Cuộc cách mạng “Ngũ vị nương”
Trong cuộc cách mạng đó nhất định phải có năm thứ gia vị Baby, Ginger, Scary, Posh và Sporty! 5 cô gái nổi loạn Spice Girls xuất hiện từ cuối năm 1996, đạt đến đỉnh cao sự nghiệp và danh vọng vào năm 1997. Trong năm này họ có 4 đĩa đơn hạng nhất tại Anh, 2 album đầu tay đều đạt hạng nhất tại cả Anh và Mỹ, đồng thời là nghệ sĩ Anh quốc đầu tiên có album đầu tay giữ vị trí số 1 ở Mỹ. Họ trở thành nghệ sĩ đầu tiên có 6 đĩa đơn liên tiếp đạt hạng nhất tại Anh. Số lượng album Spice Girls bán được tại Anh bằng một nửa dân số Anh quốc. Tuy nhiên, giá trị và thành tựu của Spice Girls không chỉ nằm ở những kỷ lục. Điều mà có lẽ chính 5 cô gái nghịch ngợm và đầy màu sắc đó cũng không thể ngờ tới là sức ảnh hưởng của khẩu hiệu “Girl Power – Sức mạnh nữ giới” cùng hình ảnh phá cách của họ lên thế giới âm nhạc nói riêng và đời sống nói chung.
BÀI LIÊN QUAN
Spice Girls chính thức đi vào lịch sử âm nhạc là tiếng nói nữ quyền mạnh mẽ nhất, tích cực nhất. Bạn có tin rằng, trước Spice Girls, ngay cả những biểu tượng nữ quyền dữ dội nhất vẫn chịu rất nhiều bất công trước các đồng nghiệp nam? Cher bị coi là bà già đã hết thời, Janet Jackson là em gái của Michael Jackson, và Madonna chỉ là cô nàng tóc vàng hoe gặp may. Những nữ nghệ sĩ, dù tài năng đến đâu, vẫn luôn không nhận được sự công nhận từ giới chuyên môn và các hãng ghi âm một cách công tâm, và không bao giờ được ưu ái bằng các nam nghệ sĩ. Thế nhưng, sau 1997, với nguồn cảm hứng bất tận từ năm cô gái hồn nhiên đó, nữ giới vùng lên trên mọi mặt trận đời sống. Để rồi khi báo chí bắt đầu có nhiều hơn những cây bút nữ, trong các hãng đĩa phái đẹp giữ các chức vụ quan trọng hơn thì Madonna bỗng được ca ngợi là Nữ hoàng nhạc Pop, sự trở lại của Cher năm 1998 với Believe được ca ngợi là sức sống mãnh liệt; Janet Jackson cuối cùng đã thoát khỏi cái bóng của ông anh Michael. Các nhà sản xuất âm nhạc còn chủ động tìm kiếm những nữ nghệ sĩ mới. Kết quả là hiện tại, thế giới nhạc Pop đã chính thức trở thành miền đất của nữ giới!
Nữ chúa ra đời
Năm 1997 có hai sự kiện ảnh hưởng vô cùng sâu rộng đến sự phát triển của nền âm nhạc đại chúng. Đầu tiên là việc một người đàn ông tên Mathew Knowles quyết định nghỉ việc về làm quản lý cho nhóm nhạc nữ của con gái tên Girl’s Tyme. Quyết định này khiến thu nhập của gia đình giảm đi một nửa so với trước đây, đến mức một năm sau vợ chồng ông ly thân vì áp lực tài chính. Thế nhưng, chính nhờ quyết định liều lĩnh đó mà thế giới mới có một Beyoncé Knowles – cô con gái rượu của Mathew, đồng thời là thành viên của Girl’s Time. Dưới sự dẫn dắt của Mathew Knowles, Girl’s Tyme đổi tên thành Destiny’s Child, giành được hợp đồng ghi âm, ra mắt đĩa đơn đầu tay No, No, No khi Beyonce mới chỉ 16 tuổi. Thành công của Destiny’s Child có thể miêu tả là lật nhào cả thế giới, đổi trắng thay đen – một cách trần trụi – khi lần đầu tiên một nhóm nhạc nữ da màu, với thứ âm nhạc của người da màu, lấn át cả nhạc Pop của người da trắng, và ba cô gái da màu trở thành thần tượng trong mơ của hàng triệu đứa trẻ da trắng.
Nên nhớ, trước Destiny’s Child, tất cả những nghệ sĩ da màu như Michael Jackson, Whitney Houston có được thành công vang dội đều hát nhạc Pop. R&B trở thành dòng nhạc chiếm lĩnh thị trường suốt nửa đầu những năm 2000 và phát triển mạnh mẽ đến tận bây giờ. Các nghệ sĩ da trắng cũng đua nhau đi hát R&B. Xa hơn thế nữa, Beyoncé đã chủ động phát triển sự nghiệp solo ngay trong lòng Destiny’s Child, và trở thành Nữ hoàng âm nhạc nắm giữ mọi kỷ lục: nghệ sĩ đầu tiên có 6 album xuất hiện lần đầu ở hạng nhất bảng xếp hạng album của Billboard, nữ nghệ sĩ được đề cử và đoạt Grammy nhiều nhất, nhận nhiều Grammy nhất trong một đêm trao giải,… Beyoncé đã vượt qua giới hạn của một nghệ sĩ biểu diễn, trở thành nguồn cảm hứng sống và sáng tạo bất tận.
Câu chuyện thứ hai là của bà mẹ tên Lynne Irene Bridges. Số là, cô con gái lớn tên Britney Spears được Lou Pearlman (ông bầu của Backstreet Boys và NSYNC khi đó) mời tham gia nhóm nhạc nữ có tên Innosense. Thế nhưng, Lynne tin rằng con gái bà đủ tài năng để trở thành một nữ nghệ sĩ solo. Bà bèn đem băng ghi âm demo của con gái gửi cho một người bạn làm trong ngành giải trí. Cùng một niềm tin với bà, người bạn này đã giúp Britney Spears được biểu diễn thử cho 4 hãng đĩa khác nhau. Ba hãng ngay lập tức từ chối với lý do, họ không tin vào thành công của những nữ nghệ sĩ solo. Thế giới không cần thêm một Madonna hay Debbie Gibson nữa!
Đây cũng là minh chứng cho sự bất công đối với các nữ nghệ sĩ độc lập trên thế giới tại thời điểm đó, như đã nói ở trên. Chỉ duy nhất Jive Records đã gọi lại cho Britney vào 2 tuần sau và đồng ý ký hợp đồng vì họ thấy hiếm có một cô bé nào còn trẻ mà lại sở hữu giọng hát nhiều cảm xúc đến thế. Britney khi đó 16 tuổi. Phần còn lại của câu chuyện, cũng như việc Britney đã thay đổi thế giới âm nhạc thế nào khi trở thành biểu tượng mới của thành công, mở cửa cho hàng nghìn cô gái trẻ khác trở thành thần tượng âm nhạc, góp phần đưa electro-pop trở thành một trong những dòng nhạc chính thống được yêu thích, hẳn không cần phải kể lại.
BÀI LIÊN QUAN
Còn rất nhiều câu chuyện thú vị về âm nhạc của năm 1997 có ảnh hưởng và gợi cảm hứng cho đến tận bây giờ, như việc Adele tuyên bố album Ray Of Light của Madonna chính là lý do cô dám đối mặt với bản thân và quay trở lại phòng thu cho album 25 chẳng hạn. Chỉ tiếc là trong khuôn khổ một bài báo không thể chia sẻ hết được. Hẹn gặp lại các bạn ở một cuộc trò chuyện khác.
—
Xem thêm
NTK thời trang Việt Nam nói về làn sóng nữ quyền trong thời trang
Làn sóng nữ quyền của điện ảnh thế giới
Bạn đã xem 15 bộ phim nữ quyền hay và ý nghĩa này chưa?
Nhóm thực hiện
Nick Đỗ (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE)