Trong khi thảo luận về chuyên đề ELLE voices số tháng 12, BBT dự định sẽ viết về đề tài “Xâm hại tình dục – im lặng hay lên tiếng?”. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi thiết nghĩ không cần phải đặt ra câu hỏi này nữa, bởi nhất định trong mỗi chúng ta đều có câu trả lời. Với chủ đề nhạy cảm này, bên cạnh “bề mặt của tảng băng trôi”, ELLE Việt Nam xin được đề cập đến những góc khuất khác, từ chính quan điểm và cảm xúc của người trong cuộc, để bạn đọc từ đó có cái nhìn thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc. Bởi hơn ai hết, với những nạn nhân bị xâm hại tình dục, đây là nỗi đau mà họ sẽ mang theo đến hết cuộc đời.
Nhưng trước hết, hãy cùng ELLE nhìn lại thực trang xâm hại tình dục trong xã hội ngày nay.
Trong những năm gần đây, hàng loạt vụ bê bối tình dục được phanh phui bởi các ngôi sao Hollywood sau nhiều năm giấu kín đã dũng cảm lên tiếng tố cáo những kẻ gây tội ác. Điều này như tiếp thêm nguồn năng lượng và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các chiến dịch chống xâm hại tình dục lan tỏa khắp toàn cầu, điển hình là chiến dịch #Metoo (Tôi cũng vậy) với những câu chuyện do các nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục công khai kể lại trên mạng xã hội. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của tổ chức UN Women, 87% phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục tại các nơi công cộng. Trong đó, 47.1% phụ nữ giữ im lặng thay vì báo với cảnh sát hoặc người thân. Đây quả là một thực tế đáng lo ngại và thật sự đau lòng.
Trong quá trình thực hiện chuyên đề, ELLE đã tiếp xúc với nhiều phụ nữ gặp phải vấn nạn này. Hầu hết họ đều trải lòng về câu chuyện đau buồn của mình, nhưng chỉ rất ít trong số họ sẵn sàng lộ danh tính, bởi có nhiều lý do chủ quan và khách quan khiến họ ngần ngại.
Vậy, làm thế nào để phụ nữ được bảo vệ, được nói lên tiếng nói của mình và trở lại cuộc sống mà không mặc cảm. Cần lắm những con người tiên phong, cần lắm những tổ chức bảo vệ phụ nữ, cần lắm những điều luật để họ không đơn độc trong cuộc chiến bảo vệ chính bản thân mình. Và hơn cả, cần lắm sự lắng nghe, chia sẻ, cảm thông, và quan tâm đúng cách, đối xử công bằng từ xã hội và những người xung quanh.
BÀI LIÊN QUAN
Các thống kê về nạn xâm hại tình dục
Theo số liệu được cập nhật trên trang web AbuseGuardian.com, lạm dụng tình dục là hành động thể hiện quyền lực và bạo lực. Đó là hành động mà theo đó, một người có thẩm quyền sử dụng sự tin cậy mà họ có với người khác để buộc những người đó tham gia vào các hành động tình dục không tự nguyện và không mong muốn. Điều này có nghĩa là hầu hết những người sống sót đều biết người phạm tội, nhưng 60% tội ác không được báo cáo với cảnh sát. Thống kê thêm cho thấy rằng:
- 90% các vụ hiếp dâm xảy ra đối với phụ nữ.
- 1 trong 5 cô gái bị lạm dụng tình dục trước khi đến tuổi 18.
- Hai phần ba số nạn nhân từ 18 đến 29 tuổi có mối quan hệ trong quá khứ với thủ phạm.
- 9 trong số 10 nạn nhân biết người lạm dụng họ.
Như vậy, hầu hết nạn nhân đều biết thủ phạm của họ. Người phạm tội có thể là người được mọi người biết đến, tin tưởng và tôn trọng bởi gia đình và bạn bè, do đó có thể dẫn đến những hệ lụy chồng chéo và làm phức tạp các mối quan hệ sau những cáo buộc lạm dụng. Do đó, đa số nạn nhân không trình báo các tội phạm đơn giản chỉ vì:
- 13% tin rằng công an sẽ không muốn giúp.
- 20% sợ bị trả thù.
- 13% coi đó như một vấn đề cá nhân.
- 7% không muốn khiến người phạm tội gặp rắc rối.
- 2% nghĩ rằng công an không thể làm gì để giúp.
Bên cạnh đó, những nỗi sợ hãi mà các nạn nhân xâm phạm tình dục phải đối mặt sẽ khiến họ chùn bước và chọn sự im lặng để bảo vệ chính mình.
Nạn nhân bị đổ lỗi. Bởi định kiến và cái nhìn khắt khe của xã hội dành cho phụ nữ, các nạn nhân sẽ nghĩ rằng nếu công khai, họ sẽ bị đổ lỗi và miệt thị, coi thường. Điều này dẫn đến sự chọn lựa im lặng mãi mãi.
Trở thành kẻ nói dối. Những nạn nhân lạm dụng tình dục thường lo sợ rằng nếu họ báo cáo về tội ác, không ai tin họ hoặc cho họ là kẻ tự nguyện. Mặt khác, phụ nữ có thể nghĩ rằng báo cáo hành vi tấn công làm họ có nguy cơ bị gán mác “có vấn đề về tâm lý” hoặc muốn trở thành kẻ nổi trội. Tất cả những suy nghĩ này đều có thể đến từ sự vô cảm của những người xung quanh, của xã hội mà không biết rằng chúng có thể trở thành công cụ “hiếp dâm lần 2” đối với các nạn nhân, đôi khi đưa đến những hậu quả thật khó lường.
Nhóm thực hiện