Chợ Lớn xưa khi hình thành, nhóm cư dân đến từ hai vùng ven biển phía Nam Phước Kiến thuộc hai phủ Tuyền Châu và Chương Châu giáp với tỉnh Quảng Đông đã lập chung một hội quán đặt tên là Nhị Phủ từ năm 1730. Tục gọi chùa ông Bổn – thờ vị nhân thần Bổn Đầu Công (Bủn Thầu Cúng) – một nhân vật trong lịch sử nhà Minh, là thái giám Trịnh Hòa, thi nhân bố đức, sắp đặt trật tự cuộc sống cho cộng đồng Hoa kiều khắp những nẻo đường thám hiểm ông đi qua, nên khi mất được người dân tôn làm phúc thần để tỏ lòng cảm ơn, và trong hình thái thờ tự của người Hoa Chợ Lớn, cũng duy nhất Nhị Phủ Miếu thờ vị nhân thần này.
Cộng đồng người Hoa vùng Phước Kiến cùng sinh hoạt chung tại Nhị Phủ miếu, đến khi việc định cư ổn định nơi đất mới, cuộc sống phát triển, hội đồng hương của hai phủ Tuyền Châu và Chương Châu tiến hành quyên góp lập hội quán riêng, đầu tiên là Ôn Lăng hội quán thuộc nhóm đồng hương phủ Tuyền Châu (1740), nay gọi là chùa Ôn Lăng hay là chùa Ông Lào, chùa Quan Âm. Nhóm đồng hương Chương Châu lập ra Hà Chương hội quán (1809), còn gọi chùa ông Hược, chùa Bà Hà Chương. Ông Hược ở đây theo tìm hiểu của người viết, có nhiều lý giải khác biệt, trong đó có từ phiên chữ Phước Kiến đọc theo âm Triều Châu là Hok Kien, “Hok” được đọc theo Việt ngữ thành “Hược”, âm của chữ “Phước”, tên gọi Chùa ông Hược là vì vậy.
Về hình thái kiến trúc, cả ba hội quán đều mang điểm chung dễ phân biệt với các hội quán bang hội khác có thể gọi riêng thành kiến trúc miếu vũ Phước Kiến, với lối trang trí màu đỏ rực làm điểm nhấn chủ đạo. Đây là một hình thức trang trí được cộng đồng Hoa kiều Phước Kiến bày tỏ lòng tôi trung với Minh thái tổ Chu Nguyên Chương thuộc triều Minh, sắc đỏ tươi thắm ấy tượng trưng cho họ Chu (chữ “Chu” cũng mang nghĩa của màu đỏ), và cũng là Hồng Vũ – một niên hiệu khác của Chu Nguyên Chương. Kế đến là chi tiết trang trí với hai cửa thông phong lớn có hình tròn, chấn con tiện, bố cục đối xứng ở phần mặt tiền của tòa kiến trúc chính – dễ thấy nhất ở Nhị Phủ Miếu, tượng trưng cho Nhật – Nguyệt. Trong Hán tự, khi ghép hai từ Nhật – Nguyệt sẽ thành chữ Minh, tức gợi nhớ về triều Minh. Hình thái kiến trúc này phổ biến trong cộng đồng Hoa kiều Phước Kiến ở Chợ Lớn – Việt Nam. Ngoài ba hội quán kể trên, còn thấy được ở Hội quán Tam Sơn trên đường Triệu Quang Phục. Các nước trong khu vực Đông Nam Á như Quan Âm Miếu ở Penang – Malaysia cũng mang nét tương tự, riêng các chùa cổ ở Phước Kiến như Khai Nguyên Tự hay Tam Sơn Tự có niên đại từ đời Đường, không thấy có “đôi mắt” Nhật – Nguyệt này.
Những đường cong đặc biệt của bờ nóc và hệ chồng mái trong 3 công trình kiến trúc thuộc bang hội quán Phước Kiến vùng Chợ Lớn đều mang những ứng dụng của kiến trúc cổ trong xây dựng đền miếu đặc trưng vùng Phước Kiến từ cố quốc, nhưng quan sát kỹ sẽ thấy có biến thể độ cong – võng – dốc trên nóc mái rõ nét hơn. Những cụ cao niên vùng Chợ Lớn chia sẻ thông tin thú vị về chi tiết đường cong đặc biệt này là do khi rời bản xứ, những cư dân Phước Kiến ở hai phủ Chương Châu và Tuyền Châu đều có biệt tài đi biển, đến Việt Nam bằng thuyền, nên mái ngói cong xếp theo nhịp, tượng trưng cho phong ba bão táp của biển khơi, và các mái dốc cong bờ đao tượng trưng cho những con thuyền lênh đênh sóng biển tìm nơi đất mới an cư lạc nghiệp.
Xét về mặt hình học, kiến trúc đường cong bao giờ cũng là những chi tiết đẹp và ấn tượng. Hệ mái xếp của ba công trình kiến trúc thuộc bang hội quán Phước Kiến còn được nhấn nhá thêm bằng các tiểu tiết trang trí nhân hình, lầu đài, đền các, cảnh sinh hoạt, ra trận, cùng các vị linh thần, linh thú, cùng đồ án trang trí hoa văn, dây lá… chế tác từ lối đắp vữa, dán miểng sành, tạo nên một phong cách và nét đẹp riêng, khác biệt hẳn với những lối trang trí của hội quán thuộc các bang hội khác.
Kiến trúc của Nhị Phủ Miếu, Hội quán Hà Chương, Hội quán Ôn Lăng từng một thời nguy nga, tráng lệ trong vùng Chợ Lớn, với “Hà Chương hội quán ai bì – Ôn Lăng thất phủ hạng nhì, hạng ba”. Đến nay dù bị các công trình hiện đại bao quanh làm giảm đi phần nào nét quyến rũ của những nếp mái cong, nhưng lối bảo tồn, gìn giữ truyền đời của cộng đồng, đã giữ lại một vùng di sản đặc biệt, trở thành điểm tham quan, tìm hiểu, khám phá một hình thái kiến trúc khác lạ, gửi gắm trong đó cả những tâm tư, lòng tôi trung, nét đẹp mỹ thuật, và sự hòa nhập bản địa để không chỉ cộng đồng Hoa kiều Phước Kiến thể hiện sự tự hào, mà với cả cư dân của Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn xưa và nay.
—
Xem thêm
Một vòng các bảo tàng tìm hiểu về lịch sử Việt Nam
Lịch sử ra đời của các chất liệu vải thuần Việt
Chất Pháp cổ điển nơi Thủ đô Hà Nội
Nhóm thực hiện
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE