Trong những năm gần đây, hơn 200 thương hiệu thời trang tại Châu Á đã quyết định đầu tư vào sân khấu trình diễn tại các Tuần lễ thời trang Tokyo, Thượng Hải và Seoul. Mặc dù là những tuần lễ thời trang đình đám, quy tụ BST của những nhà thiết kế thời trang tài năng khắp Châu Á, nhưng sự kiện này lại chưa thực sự tạo nên tiếng vang hay dấu ấn đáng nhớ gì trên thế giới.
Thậm chí nhiều nhà thiết kế thời trang nổi tiếng tại ba quốc gia được xem là thủ phủ thời trang của Châu Á này lại không được nhiều người trên thế giới biết đến và coi trọng. Những người xuất sắc bậc nhất trong số họ may mắn hơn thì có thể được một vài người đầu ngành trong giới thời trang nhớ đến. Thậm chí họ còn không nổi tiếng bằng những nhà thiết kế Châu Á được sinh ra và lập nghiệp ở nước ngoài. Phải chăng Châu Á không phải là miền đất hứa cho những tài năng trẻ ngành thiết kế thời trang được tỏa sáng? Hãy cùng ELLE tìm hiểu lý do tại sao.
Tuần lễ Thời trang ở Châu Á – điểm đến của những tài năng thiết kế thời trang
Trước đây, các nhà thiết kế thời trang Châu Á nổi tiếng thế giới như Uma Wang, Chitose Abe của Sacai hoặc Jacky Lee của J. JS Lee, đã chọn các tuần lễ thời trang ở Paris, Milan, London hoặc New York để mang sản phẩm của mình ra với thế giới. Tuy nhiên, khi các sàn diễn ở phương Tây ngày càng trở nên đông đúc, ngày càng nhiều nhà thiết kế ở Châu Á trở về quê hương sau khi du học tại những trường thời trang hàng đầu thế giới thì những tuần lễ thời trang ở châu Á chính là nơi tụ hội của những tài năng trẻ trong khu vực.
BÀI LIÊN QUAN
Facetasm, Matohu và Ujoh là ba trong số những nhãn hiệu thiết kế thời trang nổi tiếng đã xuất hiện trong Tuần lễ thời trang Mercedes-Benz Tokyo trong những năm gần đây.
Các nhà thiết kế Trung Quốc như Feng Chen Wang, Nicole Zhang và Boundless của Zhang Da được ví như những tài năng sán chói đã cướp đi sàn diễn của tuần lễ thời trang Thượng Hải.
Trong khi ở Hàn Quốc, Push Button, J. Koo và những thương hiệu nổi tiếng của K-pop như Kye tiếp tục làm cho tuần lễ thời trang Seoul trở thành một điểm đến hấp dẫn.
Những năm gần đây, các nhà thiết kế thời trang Việt đã bắt đầu tiến ra thị trường thế giới. Họ được mời mang bộ sưu tập của mình đến trình diễn tại các tuần lễ thời trang Châu Á. Điển hình là NTK Kelly Bùi với 3 năm liên tiếp tham dự Tuần lễ thời trang tại Thượng Hải và Công Trí – NTK Việt Nam duy nhất mang những mẫu thiết kế ấn tượng của mình đến sàn diễn Tokyo trong suốt 2 năm nay.
Mặc dù tài năng, trí tuệ và có những thành công nhất định là thế, nhưng tại sao những nhà thiết kế thời trang này vẫn chưa được công nhận trong ngành thời trang thế giới?
Căng thẳng chính trị giữa các nước Châu Á
Vào mùa xuân 2016, việc thiếu thông tin và phối hợp không chặt chẽ giữa ban tổ chức ba tuần lễ thời trang lớn của châu Á đã dẫn đến lịch trình diễn ra quá sát sao, khiến báo chí và người tham dự khó sắp xếp thời gian để đến cả ba địa điểm Tokyo, Thượng Hải và Seoul.
Theo các chuyên gia trong ngành thì một trong những nguyên nhân gây ra sự lộn xộn trong việc lập kế hoạch này là do ban tổ chức sự kiện phải chịu khá nhiều áp lực từ chính phủ trong nước. Những xung đột về chính trị từ lịch sử vẫn tồn tại cho tới nay giữa các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Ông Lea Seong, thống đốc của Hội đồng thiết kế thời trang Hàn Quốc cũng thừa nhận vấn đề này: “Tôi không thể phủ nhận sự thật là các vấn đề chính trị giữa nước ta và các nước láng giềng đã ảnh hưởng ít nhiều đến mối quan hệ giữa các Tuần lễ thời trang”.
Một vấn đề nổi bật khác khiến các tuần lễ Thời trang Châu Á bị đánh giá thiếu chuyên nghiệp chính là cơ sở hạ tầng. Điều quan trọng nhất để tạo nên những trải nghiệm đáng nhớ cho khách tham dự chính là hệ thống phòng trưng bày được đầu tư bài bản, sàn diễn với thiết kế đẹp, ánh sáng phù hợp,…Do đó, chừng nào cơ sở vật chất còn chưa làm hài lòng khách mời, thì lúc ấy những sân khấu thời trang Châu Á vẫn chưa thể vang danh trên thế giới được.
Để giải quyết được những vấn đề này, giải pháp đang được đồng tình và khả thi nhất hiện nay chính là việc kết hợp các tuần lễ thời trang Châu Á lại làm một. Ngay sau khi tuần lễ thời trang Paris kết thúc, mỗi năm các quốc gia sẽ thay nhau làm chủ nhà tổ chức sự kiện này nhằm giảm thiểu việc đi lại quá nhiều cho người tham sự.
Tập trung truyền thông qua người nổi tiếng và du khách
BÀI LIÊN QUAN
Bên cạnh những cách giải quyết thiên về chính trị trên, thì PR cho sự kiện thông qua những người nổi tiếng và khách du lịch chính là cách hiệu quả và nhanh nhất. Do đó, các tuần lễ thời trang cần vạch ra cho mình một chiến lược cụ thể và rõ ràng, xem xét những bài học kinh nghiệm từ các sự kiện tương tự trên Thế giới, và chú trọng đến việc mời gọi các fashionista, nghệ sĩ, những người có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng đến tham dự nhiều hơn.
BÀI LIÊN QUAN
Hoàng Ku: “Nếu dễ, tôi sẽ không nhận làm”
Ngăn chặn “chảy máu chất xám” trong ngành thời trang
Có lẽ thách thức lớn nhất của các tuần lễ thời trang Châu Á là sự ra đi của những tài năng trẻ, bao gồm cả những nhà thiết kế thời trang có tiềm năng nổi bật. Bởi lẽ Châu Á là mảnh đất sản sinh nhiều người tài, nhiều tên tuổi lớn được biết đến khắp Châu Âu như Juun J, Wooyoung Mi và Cy Choi của Hàn Quốc; Sankuanz, Xiao Li và Masha Ma của Trung Quốc, hay thương hiệu Undercover, Anrealage đình đám của Nhật Bản. Và bản thân những con người ở mảnh đất này vẫn giữ niềm tin rằng, sẽ có những “thương hiệu thiết kế huyền thoại” xuất hiện trong những tuần lễ thời trang Châu Á, những nôi sao ấy sẽ nâng tầm sự kiện và thu hút các nhà sản xuất thời trang trên toàn cầu.
Có thể hiện tại Châu Á chưa thể trở thành bước đệm cho ngành thiết kế thời trang tỏa sáng, nhưng nếu vạch ra một tầm nhìn rõ ràng và chiến lược hiệu quả, những tuần lễ thời trang ở đây hứa hẹn sẽ phát triển rực rỡ. Lúc ấy, Châu Á sẽ không chỉ là khách hàng lớn nhất, mà còn là một trong những nhà sản xuất lớn nhất của ngành thiết kế thời trang thế giới.
—
Xem thêm
Gánh hàng hoa của NTK Công Trí khoe sắc tỏa hương tại Tokyo
Andrew Tan: “Châu Á có quá nhiều sân chơi về thời trang”
7 cách phối đồ học từ tuần lễ thời trang Seoul FW 2016
Nhóm thực hiện
Thảo Loan (Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE)