*Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim
Trong những ngày gần đây series phim từ Netflix đang thu hút sự chú ý đặc biệt trong cộng đồng người yêu điện ảnh. Một bộ phim diễn ra xung quanh trường trung học, bối cảnh không hề hiếm thấy. Vậy mà tác phẩm này vẫn đứng đầu trên bảng xếp hạng của IMDb và được mệnh danh là “series phim thành công nhất của Netflix”.
13 Reasons Why dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Jay Asher. Phim theo chân Clay Jensen (Dylan Minnette thủ vai) khi cậu phải nghe hết 13 đoạn băng từ Hannah Baker (Katherine Landford thủ vai), một nữ sinh đã bất ngờ tự tử. 13 đoạn băng là 13 lý do Hannah giải thích vì sao mình lại rời bỏ thế giới.
Thoạt đầu, nội dung phim khiến chúng ta liên tưởng tới các bộ phim mang màu sắc bí ẩn như Pretty Little Liars hay Scream Queens. Nhưng hóa ra 13 Reasons Why lại mang màu sắc rất khác, nó không đầy sự tưởng tượng mà lại chân thực đến không ngờ. Có đôi khi bạn sẽ thấy mình giống như Hannah và ngược lại, bạn có thể là nguyên nhân khiến cô ấy tự tử.
Trong đoạn ghi âm, Hannah giải thích rằng ai nhận được những cuốn băng thì đều liên quan đến sự ra đi của cô nàng. Mỗi tập phim sẽ là một nhân vật, một lý do mà người xem chắc chắn sẽ không thể dừng lại một khi đã bắt đầu.
Người đầu tiên được réo tên là Justin Foley (Brandon Flynn thủ vai), người mà theo Hannah chính là “khởi đầu của kết thúc”. Justin mang dáng vẻ của một gã trai ngọt ngào và thu hút nhưng cuối cùng cậu ta lại lợi dụng Hannah khi cô còn là học sinh mới của trường.
Nếu bất giác nhận được một bức ảnh thì bạn sẽ chú ý đến điều gì, nhân vật trong ảnh hay người chụp nó? Hẳn nhiên học sinh trường Liberty chỉ nhìn vào hình ảnh hớ hênh của Hannah mà không nhớ đến Justin là một kẻ tồi.
Vậy là đã rõ, 13 Reasons Why không kể những câu chuyện lạ lẫm. Khía cạnh đầu tiên mà nó đề cập là nạn bắt nạt ở trường học và hệ quả khôn lường của mạng xã hội. Việc xảy ra với Hannah có lẽ chúng ta đã từng thấy hoặc có thể đã từng tham gia. Đây cũng là vấn nạn khó tìm lời giải với quốc gia phát triển như Mỹ.
Đó chỉ là phần nhỏ gây cái chết đau lòng. Càng đi sâu thì bộ phim lại càng trở nên tăm tối, 13 tập tuy không dài nhưng nó là hành trình vật lộn về mặt cảm xúc, ngay cả với người xem. 13 Reasons Why tiếp tục đưa những hiện thực này tới hiện thực khác, không phủ mật bao đường.
Một trong những tập phim gây ám ảnh nhất chính là về nhân vật Sheri (Ajiona Alexus thủ vai). Trên đường đưa Hannah về sau một bữa tiệc, Sheri vô tình đâm đổ một tấm biển báo giao thông. Thay vì báo cảnh sát như Hannah khuyên bảo thì cô gái này lại mặc kệ vì sợ gặp rắc rồi. Cũng trong đêm đấy thì một nam sinh đã gặp tai nạn và chết ở ngay chính chỗ có biển báo kia. Mặc dù đã cố gắng trình báo nhưng Hannah vẫn không thể ngăn chặn sự việc, cái chết của cậu bạn kia càng làm cô suy sụp hơn.
Liệu bạn có bao giờ thấy mình trong nhân vật Sheri, có lỗi nhưng lại không dám nhận. Nếu may mắn thì hậu quả sẽ không nghiêm trọng còn không thì như trong phim, có thể làm mất một mạng người. Chúng ta đôi khi vẫn tặc lưỡi bỏ như vậy trong cuộc sống. Một lần nữa 13 Reasons Why lại mang đến bài học không thể quên.
https://youtu.be/JebwYGn5Z3E
Vậy mà đó vẫn chưa phải tột cùng nỗi đau mà Hannah phải chịu đựng. Đến những tập cuối cùng, Hannah bất ngờ hé lộ mình và một người bạn là nạn nhân bị xâm hại tình dục, thủ phạm không ai khác chính là bạn học cùng trường. Sự việc là giọt nước làm tràn ly dẫn đến quyết định tự tử.
Mạnh mẽ dường như là điều không thể. Đó cũng là điểm chung mà nhiều nạn nhân giống như Hannah phải đối mặt. Họ hoang mang và tự hỏi liệu bản thân đã làm gì sai. Họ xấu hổ và không dám tố cáo, mặc cho thủ phạm vẫn còn nhởn nhơ. 13 Reasons Why tiếp tục khiến người xem đau lòng vì Hannah hoàn toàn có thể hiện diện xung quanh.
Nhân vật Clay là người gần gũi bên Hannah nhất nhưng cậu vẫn không đủ mạnh mẽ để bảo vệ bạn mình. “Một vài người quan tâm. Nhưng không ai quan tâm đủ”. Clay rất tốt nhưng giá như cậu đừng quá ngại ngùng, giá như cậu cứ mạnh dạn bày tỏ tình cảm với Hannah thì có lẽ cô bạn ấy sẽ không dại dột. Đáng tiếc rằng khi nghe được đoạn băng thì chuyện đã rồi.
Bên cạnh phần nội dung thì hình ảnh cũng là yếu tố đáng khen từ nhà sản xuất. Những khung hình chuyển tông màu tươi sáng khi có sự xuất hiện của Hannah và ngược lại, nó đem đến cho người xem nhiều cảm xúc.
Với việc dán nhãn TV-MA (chỉ thích hợp với khán giả trưởng thành), 13 Reasons Why không hề né tránh việc đưa toàn bộ các chi tiết người lớn lên màn ảnh, kể cả cảnh Hannah bị cưỡng bức. Nó gây khó chịu đến mức người ta phải cảnh báo khán giả trước khi xem. “Nhưng nó cần phải như thế” – Trước tranh cãi về bộ phim, nhà văn Jay Asher đã đưa ra những chia sẻ rất thẳng thắn, ông cho rằng những gì người xem cảm thấy có thể là cảm giác mà nhân vật Hannah đang phải gánh chịu.
“Bạn không biết chuyện gì đang xảy ra với cuộc đời người khác ngoài của bạn ra… Và khi bạn xâm phạm tới một phần cuộc sống của một người thì bạn đang làm ảnh hưởng tới cả cuộc sống của họ.” – 13 Reasons Why mang thông điệp rất ngắn gọn, đó là hãy cư xử thật tốt và quan tâm tới những người xung quanh. Ngắn gọn nhưng có lẽ nó lại không đơn giản như thế.
—
Xem thêm
Phim “Get Out” từ bị khinh thường đến doanh thu phi thường
Những bộ phim hoạt hình Nhật Bản khiến bạn phải thổn thức
Lô Tô: “Giấc mộng chết thì cuộc đời cũng hết”
Nhóm thực hiện
Nguyễn Gia Linh (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)