Cả Hollywood đều nóng lòng muốn biết danh tính của những kẻ đã đột nhập không chỉ nhà của Lindsay, mà còn của Paris Hilton, Megan Fox, Rachel Bilson, Orlando Bloom… và cuỗm đi vô số đồ có giá trị. Để rồi ít lâu sau đó, họ kinh ngạc nhận ra chúng chỉ là mấy đứa nhóc tuổi teen, và đáng kinh ngạc hơn, phần lớn trong số chúng cũng có gia đình giàu có.
Tuy là một câu chuyện chấn động, ồn ào trên hàng loạt trang báo nhưng có vẻ như Bling Ring không thực sự thu hút được sự quan tâm của các nhà làm phim tại Hollywood. Mãi đến đầu năm 2012, nữ đạo diễn Sophia Coppola (đạo diễn của Lost in Translation, Marie Antoinette, Nowhere) mới tuyên bố rằng cô đang thực hiện bộ phim về những kẻ trộm tuổi teen khét tiếng ngày nào. Ngôi sao của Harry Potter, Emma Watson, cũng háo hức tham gia cùng dự án cùng dàn diễn viên trẻ.
Sự chậm chân với thời sự xem ra lại là một điều hay bởi có lẽ không ai hợp làm đạo diễn một bộ phim về các cậu ấm cô chiêu nước Mỹ hơn Sophia Coppla. Cô là con gái của đạo diễn huyền thoại Francis Ford Coppola (Godfather, Apocalypse Now…), lớn lên trong khung cảnh xa hoa, bạc vàng, chứng kiến cả mặt phải và trái của sự phù phiếm. Sophia chỉ làm phim về những người giàu, bởi cô thấu hiểu mọi ngóc ngách của sự giàu có ấy.
Những nhân vật chính trong bộ phim The Bling Ring của cô cũng như vậy. Chúng chỉ mới 16, 17 tuổi, nhưng chúng lái xe BMW, sống trong những ngôi nhà sang trọng với mấy con chó giống quý trên các sườn đồi Calabasas, California – khu dân cư của giới thượng lưu và những ngôi sao lớn nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, có lẽ như sự xa xỉ của hoàn cảnh sống không thể đảm bảo cho lòng tự tin của những đứa trẻ mới lớn.
Chúng chưa bao giờ thấy vừa lòng với chính mình. Marc, cậu con trai mới lớn liên tục phải chuyển trường vì các vấn đề tâm lý, cho rằng mình “không đẹp”. Và đó là lý do cậu mau chóng bị cuốn vào trò chơi với Rebecca, một fashionista, người luôn dõi theo các ngôi sao trên thảm đỏ, mê cuồng với những món đồ hàng hiệu xa xỉ họ khoác lên người. Rồi một ngày nọ, cả hai quyết định đi ăn trộm những món đồ ấy.
Ngay cả trong câu chuyện đời thực và trong bộ phim, chuyện lần ra nhà các ngôi sao, canh giờ họ vắng mặt và tìm cách đột nhập vào nhà họ cũng đều dễ dàng một cách đáng ngạc nhiên. Tất cả những gì các cô cậu trẻ cuồng điên này cần làm là “google”. Twitter, Facebook, các trang báo lá cải liên tục cập nhật về lịch trình của các ngôi sao. Google Maps chỉ cho chúng đường đi và các ngôi sao luôn quên khóa cửa. Những ngôi sao không buồn khóa cửa hay bật máy báo chống trộm khi đi ra ngoài vì họ sống giữa một thế giới quá giàu có, họ không thể tin rằng có ai đó ở Hollywood lại vào nhà mình ăn cắp.
Tuy nhiên, điều mà những đứa trẻ này muốn lấy từ nhà họ không hẳn chỉ là những đôi giày Christian Louboutin, những chiếc túi Birkin hay những chiếc đầm hàng hiệu được thiết kế riêng… Cái chúng muốn ăn cắp là một lối sống, là danh tiếng, là điều chúng không thể dùng tiền mà mua được. Chúng là con của gia đình giàu có, nhưng thế vẫn là chưa đủ. Nicki (Emma Watson) muốn được nằm trong giường của Megan Fox, Rebecca muốn mặc đồ lót của Miranda Kerr và đối tượng mà chúng hăm hở nhất là Lindsay Lohan, thần tượng nổi loạn của tuổi teen. Tiền cũng là một yếu tố quan trọng, bởi nhờ có tiền chúng được thả phanh vui chơi trong các club, nhưng trong phim, việc bán các món đồ chỉ như một sự khoe khoang, hoặc là hành động muốn tống khứ bằng chứng.
The Bling Ring được làm theo phong cách giả tài liệu và bám rất sát vào các sự kiện có thật. Tuy nhiên, Sophia Coppola cố tình bỏ qua hành trình điều tra gắt gao của cảnh sát. Cô quan tâm nhiều hơn về vấn đề của những đứa trẻ, những người bị sự phù phiếm của Hollywood làm lạc hướng. Bộ phim có thể làm bạn thấy hơi nhàm chán khi thấy sự lặp đi lặp lại của các quá trình: đột nhập, ăn cắp, nhảy nhót tại các club, cập nhật Facebook và lại đột nhập… Tuy vậy, nếu tinh tế, bạn sẽ thấy cùng với thời gian, những đứa trẻ càng thoải mái hơn khi ở trong nhà của các ngôi sao. Chúng coi đó là nhà chúng, gọi việc ăn cắp đồ hiệu của người khác là shopping.
Sự thản nhiên trong việc đi ăn cắp của chúng là một điều làm khán giả kinh ngạc, nhưng họ còn kinh ngạc hơn nữa trước thái độ của cha mẹ chúng trước vụ việc. Điều đầu tiên mà họ quan tâm khi con bị bắt, không phải là sự hoảng sợ, đau khổ vì đứa con phạm tội, mà là việc họ sẽ dùng luật sư thế nào để giúp chúng thoát khỏi các cáo buộc. Nhân vật Nicki của Emma Watson, trở thành tâm điểm trong phần sau của phim khi cả gia đình cô coi việc bị bắt vì ăn cắp là một cơ hội để được nổi tiếng.
Bộ phim của Sophia Coppola làm chúng ta cay đắng nhận ra một thế giới đã đánh mất đi toàn bộ ý thức về nền tảng đạo đức (dù Nicki vẫn được dạy đạo mỗi ngày). Chúng chạy theo những điều phù phiếm mà xã hội coi trọng vật chất mang lại, sùng bái những cá nhân coi thường nguyên tắc sống tối thiểu. Và điều quan trọng nhất: chúng không còn biết tự coi trọng giá trị của bản thân mình.
Thế nhưng, những đứa trẻ ấy có thực sự đáng ghét hay không? Không hẳn. Chúng có thể gợi nhắc cho chúng ta về chính mình. Những đứa trẻ có thể coi phiên tòa xử chúng là một màn trình diễn lớn, biến giấc mơ của chúng thành hiện thực khi mọi ống kính máy quay đều hướng vào mình. Và rồi chúng ta, những khán giả, từ ngoài nhìn vào cảnh tượng ấy, thấy được toàn bộ sự lố bịch của vật chất, của danh tiếng, của việc được chú ý, để rồi phải tự hỏi: Mình có bao giờ đã từng mong muốn như những đứa trẻ ấy hay chưa?
Nhóm thực hiện
Blog của Phương Huyên Ảnh tư liệu