Với tên gọi Hạ huyền 2 live in Munakata, Giang Trang và các cộng sự gồm nhạc sỹ Thanh Phương (guitar), nhạc sỹ Lưu Hà An (piano), nghệ sỹ Vân Mai (đàn tranh) sẽ có một đêm chơi concept Hạ huyền 2 trong ngôi nhà cổ trên đảo Munakata (tối 30/10) trong hành trình 7 ngày 6 đêm tại Tokyo – Nhật Bản. Đây là lần thứ hai, concept Hạ huyền 2 bay ra khỏi biên giới Việt Nam. Trước đó, Hạ Huyền 2 đã có hành trình đến Paris (Pháp), Munich (Đức) trong tháng 4/2015.
Concept Hạ huyền 2 sẽ được chơi vào đêm 30/10 tại ngôi nhà cổ trên đảo Munakata trong suốt chuyến hành hương kéo dài một tuần lễ.
Thời gian đã cho thấy, nỗ lực cách tân nhạc Trịnh của Giang Trang ngoài là khả năng thể nghiệm nghệ thuật, khao khát tìm tiếng nói đồng vọng với âm nhạc Trịnh Công Sơn, còn cho thấy một cách hiện thực về sức sống nhạc Trịnh không chỉ được giữ bằng những “tượng đài” của quá khứ, mà hiện hữu bằng không gian riêng trong đời sống âm nhạc đương đại.
Âm nhạc của Trịnh Công Sơn có vòng hòa âm đơn giản, cho thấy âm nhạc của người nhạc sĩ tài hoa không áp đặt cho những người nghệ sĩ sáng tạo trên tác phẩm của mình và Giang Trang là một người hát nhạc Trịnh “thật” như chính các tác phẩm của ông.
Với giọng hát an nhiên, thanh thoảng mà trong cuộc trà dư tửu hậu khi đi tìm một định nghĩa riêng về cách hát nhạc Trịnh của Giang Trang, họa sỹ Lê Thiết Cương cho rằng Giang Trang được nhớ và ở lại trong lòng mến mộ của những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn cũ và mới bởi lối “hát-không”, tức hát mà như không phải hát, hát mà như trò chuyện.
Với một vệt dài cách tân nhạc Trịnh, từ Lênh đênh nhớ phố (2011), Hạ huyền 1 (2012), Hạ huyền 2 (2015), Giang Trang được gọi là “người-hát-nhạc–Trịnh đương thời. Chị nằm trong số ít nghệ sỹ đương đại kiên trì, bền bỉ trên con đường làm mới nhạc Trịnh. Trong mỗi không gian chơi nhạc của mình, Giang Trang không chỉ là một- người- hát. Đúng hơn, đó là cuộc chơi nhạc của những người bạn. Họ chơi nhạc và thử nghiệm bởi nhu cầu tự thân muốn chia sẻ và sáng tạo nghệ thuật. Từ Lênh đênh nhớ phố, đến Hạ huyền 1, Hạ huyền 2, công chúng mộ điệu được nghe nhạc Trịnh không chỉ tư duy ca khúc chú trọng giọng hát và chiêm nghiệm về ca từ Trịnh Công Sơn mà ở tư duy thanh nhạc trong những không gian đậm đầy thính phòng (Hạ huyền 1) và Acoustic (Hạ huyền 2) qua đó làm làm giàu thêm hơi thở mới mẻ, xcusc ảm và tư tưởng trong âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Giang Trang hát nhạc Trịnh như một cuộc dạo chơi, tự sự, trò chuyện, đầy trải nghiệm mà cũng thật thấm thía.
Trong đó, khác với Hạ huyền 1 mang nặng tự sự cá nhân, Hạ huyền 2 hướng đến tinh thần của người tìm được sự yên tĩnh trong lòng mà nhìn ra thế giới. Đó còn là không gian chơi nhạc của giọng hát lạ Giang Trang và lối hòa âm lãng mạn, hư ảo của nhạc sỹ Thanh Phương (guitar), Lê Thư Hương (sáo) và Vân Mai (đàn tranh) mở ra không gian âm nhạc Hạ Huyền 2 huyền hoặc, sâu thẳm đậm màu Đông Phương. Trong không gian acoustic của Hạ huyền 2, âm nhạc Trịnh Công Sơn nhẹ nhõm hơn, phá cách hơn khi đàn tranh hợp tấu cùng guitar, piano, sáo để tìm con đường mới chạm vào từng cội nguồn âm nhạc.
Hạ Huyền 2 hướng đến tinh thần của người tìm được sự yên tĩnh trong lòng mà nhìn ra thế giới.
Chia sẻ về cơ duyên lựa chọn nước Nhật – để chơi Hạ huyền 2, Giang Trang cho biết: “Nhạc Trịnh Công Sơn tối giản và có tính thiền, hướng về tình yêu bao la rất phù hợp với tính cách và văn hóa người Nhật. Trước tôi, bản thân Trịnh Công Sơn và các nghệ sỹ luôn có những mối liên hệ gần gũi với đất nước này. Tôi luôn có một niềm ước ao, được thấy âm nhạc Trịnh Công Sơn được chơi trong các không gian riêng, giao hòa và gần gũi thiên nhiên. Khi âm nhạc được chắp cánh và đến với nhiều tâm hồn, nhiều vùng đất đó là hạnh phúc không sao kể xiết. Chúng tôi sẽ chơi concept Hạ huyền 2 vào đêm 30/10 tại ngôi nhà cổ trên đảo Munakata trong suốt chuyến hành hương kéo dài một tuần lễ. Chuyến đi này chỉ dành cho 20 người từ Việt Nam sang, trong những ngày ở Tokyo và Munakata, mọi người sẽ được khám phá thiên nhiên và trải nghiệm những tinh hoa văn hóa của đất nước Mặt Trời Mọc, tôi và các nghệ sỹ sẽ tập luyện để chúng ta có một đêm Hạ huyền trên đảo, trò chuyện và gần lại với nhau bằng âm nhạc, rồi cùng đón bình minh.”
Nhóm thực hiện
Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE