Dấu hiệu nhận ra làng Triêm Tây khá dễ dàng, là khi bắt đầu hiện ra những con đường chè Tàu ngoằn ngoèo, những rặng tre xanh mướt. Dấu ấn của kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc ở khu Vườn Triêm Tây và làng Triêm Tây vô cùng ấn tượng. Sau mấy chục năm sống ở Pháp, Bùi Kiến Quốc đã quyết định trở về Hội An. Năm 2009, tình cờ đến làng Triêm Tây, nói chuyện với dân làng, ông mới biết 2/3 làng đã bị sạt lở và rơi xuống sông. Gần 150 hộ dân sinh sống trong nỗi bất an sợ phải di tản, bởi một số ngôi nhà, vườn tược và những bờ tre xanh mát đã bị trôi theo dòng nước. Triêm Tây lúc đó người ta còn gọi là “làng lở”.
Năm 2014, UNESCO, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã tài trợ dự án kéo dài ba năm tạo công ăn việc làm trực tiếp, dạy tiếng Anh, đào tạo cho dân làng về ý nghĩa của du lịch cộng đồng, hỗ trợ các phương án kinh doanh, thành lập hợp tác xã, làm lại trung tâm văn hóa, bến đò… Đây là cách làm mà theo UNESCO sẽ giúp Triêm Tây tránh được những sai lầm trong phát triển văn hóa làng trước xu hướng đô thị hóa dẫn đến việc đánh mất bản sắc văn hóa làng. Cũng theo định hướng của UNESCO, khu du lịch Làng Triêm Tây đóng vai trò kích thích hoạt động du lịch cộng đồng cho làng nghề truyền thống gồm 150 hộ dân.
Người con xa quê lâu ngày xúc động trước vẻ đẹp của làng, vẻ đẹp của nông thôn Việt mà ông luôn hình dung khi nghĩ về quê nhà. “Cái đẹp sắp biến mất thì bằng cách nào đó mình phải ráng giữ nó lại. Triêm Tây không phải là nơi có cảnh thiên nhiên đẹp xuất sắc, nhưng đó là nơi có vẻ đẹp của làng quê, vẻ đẹp của sự lao động nông thôn, của người làm vườn và tinh thần cộng đồng. Tôi đã quyết định gắn bó với làng từ việc muốn níu giữ vẻ đẹp đó”, Bùi Kiến Quốc chia sẻ.
BÀI LIÊN QUAN
Năm 2010, việc giữ làng Triêm Tây, trong đó có việc tạo dựng công trình Vườn Triêm Tây bắt đầu khởi động. Để mọi người cùng ở lại làng, giữ đất, chống xói mòn, ngoài việc thuyết phục nông dân, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, ông Quốc đã tạo lòng tin cho bà con vào chính công trình chống xói mòn đất của mình, ông đã đầu tư gần 2 triệu USD để xây dựng Khu du lịch Vườn Triêm Tây, tổng diện tích hơn 13.000m2, giữ nguyên kiến trúc của một làng quê xứ Quảng theo mô hình văn hóa nông thôn. Khu du lịch với các villa có hồ bơi riêng, các ngôi nhà tre, có bến đò, các khu làng nghề thủ công, tập yoga, vườn tược… với mỗi phòng rộng đến 400m2. Vườn Triêm Tây như nét son trong tổng thể vẻ đẹp của làng. Du khách đến đây có thể bơi dưới những rặng tre và nhìn ngắm dòng sông Thu Bồn trong một không gian hoàn toàn cách biệt với tiếng động cơ và sự xô bồ phố thị.
Những ngôi nhà nông thôn ở đây còn giữ nguyên dạng với cách bài trí Việt, với bàn thờ tổ tiên, không gian sinh hoạt gia đình Việt. Những ngôi nhà thân thiện với môi trường được lắp ghép với vườn tre, lợp tranh, vách gỗ với thiết kế cửa song sập, vừa giải quyết ánh sáng, vừa điều chỉnh nhiệt độ theo các mùa trong năm theo đúng phong cách nhà Việt.
Giữa buổi trưa Hè, nằm nghỉ trên chiếc phản gỗ trong ngôi nhà vườn
Triêm Tây, xung quanh, bốn bề là những khung cửa trong suốt, nhìn
nơi đâu cũng thấy lá cây, trời xanh, mây trắng, sông nước lượn lờ, người dân và du khách như tìm về góc bình an của ký ức. Mô hình làng Triêm Tây thành công sau 5 năm và Vườn Triêm Tây đón nhiều người khách yêu vẻ đẹp của nông thôn Việt đã giúp nhiều người tin vào giá trị của việc sống hài hòa với thiên nhiên và giữ lại văn hóa làng trước sự lớn lên và phức tạp của đô thị hóa.
[inline_ article id =167134]
Vẻ đẹp của Vườn Triêm Tây là vẻ đẹp của một công trình kiến trúc biết nương tựa thiên nhiên, được thiết lập bền vững trong sự hài hòa
của sông, cỏ, nước, mái nhà tranh, rặng tre… Từ thời Le Corbusier, từ khi Bauhaus ra đời ở châu Âu cách đây gần một thế kỷ, không có định nghĩa nào hay hơn về kiến trúc. “Kiến trúc, đó là sự tổ chức hiểu biết, chính xác và tuyệt vời của những hình khối sắp đặt dưới ánh sáng”. Đến Vườn Triêm Tây, mọi người sẽ hiểu một cách rõ ràng, kiến trúc không phải là sự xây dựng, không phải là việc trang trí, không phải là thiết kế “hay”, sáng tạo “đẹp”, mà đó là sự sắp xếp, tổ chức, thiết lập sự hài hòa của những không gian.
—
Xem thêm
Du lịch Đà Nẵng – Kỳ nghỉ giữa ngàn tre
Kiến trúc nhà đẹp: Khi tinh thần tôn giáo hòa quyện trong thiết kế
Kiến trúc sư, Nhà môi giới đồ cổ Stefano Vitali: Bình yên ở mái ấm
Nhóm thực hiện
Bài: Trâm Anh K - Ảnh: KTS bùi kiến quốc cung cấp Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE