Thời trang / Thế giới thời trang

Kỳ công trong khâu thiết kế trang phục cho phim Những kẻ khát tình

Sở hữu dàn diễn viên trong mơ gồm ba sao nữ tài danh nhất Hollywood hiện nay, nữ đạo diễn Sofia Coppola đã làm việc cùng “ông hoàng thời trang” Marc Jacobs thổi vào tuyệt phẩm này một hơi thở đầy nữ tính qua góc nhìn tinh tế của phụ nữ cùng những bộ váy đẹp “hút hồn” do nhà thiết kế Stacey Battat thực hiện.

Kỳ công trong khâu thiết kế trang phục cho phim Những kẻ khát tình

Quá trình “cũ” hóa những chiếc váy để bám sát bối cảnh Nội Chiến

Hồi tưởng lại quá trình thực hiện, Stacey Battat thừa nhận cô gặp không ít khó khăn. Cùng với nữ đạo diễn Sofia Coppola, cả hai đã phải đọc sách về ngành nghề dệt may để biết dân chúng mặc gì. Nếu như trước khi đất nước diễn ra chiến tranh, mọi người có xu hướng chuộng những màu sáng nhạt thì trong giai đoạn Nội Chiến, với tình hình nước sinh hoạt khan hiếm thật khó để giặt giũ. Các nhân vật cũng không thể may quần áo mới thường xuyên. Chính vì thế, họ chỉ khoác lên người những bộ váy có màu pastel sờn bạc.

Để “hô biến” những bộ váy mới được may trở nên nhuốm màu thời gian, đoàn làm phim đã phải thực hiện quá trình stonewash (giặt với bột đá mịn). Toàn bộ vải được xử lý qua hóa chất, sau đó đem giặt thật sạch rồi là ủi cẩn thận. Tất cả các công đoạn thực hiện trong 3 tuần trước khi bước đến khâu may mặc. Có thể thấy đội ngũ đã trút toàn bộ tâm tư, tình cảm, thời gian để tạo nên phục trang sát với thực tế nhất.

Hệ thống lớp lang váy áo cầu kỳ – mỗi lần mặc là một lần “đánh vật”

Không chỉ mô phỏng hoàn hảo về chất liệu và màu sắc, kiểu dáng cũng là một chi tiết cực kì quan trọng. Không thể nào có sự chuẩn xác về mặt lịch sử nếu bạn thực hiện thiếu bất kì một yếu tố nào. Kể cả khi bạn mặc một chiếc váy được may theo kiểu dáng của năm 1860 mà thay vì corset lại sử dụng thắt lưng thì sẽ không thể nào thể hiện được sự khó khăn và cứng nhắc khi di chuyển trong trang phục thời bấy giờ.

Nhà thiết kế chia sẻ: “Sáng nào chúng tôi cũng đã phải giúp đỡ các diễn viên thay trang phục vì họ phải mặc rất nhiều lớp. Đầu tiên là quần bloomer (loại quần ống thụng rộng và được bó lại phía dưới đầu gối, thường được mặc bên trong váy) rồi tới váy lót và camisole (áo 2 dây với chất liệu mềm mại), và cả chiếc áo lót corset. Dĩ nhiên là họ không thể tự mình mặc corset được. Chúng tôi phải giúp họ cột thật chặt và một khi đã mặc corset, họ sẽ không thể cúi người xuống để đi giày. Vì vậy, việc đi giày sẽ diễn ra trước đó.”

Thực tế, không phải lúc nào việc thay đổi trang phục của các diễn viên cũng phụ thuộc hoàn toàn vào tổ phục trang. Đôi lúc các diễn viên còn phải tự thực hiện chúng trong các cảnh quay. Điều này hoàn toàn phù hợp với bối cảnh năm 1830. Các thiếu nữ đều có một người hầu để giúp họ mặc váy áo mỗi ngày. Có thể các cô gái trong câu chuyện cũng đã từng có người hầu nhưng trong tình hình chiến tranh khốc liệt, đó là điều không thể. Họ chỉ còn cách giúp đỡ lẫn nhau.

Các diễn viên đã đổ rất nhiều mồ hôi khi phải khoác lên người những món đồ cồng kềnh như vậy. Tuy nhiên, do không thể liên tục thay quần áo, tổ phục trang chỉ thay đổi cổ áo và gấu váy để rũ sạch những đất cát bám trên đó và thay những món đồ mới vào ngày hôm sau. Đó cũng chính xác là những gì mà các thiếu nữ ở thời kỳ những năm 1860 đã làm. Họ không thể giặt váy áo thường xuyên vì nguồn nước khan hiếm và việc là (ủi) quần áo rất khó khăn.

Sự biểu hiện tinh tế tâm lý nhân vật

Trong thời kỳ Nội chiến thì phần đông phụ nữ thường lựa chọn màu đen chủ đạo để tưởng niệm cho người chồng, con trai, anh em không may phải bỏ mạng nơi chiến trường khói lửa. Nhưng Stacey Battat lại cho các cô gái của mình mặc váy áo màu ngà hay màu pastel dịu nhẹ để tạo chút khác biệt. Điều này cũng ngầm khẳng định những người phụ nữ y hệt thiên thần kia không giống như đám đông: họ đẹp đẽ nhưng cũng sâu xa khó lường.

Người quyền uy nhất dĩ nhiên là cô Martha (Nicole Kidman thủ vai). Cô mặc ít màu nhất, cổ váy lúc nào cũng thẳng cao đầy kiêu hãnh. Đôi lúc cô xuất hiện trong những bộ vest nam tính – thể hiện cô là chỗ dựa lớn cho các chị em còn lại trong trường nội trú cũng như là một nhân vật mà anh lính Corporal McBurney (Colin Farrell thủ vai) cũng như chúng ta phải hết sức dè chừng.

Cô Edwina (Kirsten Dunst) đến từ thành phố, cho nên những bộ váy của cô sẽ gợi lên sự tinh tế và gần gũi hơn với con mắt hiện đại. Với người phụ nữ này, những mày sắc đơn giản, những bộ váy màu nhạt in hoa đã họa lên một tính cách dịu dàng và có phần buồn bã.

Với Alicia (Elle Fanning) trẻ trung, màu sắc chuẩn xác nhất với cô là những màu hồng và xanh nhạt. Cô gái này ngây thơ những cũng có một phần nào đấy “lẳng lơ”.

Việc cộng tác với dàn diễn viên “hạng A”, những người phụ nữ đẹp nhất Hollywood thật tuyệt vời nhưng với Stacey Battat – cô chia sẻ rằng cũng khó khăn không kém: “Như với Nicole Kidman, cô ấy trông hoàn hảo trong mọi trang phục, thật dễ dàng để chọn váy áo cho cô ấy. Nhưng cô ấy nhận thức được mình mặc gì thì đẹp cũng như là diễn viên đầy kinh nghiệm, chính vì vậy tôi có đã khá áp lực khi nhận ra điều đó”.

Không chỉ váy áo, Stacey Battat cũng chia sẻ về việc trang sức đóng một vai trò quan trọng như thế nào trong phim: “Có lẽ những biến đổi về màu sắc trang phục không rõ rệt như với bên bộ phận chiếu sáng hay thiết kế sản xuất, bởi vì các nhân vật không có nhiều quần áo để thay đổi. Nhưng chúng tôi đã khắc họa sự thay đổi đó thông qua việc lựa chọn nữ trang như chiếc nơ cài tóc, những đôi hoa tai. Họ quan tâm rất nhiều đến chúng ở phần đầu bộ phim và rồi chẳng mảy may đoái hoài, đấy là khi họ không còn thấy mình dành tình cảm cho người đàn ông lạ mặt. Có lẽ họ nghĩ anh ta giờ thật đáng sợ, và thấy chẳng cần phải đeo một đôi hoa tai cầu kỳ nữa”.

Nhóm thực hiện

Quỳnh Hương (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)