Tại không gian văn hóa Hanoia, những vẻ đẹp truyền thống đã bị lãng quên sẽ được gợi nhớ lại, những vẻ đẹp mới trong sáng tạo sẽ được giới thiệu tới đông đảo giới yêu nghệ thuật, trí thức, văn sĩ và khách du lịch. Đây còn là một không gian giao lưu và liên kết giữa các trí thức, nghệ sỹ và những công chúng quan tâm đến văn hóa nghệ thuật, tinh hoa truyền thống và phong cách sống… nhằm đánh thức những cảm xúc lành mạnh, gợi mở những ý tưởng sống và sáng tạo, giải tỏa những áp lực của cuộc sống hiện đại.
Trong Không Gian Văn Hóa Hanoia sẽ diễn ra các hoạt động:
Tọa đàm về văn hóa và phong cách sống: luận bàn về giá trị sống và cách sống trong một thời đại hậu công nghiệp. Cách sống chậm, cách hưởng thụ cuộc sống có thẩm mỹ, cách chia sẻ và giải tỏa những ẩn ức và stress trong cuộc sống hiện đại. Tìm về truyền thống để tiếp nối những tinh hoa trong nghệ thuật và triết lý của cha ông, để ứng dụng trong cuộc sống hiện đại… Diễn giả và khách mời của Không gian Văn hóa Hanoia bao gồm các văn nghệ sỹ, trí thức, các nhà nghiên cứu tôn giáo, các chuyên gia giáo dục…
Giao lưu và những cuộc trò chuyện nghệ thuật: Đối thoại giữa các nhân vật tên tuổi, nhóm nghệ sỹ, trí thức có ảnh hưởng xã hội với công chúng về cuộc đời và công việc của họ; Các buổi trò chuyện về nghệ thuật truyền thống và đương đại, cùng các cá nhân có dấu ấn; Gặp gỡ nghệ nhân xuất sắc nhất của các nghề tinh hoa trong hệ thống làng nghề thủ công Việt…
Trưng bày và triển lãm: Triển lãm các tác phẩm hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh của một tác giả, một nhóm tác giả; Trưng bày các bộ sưu tập theo chủ đề và những hiện vật có ý nghĩa trong đời sống thường nhật và mang tính nghệ thuật cao. Trưng bày và giới thiệu các hoạt động về quy trình sản xuất các sản phẩm văn hóa truyền thống trên thao tác của những nghệ nhân xuất sắc… như sơn mài, gốm sứ, đồ thêu, giấy Dó, tranh thờ…
Trong năm 2017, chuỗi chương trình Không gian Văn hóa Hanoia sẽ tổ chức định kỳ vào các chiều ngày Thứ Sáu của tuần thứ hai trong mỗi tháng, tại địa điểm Ngôi Đình Di Sản 38 Hàng Đào – Hà Nội.
Lịch một số chương trình sẽ được tổ chức trong Quý 1.2017 tại Không gian văn hóa Hanoia:
Tháng 1: (Ngày 13.1 Dương lịch – tức ngày 16 tháng Chạp Âm lịch năm Bính Thân): Bàn thờ ngày Tết của người Việt và những bài khấn Gia tiên.
Đối với người Việt, bàn thờ là nơi linh thiêng nhất thể hiện lòng thành kính của gia chủ đối với các đấng Thần linh và tổ tiên. Bàn thờ với những nguyên tắc sắp xếp riêng, thế nào cho đúng về văn hóa tâm linh và phong thủy, không phải người Việt nào cũng biết. Tương tự như vậy, những bài cúng gia tiên – là cách để con cháu “trò chuyện” với những bậc tiền nhân đã khuất-thế nào để đúng, không phải gia đình nào cũng biết.
Họa sĩ, nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Mạnh Đức sẽ trò chuyện về nhu cầu giao hòa, gắn kết mật thiết giữa thế giới hữu tình và thế giới tâm linh thiêng liêng của người Việt – qua chủ đề “Bàn thờ Ngày Tết và những bài khấn gia tiên”.
Tháng 2: (9.2 Dương lịch – tức ngày 13 tháng Giêng Âm lịch năm Đinh Dậu): Chơi Hội ngày Xuân
Tháng 2 cũng là tháng Giêng Âm Lịch, với người Việt là tháng của ăn chơi hội hè. Các lễ hội truyền thống nô nức bắt đầu từ tháng Giêng, không chỉ là dịp để người dân du xuân và khám phá cảnh đẹp hay câu chuyện văn hóa – lịch sử – tín ngưỡng; Mà trong tâm thức người Việt, ngày xuân đi hội còn để cầu ước cho những hy vọng và mong mỏi của mình về một năm mới an khang – thịnh vượng – hạnh phúc.
Diễn giả, PGS_TS Bùi Quang Thắng (chuyên gia nghiên cứu và phục dựng các lễ hội dân gian) sẽ trò chuyện về cách chơi Hội ngày Xuân. Đi những lễ hội cầu danh, cầu lộc, cầu tài, cầu tình… trong cuộc sống hiện đại như thế nào cho đúng, cho vui.
Tháng 3: (9.3 Dương lịch – tức ngày 12.2 Âm lịch năm Đinh Dậu): Sơn mài Việt từ truyền thống đến đương đại.
Nghệ thuật sơn mài là một niềm kiêu hãnh của nền thủ công tinh xảo Việt. Sơn mài đã có những thay đổi gì, với những bước đi từ các làng nghề cổ xưa để trở thành tác phẩm mỹ thuật và ứng dụng trong thẩm mỹ sống đương đại? Sơn mài đã bước vào không gian nghệ thuật và thế giới đồ dùng hạng sang bằng cách nào, để giữ được tinh hoa truyền thống, mà vẫn khớp nhịp với cảm hứng và thẩm mỹ sống đương đại?
Cuộc trò chuyện giữa họa sĩ Bùi Hữu Hùng và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt về nghệ thuật sơn mài trong cuộc sống đương đại.
—
Xem thêm
Văn hóa hầu đồng và “Tứ Phủ” của Việt Tú
Julia Child – Nữ hoàng của văn hóa ẩm thực thế giới
Văn hóa ăn uống của các quốc gia trên thế giới
Nhóm thực hiện
Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE