BÀI LIÊN QUAN
Là một người ăn chay trường, Stella McCartney luôn luôn từ chối sử dụng chất liệu da thật cho công việc của mình. Chính lập trường này đã thôi thúc cô tìm ra những lựa chọn sáng tạo trong vật liệu, cho phép tái định nghĩa lại những gì mà thời trang cao cấp nên có ở thời điểm hiện tại. Stella McCartney sẽ là người đầu tiên nhận được Giải thưởng “Special Recognition Award For Innovation” (chứng nhận cho sự đột phá) vào lễ trao giải thời trang Anh British Fashion Awards tuần tới. Nhà thiết kế cũng chia sẻ với báo chí rằng nhờ vào những nguyên tắc cô đặt ra đã thúc đẩy bản thân tìm cách tiếp cận mới với thời trang và kinh doanh như thế nào.
(Hình: Allison Michael Orenstein)
“Thật là phi thường khi tôi từng nói về chủ đề này trước đây khá lâu và bây giờ nó lại được quan tâm, nó cũng không còn gây sự phật ý hay coi thường của mọi người“. Nhà thiết kế nhớ lại nhiều người trong ngành công nghiệp thời trang đã từng bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng tồn tại của thương hiệu Stella McCartney. Ra mắt vào năm 2001 cùng với sự hậu thuẫn của Tập đoàn Gucci (nay là Kering), làm thế nào một thương hiệu cao cấp không hề có giày hay túi da lại có thể tồn tại được?
McCartney đã chứng minh điều không thể bằng quan điểm của chính cô: Nếu khách hàng yêu thích sản phẩm, họ sẽ không quan tâm nếu nó có được làm bằng da hay không. “Điều khiến tôi thoả mãn nhất trong công việc thậm chí cho đến ngày nay chính là 90% khách hàng của tôi không hề biết sản phẩm của họ đều không sử dụng một chút gì từ động vật. Thật không có ý nghĩa gì nếu tôi thiết kế một thứ gì đó mà nó sẽ bị vùi lấp, cho nên bạn biết đấy, thiết kế là vấn đề tiên quyết“.
(Hình: INDIGITAL)
Đầu năm nay, Gucci từng nói rằng sẽ ngừng sử dụng lông thú vào giữa năm 2018, làm McCartney nhớ lại đã từng nói về vấn đề này với Tom Ford cách đây 17 năm (người từng đồng hành với Domenico De Sole phụ trách tập đoàn Gucci đến năm 2004). “Tom Ford đã từng mời tôi làm cho Gucci từ rất sớm. Anh ấy nói rằng họ sẵn sàng không xài lông thú nữa vì tôi. Nhưng tôi đã nói “Tom, em cũng không sử dụng da đâu”, “Cái gì? Em không sử dụng cả da sao?” – anh ấy đã tỏ ra khá ngạc nhiên về điều đó”.
“Tom đã từng đến dự nhiều show của tôi, anh ấy biết khá rõ về tôi và còn giúp tôi xây dựng nên thương hiệu của mình trong những buổi đầu tiên. Là một nhà thiết kế thời trang, anh ấy có một đôi mắt tinh tường nhất mà tôi từng biết, nhưng anh thực sự không nhận ra rằng tôi không hề sử dụng da trong những sản phẩm của mình” – Stella McCartney chia sẻ (Hình: Sebastian Kim)
Khi mới bắt đầu, việc tìm kiếm những ý tưởng thay thế da đã khiến thúc đẩy việc nghiên cứu ra những phương pháp tiếp cận bền vững toàn diện hơn. “Chúng tôi tìm thấy những thử thách thực sự rất thú vị“. Khi nói về loại lụa nhân tạo mà cô đang phát triển, Stella McCartney chia sẻ rằng: “Chúng tôi đang làm việc với một công ty tên Bolt ở San Francisco về việc sản xuất lụa trong phòng thí nghiệm. Sẽ không còn con tằm nào phải bị giết trong quá trình sản xuất lụa nữa và điều đó thật tuyệt“.
BÀI LIÊN QUAN
McCartney còn sử dụng nhựa tái chế từ những rác thải ở biển trong thiết kế. Ngoài ra, cô là nhà thiết kế duy nhất sử dụng vải visco được làm từ rừng bền vững trong thời trang cao cấp. “Chúng tôi chỉ cần ba năm để phát triển nó vì thực tế vải viscose được làm từ cây cối. Có khoảng 100 triệu cây đã bị chặt đi vì thời trang năm ngoái và bây giờ con số này lên đến 150 triệu trong năm nay, thật đáng buồn rằng nó đang tăng lên“.
“Tôi rất thích khía cạnh này của ngành công nghiệp. Nó chính là thời trang của tương lai – việc tiết kiệm được nước, năng lượng, đất đai, tài nguyên của chúng ta hay của thiên nhiên và sử dụng nó hiệu quả hơn là điều mà tôi cho rằng rất tuyệt vời. Đó là con đường duy nhất để hướng tới”. (Hình: INDIGITAL)
McCartney cũng đã bắt đầu hợp tác với The RealReal, một trang bán hàng thiết kế bày bán các sản phẩm cũ với giá đã được chiết khấu. Bạn có thể tìm thấy nhiều thương hiệu tên tuổi và các nhà thiết kế lớn trên trang web, nhưng bên cạnh đó có rất ít thương hiệu hài lòng với quy cách vận hành của trang web này. Tuy nhiên, Stella McCartney lại không ngần ngại ủng hộ. “Chúng tôi yêu thích ý tưởng kinh tế tuần hoàn (Circular economy – mô hình kinh tế với mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường). RealReal đang đối mặt với khá nhiều sự phản đối trong ngành công nghiệp nhưng chúng tôi hoàn toàn ngược lại, tôi muốn nói rằng họ đang làm những điều rất tuyệt vời, đó là thực tế, và chúng ta đang cùng chung một chuyến tàu”.
BÀI LIÊN QUAN
Caroline Rush, Tổng giám đốc của Hội đồng Thời trang Anh nói rằng mong muốn bền vững là động lực chính cho sự đổi mới trong ngành thời trang: “Stella là một nhà tiên phong thực sự. Cô đã tạo ra nhận thức về tính bền vững trong thời trang và đóng vai trò là nguồn cảm hứng cho ngành công nghiệp của chúng ta và cho các thế hệ tương lai.”
Chiến dịch quảng bá mới nhất của thương hiệu thời trang bền vững – Stellar McCartney
Stella McCartney rất tự hào về nền văn hóa kinh doanh mà cô đang phát triển cho thương hiệu của mình, nơi sự đổi mới được đánh giá cao và luôn đặt câu hỏi về các đường lối chính thống cũ trong mỗi ngày làm việc. Nhưng McCartney cũng chia sẻ rằng, “Chúng tôi không muốn khiến mọi người dằn vặt, không nên cảm thấy tội lỗi mà phải là niềm vui”. Ngoài ra, những sáng kiến của McCartney đang ngày càng được đồng thuận. “Tôi nghĩ rằng mọi người muốn kết nối với những điều quan trọng hơn là chúng ta rất khao khát điều này.” Vì vậy, cô ấy rất vui khi chấp nhận giải thưởng (được tài trợ bởi Swarovski), đặc biệt nếu nó tạo thêm động lực cho công việc mà cô ấy đang làm. “Việc kinh doanh với tôi càng phải có trách nhiệm hơn. Thời trang là một ngành công nghiệp độc hại đứng thứ hai đối với môi trường. Tôi nghĩ rằng rất đáng khích lệ khi Hội đồng Thời trang Anh đang xem xét đến đến việc bắt đầu một giải thưởng mới để gợi nhắc về vấn đề này”.
Nhóm thực hiện
Hãn Hào (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Hình ảnh: tổng hợp)