Xê dịch trở thành thứ tín ngưỡng chảy trong huyết mạch và ăn sâu trong tiềm thức Tâm Bùi. Nó thôi thúc chân đi và góp vào “thực đơn giác quan” bằng những cung đường, những nhân ảnh trên các dải đất khác nhau. Anh đã di trong tâm thế của một con rùa, chậm rãi và thư thái, đón nhận từng chút từng chút một những mới mẻ và thú vị của chuyến hành trình để rồi say trong tự do, say trong nhịp thở của cuộc sống.
Động lực nào khiến anh chọn nghỉ việc và theo đuổi con đường travel blogger này?
Cũng như nhiều bạn trẻ khác, tôi từng có nhiều nỗi sợ. Mà sợ nhất là thất nghiệp, không đủ tiền chi trả cho cuộc sống vì mình phải tự lập từ rất sớm. Đôi khi nỗi sợ đó làm người ta nhụt chí, không dám liều lĩnh thử một cái gì đó mới. Rồi một ngày khi cuộc sống bế tắc đến mức không thể chịu nổi, tôi quyết đánh cược một lần, bỏ hết tất cả để làm một con người mới. Tôi chọn lên đường với chiếc máy ảnh trong tay. Tôi gặp nhiều người bạn mới cùng chí hướng, biết được nhiều câu chuyện hay ho và học được nhiều bài học trên đường đi. Và cũng thêm một may mắn nữa là nghề đã chọn tôi.
Anh thường mất bao lâu để chuẩn bị cho một chuyến đi?
Vô chừng lắm. Có những chuyến đi dài thì từ 6 tháng trở lên để chuẩn bị, vừa thể lực vừa phải giải quyết các loại giấy tờ, visa. Mà cái quan trọng nhất là vé máy bay, phải có thời gian để canh mua vé rẻ để tiết kiệm chi phí.
Trong số những nơi đặt chân đến, nơi nào khiến anh lưu luyến và muốn quay lại nhất?
Dãy Himalaya là nơi cuốn hút tôi nhiều nhất. Có thể là do sự huyền bí của tôn giáo, sự hùng vĩ của thiên nhiên và sự đa dạng văn hoá của các quốc gia nằm xung quanh dãy núi vĩ đại này. Nên kế hoạch là tôi sẽ còn quay lại để đi cho bằng hết những nước quanh Himalaya như Bhutan, Nepal…
Du lịch bụi thường ẩn chứa nhiều rủi ro và nguy hiểm. Anh đã vượt qua những khó khăn ấy thế nào?
Đúng là du lịch bụi (hay du lịch tự túc) so với đi tour thì sẽ có nhiều rủi ro và nguy hiểm hơn. Nhưng chính cái rủi ro và nguy hiểm đó mới tạo nên men say làm những kẻ ham đi chết nghiện. Người ta có nói một cụm từ rất hay là “Nghệ thuật đi lạc” nghĩa là chúng ta sẽ biến những rủi ro, nguy cơ thành một phần hay ho của chuyến đi nhưng chúng luôn phải nằm trong một tỉ lệ cho phép và chịu được. Để đi kiểu này, người đi phải “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”. Mình nên đọc sách để biết về đường đi nước bước, khí hậu, con người, phong tục tập quán ở nơi mình sắp đến và cả những kỹ năng tồn tại cơ bản.
Anh nghĩ thế nào về du lịch độc hành?
Tôi rất thích độc hành. Tôi cho rằng độc hành là một liều thuốc đặc trị cho những ai mắc bệnh sợ cô đơn. Chỉ khi chúng ta đối diện với chính nỗi cô đơn của mình, cảm thấy hạnh phúc khi một mình được thì mới mong mang lại niềm vui, hạnh phúc cho kẻ khác. Vì vậy, trong giai đoạn còn chật vật và loay hoay, mất định hướng, tôi đã chọn độc hành để được chiêm nghiệm và đúc kết nhiều bài học cho chính mình.
Những bộ ảnh Gà Trống, Gà Mái hay Những kẻ mộng mơ gần như đều xoay quanh nỗi buồn, sự cô đơn của nhân vật và ngay cả anh cũng là người thích cuộc sống một mình. Vậy sự cô đơn có ý nghĩa ra sao với anh?
Tôi sống một mình hay “nhiều” mình thì tôi cũng thấy vui vì tôi không sợ cô đơn. Tôi thấy mình là người biết tận hưởng vẻ đẹp của sự cô đơn đó. Thường những bản tình ca hay đều nói về chuyện tình dang dở hay điều gì chưa trọn vẹn. Vì chưa trọn vẹn người ta mới tiếc nuối và nhớ về. “Tình không xót xa có nên gọi là tình. Đời không đắng cay có nên đời ”. Những bộ ảnh của tôi cũng không nằm ngoài “concept” đó. Tôi miêu tả sự tiếc nuối, cô đơn, trống vắng bằng những góc chụp của mình. Đôi khi nhân vật lạc lõng giữa chợ đời, đôi khi họ bên nhau mà trong ánh mắt cứ đau đáu về khoảng không xa xôi. Cô đơn, buồn bã cũng có cái hay của nó. Nó sẽ nhắc nhớ người ta trân quý hơn những lúc sum vầy và hạnh phúc.
Chụp ảnh có concept và chụp ảnh tùy hứng, anh nghiêng về phía nào hơn?
Tôi tuỳ hứng trong concept mà mình đặt ra.
Em được biết anh sắp ra mắt Bụi đường tuổi trẻ. Trong khoảng thời gian hoàn thành quyển sách ấy, anh gặp thuận lợi và khó khăn ra sao?
Lần đầu viết sách là một kinh nghiệm không thể nào quên. Tôi hoang mang lắm và không biết phải bắt đầu từ đâu. Với bản tính lười cố hữu, tôi đã phải đấu tranh nội tâm khủng khiếp để bắt mình ngồi vào bàn viết. Ban đầu tôi chẳng viết được gì ra hồn nhưng tôi quyết không chịu thua chính mình. Tôi tập từ từ thói quen viết mỗi ngày một ít. Sau một tháng khả năng viết dần lên tay, tôi tăng số lượng lên và biến nó trở thành một thói quen. Có lúc, tôi cảm thấy như thể mình không viết mà con chữ chỉ đang mượn ngòi bút của tôi để chạy đều trên trang giấy. Đó là cách tôi học tập từ tiểu thuyết gia Haruki Murakami – người đã làm việc chăm chỉ và chiến thắng bản thân bằng nghị lực phi thường.
Thông điệp anh muốn gửi gắm qua tác phẩm của mình là gì?
“Bụi đường tuổi trẻ” là quyển sách du kí đầu tay. Tôi dành cho nó gần 1 năm để hoàn thành bản thảo lẫn biên tập và in ấn. Đó là sự cô đọng của hành trình gần 3 năm lang bạc khắp các hang cùng, ngỏ hẻm. Tôi kể về quá trình đấu tranh nội tại của mình ra sao để nhẹ lòng bỏ lại công việc văn phòng và lên đường hay cách mà tôi tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng để có thể đầu tư cho những chuyến đi dài hơi.
Qua quyển sách nhỏ này, tôi chỉ mong truyền được niềm cảm hứng sống để các bạn trẻ dũng cảm vượt ra khỏi “vùng an toàn” của mình để khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia và khám phá chính những khả năng tiềm ẩn trong con người mình.
Giữa ảnh và chữ, cái nào thể hiện con người anh nhiều hơn?
Chữ và ảnh đều là những thứ xuất phát từ tận sâu trong tâm khảm của mình. Nó phản ánh góc nhìn, tâm tư, tình cảm theo từng cách rất riêng. Tôi cho rằng cả hai đều đang làm tốt nhiệm vụ rồi!
Nhóm thực hiện
Bài: Vương Tuyền Ảnh: Tâm Bùi