đuổi trong nhiều năm nay. Tôi tin rằng chỉ có nguồn cội, cũng như bản sắc dân tộc mới là thứ giúp chúng ta được định vị trong thế giới phẳng này.
Rất cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!
—
Xem thêm
Phim điện ảnh Việt Nam: Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh
Công diễn vở nhạc kịch Góc phố danh vọng
Nhạc kịch trinh thám “Đêm Hè Sau Cuối” diễn thêm 4 đêm
Nhóm thực hiện
Lê Phan (Theo Tạp chí Phái đẹp ELLE)