Kỳ thực, tán dương cũng cần biết cách. Nghệ thuật khen ngợi sẽ giúp bạn xây dựng hình ảnh tốt trong mắt mọi người và tạo nền tảng cho những mối quan hệ dễ gắn kết hơn.
Con người luôn thích được tán dương
Cách đây rất lâu, nhà nghiên cứu về hành vi động vật Skinner đã phát hiện rằng, nếu muốn dạy cho con chuột làm những hành vi nào đó thì cách hữu hiệu nhất chính là sau khi chúng làm chính xác động tác hãy lập tức cho chúng thức ăn.
BÀI LIÊN QUAN
Trong quyển “Maslow’s Hierarchy of Needs”, nhà tâm lý Abraham H.Maslow đã chia nhu cầu của nhân loại thành những loại sau: nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu yêu thương và sở hữu, nhu cầu được tôn trọng, nhu cầu được tự thực hiện. Khi chúng ta bày tỏ sự mến mộ, cảm kích và khen ngợi dành cho những người yêu thương, họ sẽ cảm nhận được những loại nhu cầu này, thấy mình được yêu thương, được thuộc về, được tôn trọng và có động lực hoàn thiện bản thân hơn. Cho dù những thứ mà mỗi người mơ ước có được có thể không giống nhau, có người cầu danh lợi, có người cầu cuộc sống tự do tự tại, có người cầu được một gia đình hạnh phúc, bình yên. Tuy nhiên, dù là ước muốn gì thì bất kỳ ai cũng luôn mong nhận được sự yêu mến và tôn trọng từ những người xung quanh.
Nhà triết học John Dewey có nói: “Khao khát và động lực sâu xa nhất trong bản chất của nhân loại chính là hy vọng bản thân có được tầm quan trọng”. Tổng thống Clinton (Mỹ) cũng nói: “Người người đều thích được tán dương”. Vì vậy, hình thành thói quen dùng nghệ thuật khen ngợi, cảm kích đúng lúc khiến người xung quanh cảm thấy rằng họ quan trọng sẽ có thể giúp họ có khuynh hướng biểu hiện những hành vi tốt đẹp hơn. Từ đó duy trì được các mối quan hệ xã hội tích cực, mỗi người trong vòng tròn gắn kết ấy có thể càng cảm nhận được ý nghĩa và hạnh phúc của cuộc sống.
Tán dương cần có nghệ thuật
a) Khen ngợi thích đáng và có sự khẳng định:
Nói lời tán dương thế nào cũng là một học vấn. Có lúc bạn khen ngợi đối phương quá cao thành ra giả tạo, cũng có lúc lời khen ngợi không phải xuất phát từ nội tâm thật sự mà bạn chỉ muốn dùng những lời hoa mỹ ngọt ngào để kiểm soát hoặc lợi dụng ai đó, lúc này sự tán dương sẽ trở thành nguyên nhân tổn hại mối quan hệ.
Khen ngợi thích đáng ngoài yếu tố tiên quyết là lòng chân thành ra thì nội dung cũng phải cụ thể, đưa ra sự tán thương và cảm kích đúng với nỗ lực của đối phương và kết quả tốt đẹp mà họ mang lại. Nên nhớ nghệ thuật khen ngợi không phải là sự đánh giá hồ đồ, qua loa.
Ví dụ, sau khi bạn giúp mẹ dọn dẹp nhà bếp, bạn cảm thấy lời khen nào sau đây của mẹ sẽ khiến bạn vui nhất?
A: “Con giỏi quá, sau này con phụ trách việc vệ sinh bếp nhé”.
B: “Con làm rất tốt, đúng là con ngoan của mẹ. Sau này con có tương lai làm một đầu bếp giỏi nữa đấy”.
C: “Bây giờ mọi thứ trong bếp đều được gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ. Mấy chiếc tủ và cả nền nhà con cũng lau chùi sạch bóng, ngồi ở đây thật dễ chịu làm sao. Cảm ơn con của mẹ nhé, quét dọn bếp không phải là chuyện dễ mà con còn làm chu đáo thế này, mẹ rất hài lòng”.
Cách nói A tuy có ý khen ngợi sự nỗ lực của bạn nhưng dường như chỉ khen để bạn sẽ phụ trách lau dọn bếp về sau chứ không phải là lời khen chân thành không vụ lợi. Cách tán dương này đôi lúc còn khiến đối phương không vui hơn.
Cách nói B tuy có chân thành nhưng lại ẩn chứa sự đánh giá lẫn đặt ra tiêu chuẩn cho bạn, có thể khiến người nghe cảm thấy áp lực, không thoải mái.
Cách nói C mới là nghệ thuật khen ngợi cụ thể và đầy lòng cảm kích. Bà mẹ nói rõ những việc bạn đã làm tốt và thành quả nỗ lực ra sao, còn bày tỏ sự biết ơn đối với bạn. Cách tán dương này khiến người nghe hiểu được mình được khen ngợi vì điều gì, cảm thấy công sức của mình được thừa nhận và trân trọng, từ đó đem lại niềm vui và ý nghĩa thật sự.
b) Đừng đem lời tán dương trở thành câu cửa miệng:
Một bà mẹ cứ hễ con làm xong việc gì, dù chỉ là những sinh hoạt đời thường như tắm rửa, ăn cơm đều thốt ra câu “Con giỏi lắm”, “Con ngoan lắm”. Dần dần những lời khen chung chung, vô tội vạ trở thành câu cửa miệng của bà mẹ, điều này khiến đứa con không những không thấy vui mà còn cảm thấy “dư thừa và vô vị”, chúng không muốn hoàn thiện bản thân nữa vì nghĩ rằng mọi thứ mình làm đều rất tốt rồi.
Kỳ thực, không phải bạn luôn miệng khen ngợi người khác thì sẽ đạt hiệu quả mong muốn. Nếu muốn nghệ thuật khen ngợi phát huy tác dụng tích cực và thật sự có ý nghĩa đối với cả người nói lẫn người nghe thì cần nắm những nguyên tắc sau:
– Khen ngợi sau khi hành vi đã được thực hiện: Nguyên tắc này trong nghệ thuật khen ngợi rất dễ hiểu vì chỉ khi ai đó làm được điều gì tốt đẹp, có ý nghĩa thì lời khen của bạn mới thật sự chân thành, nó khiến đối phương vui thích và mong muốn được làm tốt hơn sau đó.
– Miêu tả cụ thể quá trình và việc mà đối phương đã nỗ lực: Thử nghĩ khi bạn làm được một việc mà bản thân cảm thấy rất tốt, trong lòng sẽ có cảm giác gì và hy vọng người khác sẽ khen ngợi mình ra sao? Chắc chắn bạn mong muốn được mọi người thừa nhận sự cố gắng của mình từ những điều nhỏ nhặt nhất. Khi họ nói ra rằng họ đã thấy bạn làm được những gì, công sức và thành quả của bạn cụ thể ra sao và khiến họ cảm thấy thế nào thì bạn sẽ cảm nhận được niềm vui từ những lời tán dương này. Khi bạn miêu tả cụ thể hành vi của ai đó cho thấy bạn rất để tâm đến đối phương, điều này khiến đối phương thấy mình được xem trọng, quan tâm và cảm kích.
– Chỉ nên tán dương khi “thử thách đã được hoàn thành”: Để tránh lời khen ngợi trở thành đại trà và qua loa, tốt nhất bạn chỉ nên dành cho ai đó sự tán dương sau khi họ đã làm được một việc gì đó tương đối khó khăn, hoặc việc đó mang ý nghĩa đem lại sự hoàn thiện cho đối phương.
BÀI LIÊN QUAN
c) Hãy khen ngợi bằng sự cảm kích:
Trong một nghiên cứu của các nhà tâm lý học gồm Algoe, Gable và Maisel phát hiện: Cảm ơn là một chất kích thích để xây dựng mối quan hệ và duy trì sự lãng mạn trong đó. Vì vậy, khi sử dụng nghệ thuật khen ngợi ai đó, bạn hãy chọn những cách biểu đạt mang cả hàm ý biết ơn, cảm kích và cả sự hài lòng của bạn dành cho đối phương.
—
Xem thêm:
Nghệ thuật giao tiếp giúp tạo ấn tượng tốt
7 nghệ thuật yêu đương giúp dẹp tan âu lo bận rộn
17 nghệ thuật quyến rũ mà phái mạnh không thể chối từ
Nhóm thực hiện
Tạ Lê Phương (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE)