Những hành trình luôn là tiếng gọi quyến rũ với loài người từ khởi đầu của lịch sử. Trong kho tàng văn chương tự cổ chí kim, ở mọi nền văn hóa đều chứa đựng những tác phẩm kinh điển về những chuyến đi như Odyssey (Hy Lạp) hay Tây Du Ký. Khi điện ảnh xuất hiện, môn nghệ thuật này cũng không bỏ qua đề tài hấp dẫn đó của nhân loại. Road movies (phim hành trình) đã trở thành một phần không thể thiếu của điện ảnh.
Cũng như trong văn chương, một bộ phim hành trình không mấy quan tâm đến đích đến. Hành trình và những gì xảy ra trên chuyến đi ấy mới là câu chuyện trung tâm. Các bộ phim road movie đều đi theo một mô-típ cơ bản: Nhân vật bắt đầu xuất phát là khi họ bị kéo khỏi môi trường sống bình yên quen thuộc của mình. Những thử thách xảy đến là để họ dần bộc lộ tính cách, hành động đối mặt với biến cố và trở thành một con người khác hoặc nhận ra con người mà họ phải trở thành. Những tác phẩm tiêu biểu như Bonnie and Clyde (1967), Thelma & Louise (1991) hay bộ phim Việt gần đây là Tèo Em, Taxi em tên gì?… Tất cả đều đi theo cách dẫn dắt tương tự. Tự bản thân mỗi bộ phim đã là một câu chuyện để người xem khám phá, nhưng sự khác biệt có thể thấy rõ ở Road movie chính là sự dịch chuyển của nhân vật trung tâm, về cả thời gian lẫn không gian tạo cho người xem cảm giác biến đổi như một “cuộc lên đường” thật sự.
BÀI LIÊN QUAN
Người ta không thể quên nhân vật Ernesto Guevara trong The Motorcycle Diaries (2004) từng lên kế hoạch thực hiện chuyến đi “bụi” cùng anh bạn Alberto xuyên suốt Nam Mỹ. Sau khi trải qua hành trình hàng ngàn cây số trên chiếc xe Norton 500 và tận mắt chứng kiến biết bao bất công mà người dân phải chịu đựng, thế giới quan của Guevara đã thay đổi. Bài ca hoài bão của tuổi trẻ trong The Motorcycle Diaries đã giúp người xem hình dung được sức sống ở tuổi thanh xuân của một thiếu niên và cách cậu sinh viên ngành Y này trở thành một nhà cách mạng vĩ đại. Câu thoại trong phim của Guevara: “Rong ruổi quanh Nam Mỹ đã thay đổi bản thân tôi nhiều hơn tôi nghĩ. Tôi không còn là tôi, hoặc ít ra là bản thân tôi trong quá khứ nữa” hẳn là tuyên ngôn thúc giục nhiều tâm hồn trẻ khác cũng phải một lần bước ra thế giới. Kết thúc mỗi chuyến đi, con người ta thường tự thấy bản thân thay đổi và trưởng thành hơn sau những va vấp, những trải nghiệm bắt gặp trên hành trình.
Ở một ví dụ khác, tác phẩm từng được đề cử Oscar Little Miss Sunshine (2006) kể về một gia đình như nhiều mảnh ghép rời rạc và lệch tông: một ông bố loay hoay tìm vị thế trong cuộc sống, một bà mẹ chỉ biết tới công việc, một ông chú đồng tính muốn từ bỏ cuộc sống, một người ông hay văng tục và một cậu nhóc ít nói… Tất cả những thành viên trong đại gia đình Hoover ấy phải học cách gạt bỏ những khác biệt để đoàn kết bên nhau khi thành viên út Olive được mời tham dự cuộc thi “Hoa hậu nhí ánh dương“. Xuyên suốt hành trình, những khúc mắc được cởi bỏ khi đại gia đình Hoover chịu chia sẻ với nhau và cùng vượt qua những trở ngại tưởng như gian nan nhất. Hành trình có thể là cuộc vượt qua những khoảng cách về địa lý nhưng cũng có thể là vượt qua khoảng ngăn giữa những tâm hồn.
Điểm thu hút của dòng phim hành trình đó là việc người ta luôn phải bắt đầu ở những điểm xuất phát tưởng như không thể. Con người khó dung hòa, môi trường khó thích nghi, khó khăn và những cuộc khủng hoảng chẳng thể qua đi để rồi cuối hành trình họ chợt nhận ra cuộc đời sống động biết bao và con người quanh mình mến thương đến nhường nào. Phim hành trình khuyến khích con người ta thực sự sống và trải nghiệm. Trong bối cảnh xã hội hiện đại với mạng xã hội lên ngôi, những chuyến đi chẳng còn sức hút ngoài nỗ lực “check-in” trên mạng xã hội. Walter Mitty trong The Secret Life of Walter Mitty (2013) đã truyền đi một thông điệp đáng ghi nhớ. Một anh chàng cả đời ngồi làm công việc biên tập trên bàn giấy cho tạp chí Life bỗng chốc lên đường đặt chân khắp mọi nơi để lần theo dấu một nhiếp ảnh gia.
BÀI LIÊN QUAN
Cảnh đáng nhớ bậc nhất của bộ phim là khi Walter bắt gặp nhiếp ảnh Sean trên núi khi ông này đang rình báo tuyết. Khi chú báo xuất hiện, Sean không hề bấm máy và điều này khiến Walter ngạc nhiên. Khi đem thắc mắc ra hỏi Sean, Walter nhận được câu trả lời đáng suy ngẫm: “Đôi khi tôi không chụp ảnh. Đó là những khoảnh khắc mà bản thân tôi thích và tôi không muốn bị phân tâm bởi máy ảnh. Tôi muốn được đắm chìm trong khoảnh khắc ấy“.
Những bộ phim Road movies là tuyên ngôn cho lối sống đi là để sống, để trải nghiệm cho chính bản thân mình chứ không phải vì ai khác. Ngẫm ra điều ấy, bạn sẽ thấy cách chúng ta bắt đầu lựa chọn những chuyến đi trong đời sẽ thay đổi. Nếu bạn chưa đủ sẵn sàng để khởi hành, hãy chọn một bộ phim Road movie và tận hưởng nó.
Nhóm thực hiện
Chu N.Mai - Nguồn Tạp chí Phái Đẹp ELLE