Cái tên Tạ Tiến Vĩnh quen thuộc với giới kiến trúc ở Việt Nam và không ít các trang web về kiến trúc trong và ngoài nước. Nhưng khi truy cập trang web của chính công ty anh, tôi lại thấy hình như giới thiệu toàn công trình… trên giấy? (cười)
Ý tưởng lớn quá nên phải trên giấy thôi! Nói vậy thôi, đúng là các công trình chúng tôi giới thiệu trong website của công ty đa số đều là những bản vẽ không được thực hiện. Đó đều là những dự án có quy mô lớn mà chúng tôi hoặc từng được đặt hàng hoặc mang đi chào hàng. Nhưng ý tưởng và tinh thần quá mới mẻ của chúng khiến đa số chủ đầu tư không thể giải ngân và bắt tay vào thi công, triển khai. Vì thế chúng mãi chỉ nằm trên giấy.
Trở lại với tiêu chí “đàn áp” chủ đầu tư, căng vậy sao?
Đó chỉ là một cách nói vui nhưng thực sự tôi rất cứng rắn trong công việc. Tôi tin rằng những bản thiết kế mình đưa ra với chủ đầu tư đảm bảo các tiêu chí: sáng tạo và hiệu quả về mặt sử dụng. Tôi tin rằng chủ đầu tư sẽ được ở trong một ngôi nhà mà họ thấy đáng sống, họ thấy thân thuộc và muốn trở về đó. Nhưng thực tế, có một rào cản rất lớn đối với đa số chủ đầu tư và thậm chí là chính những người làm kiến trúc chúng tôi, đó là sự dũng cảm. Chủ đầu tư có dũng cảm theo đuổi để có một ngôi nhà thực sự đẹp và ông kiến trúc sư có dũng cảm để bảo vệ giá trị thẩm mỹ và sáng tạo trong công trình của mình, không chiều chuộng hay thỏa hiệp với chủ đầu tư hay không, tất cả đều phụ thuộc vào lòng dũng cảm. Dũng cảm ở đây là dám chấp nhận làm khác đi. Dám chấp nhận những rủi ro mang tính khách quan, như sự đánh giá của dư luận, hàng xóm hay thậm chí chính những người thân trong gia đình để thay đổi quan điểm về ngôi nhà, về cuộc sống và về kiến trúc.
Dũng cảm nữa là cũng phải đủ điều kiện để theo đuổi với anh từ khi thiết kế đến khi hoàn thiện công trình? Tôi được biết có những công trình anh phải mất 5 năm mới hoàn thành và trung bình các công trình của anh mất không dưới 2 năm mới xong?
Đúng là như vậy. Nói chung, đa số công trình tôi thực hiện đều như cuộc chiến đấu với chủ đầu tư vậy. Họ lo lắng, họ hoang mang, họ cũng có cái tôi riêng của họ nữa. Nhưng với tôi chỉ có 2 phương án: làm theo đúng bản vẽ tôi đã đưa ra hoặc chia tay! Vì sao tôi và các cộng sự của mình cực đoan như vậy? Vì thực tế là nếu chủ đầu tư chấp nhận theo đuổi với chúng tôi tới cùng, họ sẽ có một ngôi nhà đẹp và đáng sống. Những công trình chúng tôi đã thực hiện là minh chứng cho điều đó.
Không khó nhận ra yếu tố bản địa hay truyền thống được anh đưa vào các công trình của mình một cách khá rõ nét. Đây có phải một điều gì đó mang tính chất cá tính riêng về phong cách thiết kế của Tạ Tiến Vĩnh?
Tôi vốn là người chịu ảnh hưởng mạnh của trường phái kiến trúc Bauhaus. Nếu để ý hẳn anh cũng thấy trong công trình của tôi vẫn luôn có những xử lý hình khối mạnh theo phong cách này.
Nhưng quả thực tinh thần địa phương là điều mà tôi đã tìm tòi và theo đuổi từ khi bắt đầu thực hiện những công trình dân sinh đầu tiên. Càng ngày tôi càng ngấm câu này: “Đi đến tận cùng truyền thống sẽ tìm thấy nhân loại”. Tôi không có quan điểm cách tân một ngôi nhà truyền thống Bắc bộ hay “hiện đại hoá” nhà sàn. Triết lý thiết kế của tôi là tạo những điểm nhấn, những cảm giác cho người sử dụng về truyền thống, địa phương tính.
Tôi ứng dụng gạch đá ong, tôi ứng dụng những cột kèo, tôi đưa tranh Đông Hồ vào công trình… và quan trọng hơn là tôi luôn xác định tất cả những yếu tố đó phải được ra đời từ chính các làng nghề. Chúng tôi đặt hàng các làng nghề sản xuất những yếu tố truyền thống cho công trình của mình chứ không tìm phương án “giả lập” chúng.
Tại sao anh phải cầu kỳ như vậy trong khi nếu xét trên quan điểm thực dụng, anh đại trà hóa được những yếu tố truyền thống sẽ là có lợi chứ?
Có hai lý do. Trước hết là tôi chủ đích muốn góp sức làm sống lại những làng nghề truyền thống ở Việt Nam. Chỉ ngó quanh Hà Nội thôi có rất nhiều làng nghề đã mai một, vì người dân không ứng dụng được những sản phẩm truyền thống vào trong đời sống hiện đại. Mặt khác, tôi luôn đề cao tinh thần của một công trình. Tinh thần đó là cảm xúc khi bạn sống trong ngôi nhà. Tôi quan niệm mình xây nhà cho người ở. Và nếu người ta không muốn ở trong ngôi nhà đó thì nó đẹp đến đâu cũng vô nghĩa.
Và cảm xúc của ngôi nhà phải được tạo nên bởi những chi tiết thực như một viên gạch, một món đồ décor mang tinh thần truyền thống và thực sự được làm ra bởi bàn tay những người nghệ nhân.
—
Xem thêm
KTS Lê Hạnh Trường – Thư giãn với thời trang
Ronan & Erwan Bouroullec – Ngôi sao sáng ngành thiết kế Âu châu
Không gian sống đơn giản của NTK Đỗ Đăng Thường
Nhóm thực hiện
Bài: Độc Cầm - Ảnh: Lê Anh Đức (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE)