1/ Thủ đô Hà Nội
Thủ đô Hà Nội luôn là điểm đến hấp dẫn với du khách Việt Nam từ khắp 3 miền trong cả nước, các kiều bào nước ngoài và du khách quốc tế nhất là vào dịp Tết Nguyên đán và mùa Xuân. Đến Hà Nội, du khách sẽ được hòa mình với không khí nhộn nhịp chào đón Tết cổ truyền, bồi hồi đón thời khắc giao thừa và ngắm pháo hoa bên bờ hồ nơi tháp rùa.
Sau đêm Giao thừa, Hà Nội sẽ rất vắng vẻ và bình yên do lượng người về các miền quê ăn Tết, thăm viếng họ hàng hoặc du lịch. Khu phố cổ bớt đi sự bận rộn, chật hẹp, du khách có thể cảm nhận được nét cổ kính và vẻ đẹp bình dị của kiến trúc, phong cảnh và con người nơi đây.
Văn Miếu là một địa điểm không nên bỏ qua khi đến Hà Nội dịp đầu Xuân bởi đây chính là trường đại học đầu tiên của Việt Nam nơi thờ các nhà tư tưởng chính trị, triết học và văn hóa lớn của nền văn minh Trung Hoa.
Nơi đây cũng lưu giữ 82 tấm bia tương ứng với 82 khoa thi (1442- 1779), trên đó khắc tên 1307 lượt Tiến sĩ thi đỗ của Việt Nam. Đây là những pho “sử đá” thể hiện văn hóa giáo dục và là niềm tự hào của truyền thống hiếu học của Việt Nam. Theo truyền thuyết, các sĩ tử đến thăm Văn Miếu đầu Xuân, sờ tay vào tấm bia hoặc đầu rùa đội bia sẽ gặp nhiều may mắn và có thể đỗ đạt trong các kỳ thi quan trọng trong năm mới. Vì lý do đó, bia đá và đầu rùa có vết nhẵn do tay chạm của các sĩ tử cổ kim.
2. Chùa Hương
Chùa Hương vẫn luôn là địa điểm thắng cảnh thường niên của các gia đình đoàn thể và cá nhân của các tỉnh miền Bắc giáp thủ đô Hà Nội, vào mỗi dịp Xuân về và đang ngày càng hấp dẫn du khách khắp cả nước và nước ngoài. Mọi người thường đi Chùa Hương vào dịp lễ hội Chùa Hương từ tháng 1 cho đến tháng 3 âm lịch. Nhưng du lịch Chùa Hương bạn có thể đi quanh năm. Chùa Hương là cách nói trong dân gian, trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa – tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nằm ven bờ phải sông Đáy. Trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong.
Đây là một khu quần thể chùa chiền nằm rải rác từ chân núi Hương Tích cho đến tận đỉnh núi. Khi đến Chùa Hương bạn sẽ phải ngồi đò khoảng 1 tiếng vào và 1 tiếng trở ra, dọc hai bên suối Yến là những dãy núi nhấp nhô với nhiều hình dáng kỳ lạ. Khi cập bến bạn đi bộ một đoạn để tới với chùa Thiên Trù, sau đó là con đường leo núi cao lên động Hương Tích.
Nếu không đủ thời gian hoặc sức khỏe để đi bộ leo núi, bạn nên chọn cách đi Cáp Treo. Có thể đi cáp chiều lên và chiều xuống đi bộ, nếu có sức khỏe thì nên đi bộ lên, vừa đi vừa ngắm cảnh hai bên đường khá đẹp.
3. Tràng An, Ninh Bình
Khu du lịch sinh thái Tràng An – nằm trong quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình – có diện tích 2168 ha, cách thủ đô Hà Nội hơn 90 km về phía Nam thực sự đã trở thành “nơi mơ đến, chốn mong về” của du khách trong và ngoài nước. Hàm chứa những giá trị nổi bật toàn cầu về kiến tạo địa chất, địa mạo, khảo cổ và thẩm mỹ nên khu du lịch đã được UNECO vinh danh công nhận là Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Toàn cảnh khu sinh thái là một vùng núi non hùng vĩ, tráng lệ được tạo bởi các thế núi muôn hình vạn trạng soi bóng xuống những dòng suối nhỏ quanh co, uốn khúc nối liền các hang động, các thung lũng hoang sơ, kỳ bí đẹp đến lạ thường. Đến tham quan khu du lịch sinh thái Tràng An, du khách sẽ được trải nghiệm từng cung bậc cảm xúc, khám phá cội rễ xa xăm của sự sống nhân loại, tận hưởng vẻ đẹp thuần khiết và tinh tuý cùng bầu không khí thanh như lọc và tự hào với những nét vàng son của lịch sử in đậm trong thế núi, dáng sông ở buổi đầu sơ khai của quá trình dựng nước của ba triều đại vua sáng: vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành và vua Lý Thái Tổ.
4. Chùa Bái Đính, Ninh Bình
Du lịch tỉnh Ninh Bình, khách thập phương không thể không đặt chân tới tham quan chùa Bái Đính, quần thể du lịch, văn hóa và tôn giáo có diện tích 539 ha bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới, khu công viên văn hoá và học viện Phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, đường giao thông và bãi đổ xe, khu hồ Đàm thị, hồ phóng sinh. Mỗi năm, chùa Bái Đính thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế bởi đây là một địa điểm du lịch tâm linh và là ngôi chùa năm sở hữu nhiều kỷ lục quốc gia nhất của Việt Nam: Quần thể khu chùa rộng nhất Việt Nam, Chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam, Ngôi chùa có bức tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, Chiếc chuông đồng lớn nhất Việt Nam, Ngôi chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam, Ngôi chùa trồng bồ đề nhiều nhất Việt Nam.
5. Hội Lim, Bắc Ninh
Hội Lim là một lễ hội lớn vào những dịp Tết Nguyên đán đầu Xuân của những làng xã cổ nằm quanh núi Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương, vùng Kinh Bắc được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Có giả thuyết cho rằng hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi trong truyền thuyết Trương Chi – Mỵ Nương mà dấu xưa để lại là hình vết dòng sông Tiêu Tương khá rõ ở các làng quê vùng Lim.
Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng, trong đó có tục hát thờ hậu. Buổi sáng ngày 13 tháng Giêng toàn thể quan viên, hương lão, nam đinh của các làng xã thuộc tổng Nội Duệ phải tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần. Trong khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần. Để hát thờ, các bọn quan họ nam và nữ của tổng Nội Duệ đứng thành hàng trước cửa lăng hát vọng vào. Trong khi hát, họ chỉ được hát những giọng lề lối để ca ngợi công lao của thần.
Có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm.
Đặc sắc hơn cả là phần hát hội: là phần căn bản và đặc trưng nhất của hội Lim. Từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng những ca khúc về tình yêu đối lứa, tình yêu quê hương, đất nước khiến các đôi nam nữ và quần chúng xích lại gần nhau hơn. Hội thi hát diễn ra khoảng gần trưa, được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ. Tại một hồ nước nhỏ sát bên cánh đồng làng Lim, chiếc thuyền hình rồng được sơn son thiếp vàng rời bến trong những câu hát đậm đà nghĩa tình. Một bên thuyền là các liền chị, đối diện là những em nhỏ xúng xính trong những tà áo tứ thân. Các liền anh thì đứng hoặc ngồi sát hai phía đầu và cuối thuyền. Tối ngày 12 sẽ là đêm hội hát thi quan họ giữa các làng quan họ. Mỗi làng quan họ có được dựng một trại tại phần sân rộng của đồi Lim. Đây là phần hội hay nhất của cả lễ hội Hội Lim.
Hội Lim lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc với những hoạt động phong phú của lễ và hội đã có nội dung và tầm cỡ lễ hội văn hóa dân gian Kinh Bắc, gần như hội đủ những hoạt động văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của các lễ hội trên vùng quê Bắc Ninh – mảnh đất được coi là vương quốc của lễ hội dân gian Việt Nam
Chúc bạn đọc một mùa lễ hội du Xuân vào dịp Tết Nguyên đán thật ý nghĩa và vui vẻ bên gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và thêm yêu các vùng miền, di tích lịch sử văn hóa và lễ hội cổ truyền của đất nước. Chúc một năm mới an khang, thịnh vượng.
—
Xem thêm:
Hành trình du xuân tới Yên Tử, Cửa Ông
Lưu ý với 4 phương tiện di chuyển vào dịp Tết Nguyên đán
19 câu hỏi “khó đỡ” thường bị hỏi trong dịp Tết Nguyên đán
Nhóm thực hiện
Thanh Phạm (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE, Tổng hợp: Di sản văn hóa Việt Nam, Cinet, tranganlandscape, trithucsong, lehoichuahuong)