“The innocence saves our soul” – Blog Phương Huyên

Câu nói này không phải của tôi, cũng chẳng phải của vĩ nhân nào cả. Đó chỉ câu nói của một người vợ nói với chồng, khi họ nhìn thấy những đứa trẻ tồng ngồng cười khanh khách bên bờ sông Mekong.

Chuyện ấy đã xảy ra vài năm trước . Thế rồi bỗng một ngày, giọng nói của người phụ nữ kia chợt vang lại văng vẳng, khi tôi bước ra khỏi phòng chiếu, nơi vừa giới thiệu phim ngắn Không có gì quý của Nguyễn Trọng Khôi.

Khong-co-gi-quy_poster_resized

Tôi đã xem bộ phim này ít nhất năm lần trước khi nó được chọn chiếu khai mạc cho liên hoan phim ngắn trực tuyến YxineFF 2013. Thế nhưng, việc được xem trong rạp luôn mang lại cho bạn trải nghiệm đẹp hơn với các tác phẩm điện ảnh. Câu chuyện về hai cậu con trai và một người bạn gái cùng chiếc xe đạp lạ lùng trong ngày cuối cùng của năm học, trước khi một trong số họ lên đường đi xa khiến cả rạp phim cười nghiêng ngả và khi phim kết thúc, họ chợt nhận ra chính mình cũng đang hoài niệm về tuổi trẻ. Bạn có thể thấy, ngay lúc này, những lời khen dành cho bộ phim này đang có trên khắp các trang báo và mạng xã hội.

Thế nhưng, với riêng tôi, bộ phim này còn có một câu chuyện khác nữa. Sau chừng 5 phút kể từ phim bắt đầu, hai cậu bé đã lắp xong chiếc xe đạp từ rất nhiều nguồn phụ tùng, một giai điệu quen thuộc vang lên. Đó là bài hát “Hãy đến đây” đã từng xuất hiện trong bộ phim Dành cho tháng Sáu của Nguyễn Hữu Tuấn. Nguyễn Trọng Khôi đã xin lại quyền sử dụng hai bài hát của bộ phim Dành cho tháng Sáu để làm nhạc cho phim của mình. Và giai điệu đó đã thành chiếc cầu đưa tôi từ bộ phim trước mắt về với một bộ phim mình từng xem hơn một năm trước.

Dù không phải là một cú “hit” phòng vé, Dành cho tháng Sáu vẫn là một trong những tác phẩm điện ảnh nhận được rất nhiều lời khen ngợi trong vài năm gần đây. Cũng như Không có gì quý, bộ phim cũ nói về những rung động đầu đời, những băn khoăn và hành động bột phát của tuổi mới lớn trong một mùa hè. Cả hai bộ phim đều còn có những khiếm khuyết về kỹ thuật, nhưng cả hai đều có sự dễ thương cần thiết để người ta có thể bỏ qua được những chi tiết đó. Và kể cả, nếu với bạn, Dành cho tháng Sáu không tạo ra ấn tượng mạnh, thì cũng khó có thể phủ nhận sự hấp dẫn của những bài hát đạo diễn đã chọn cho phim.

dành cho tháng sáu
Một cảnh trong đoạn đầu phim Dành cho tháng Sáu

Có lẽ, tôi chẳng phải là một người có tư cách gì để nói về quá trình sản xuất một bộ phim và thật khó để so sánh một bộ phim ngắn với một bộ phim chiếu rạp. Tuy nhiên, điều làm tôi xúc động hơn nữa đối với hai bộ phim này là sự giản dị và “nhìn cái là biết ít kinh phí” của chúng. Nguyễn Hữu Tuấn đã dùng chính nhà của mình làm trường quay, mời chính mẹ và bạn bè mình làm diễn viên và đã thuyết phục được nhạc sĩ người Úc Guillaume Vétu soạn nhạc cho phim của mình một cách rất “hữu nghị”. Nguyễn Trọng Khôi mang cả đoàn làm phim lên vùng miền núi Đông Giang với 10 triệu đồng và rất nhiều sự giúp đỡ.

posterphim
Một cảnh trong phim Dành cho tháng Sáu với bầu trời mùa hè trong xanh, thể hiện đúng cho tinh thần của bộ phim.

Cái gì đã giúp họ có được niềm tin từ người khác trong quá trình làm ra bộ phim của mình? Có lẽ chính bởi sự trong trẻo của họ, tình yêu hồn nhiên trong câu chuyện của họ. Họ đều là những người trẻ, và cũng như tất cả những người trẻ khác, họ có lúc nghi ngờ bản thân mình và cũng có lúc muốn bỏ cuộc. Nguyễn Hữu Tuấn vẫn thường kể lại về những khoảnh khắc anh rơi vào trầm cảm vì mình chẳng có gì trong tay và Nguyễn Trọng Khôi đã hơn một lần nói bạn không muốn làm phim vì không có kịch bản ưng ý. Và cuối cùng họ đều đi đến đích, họ đã làm ra một bộ phim, dù ngắn, dù dài.

Khong-co-gi-quy
Hai bạn trai trong phim Không có gì quý

Hôm nay, Nguyễn Trọng Khôi được ngợi khen rất nhiều, hơn một năm trước, Nguyễn Hữu Tuấn cũng như vậy. Điều ấy có khẳng định cho việc họ sẽ trở thành những tên tuổi lớn, những người đưa điện ảnh Việt Nam đi xa hay không? Không. Nhưng cách mà những khán giả đã nghiêm túc xem phim của họ phản ứng trước bộ phim có lẽ đã cho thấy một điều: sự trong sáng và giản dị của tuổi trẻ luôn có chỗ đứng vững chắc trong lòng người xem. Chúng ta đã có nhiều bộ phim chân dài, tình tiền tù tội và cả hành động… những bộ phim rất tốn kém và những bộ phim tốn kém vừa vừa, nhưng chúng ta có lẽ vẫn chờ một bộ phim học trò trong sáng, một bộ phim mà hầu hết người xem phim rạp tại Việt Nam đều có thể thấy bóng dáng quá khứ của mình trong đó.

Một người yêu phim đã bình luận với tôi sau khi xem Không có gì quý: “Tại sao các nhà làm phim trẻ cứ phải chạy theo những thứ quằn quại, xa vời để làm gì? Trong khi những thứ gần gũi luôn làm lay động người ta như thế?”. Tôi không phản đối những người tìm tòi, khám phá, và muốn mang đến một giọng nói khác cho điện ảnh. Nhưng nếu ta muốn làm ra những bộ phim ít kinh phí và vẫn được lòng khán giả, có lẽ, câu bình luận của vị khán giả kia đáng để cho chúng ta suy nghĩ, phải không?

Nhóm thực hiện

Blog của Phương Huyên
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)