Một hôm, tôi ngồi đọc lại Thế giới là một quyển sách mở của Lévai Balázs. Đây là một quyển đối thoại văn chương. Tác giả gặp hầu hết tất cả những nhân vật lẫy lừng của văn giới đương thời như Paul Auster, Orhan Pamuk, A. Baricco, Umberto Eco, P.M. Roth, S.Rushdie, và K. Ishiguro…
Nếu bạn chẳng quan tâm đến bất cứ cái tên nào kể ra ở trên đây thì cũng chẳng sao. Tôi chỉ muốn kể lại một chi tiết trong bài phỏng vấn Alessandro Baricco – một nhà văn Ý với cuốn tiểu thuyết lừng danh đã chuyển thể thành phim mang tên Lụa. Ngoài ra, ông còn có các tác phẩm khác như Đại Dương Biển và Không Lấm Máu đã được dịch sang tiếng Việt.
Alessandro Baricco cùng bạn bè mở một tiệm sách tên là Holden ở Torino. Tên hiệu sách này – trùng tên với trường viết văn cũng do chính ông sáng lập – lấy cảm hứng từ nhân vật chính Holden Caulfield trong tác phẩm Bắt trẻ đồng xanh của J.D.Salinger, một cậu trẻ cá tính đến cực đoan.
Điều kỳ lạ của tiệm sách Holden là mỗi tháng nó chỉ bán ra 18 đầu sách, không hơn. Những tựa sách này đều do những nhà văn, giảng viên viết văn tiếng tăm và đáng tin cậy giới thiệu. 18 cuốn sách được trưng bày trong tiệm như những tác phẩm nghệ thuật, mỗi cuốn nằm trên một chiếc cột, có thể dùng tai nghe để nghe thử nội dung như kiểu người ta thử khi mua đĩa nhạc. Bên cạnh chúng là ảnh và lời giới thiệu về nhà văn/ giảng viên đã tiến cử nó. Hết tháng, họ lại thay 18 đầu sách khác.
Mục đích của họ trong việc mở tiệm sách kỳ quặc ấy là gì? Giản dị thôi. Khi bạn vào một tiệm sách lớn với vô vàn lựa chọn, bạn có thể mua một lúc năm bảy cuốn, rồi về nhà vứt xó, không bao giờ đụng tới. Nhưng một khi bạn đã chọn một trong 18 cuốn sách ở cái tiệm Holden này, bạn chắc chắn sẽ đọc nó. Đó là cách những con người mơ mộng này nỗ lực chống lại những quy luật mòn sáo của thị trường sách ngày một bành trướng, nhưng ngày một mông lung.
Tất nhiên là họ lỗ vốn, nghe đâu mỗi tháng lỗ đến 5 triệu lia và rốt cuộc phải dẹp hiệu sách ấy đi. “Chúng tôi bơm bao nhiêu tiền vào một giấc mơ đẹp, nhưng không thực tế. Dù sao đó cũng là một kinh nghiệm hay, một bài học tốt” A. Baricco nói trong bài phỏng vấn.
Tôi từng có duyên may được gặp A. Baricco trong một chuyến giao lưu. Đó là một người đàn ông Ý chân thành, giản dị hiếm gặp. Trực tiếp nói chuyện với ông ta, nhìn cách ông ta mơ màng khi nhớ lại một cột mốc, một biến cố rồi kể lại bằng giọng trần thuật mộc mạc nhưng thấu suốt; bạn sẽ hiểu tại sao người đàn ông này nảy ra ý tưởng về cái nhà sách kỳ quặc và thất bại ấy. Vừa chỉ nghe qua, ta đều hiểu đó là một sự chống chọi hão huyền và ngu xuẩn đối với những quy luật của thị trường, mà chỉ có “bọn nhà văn” mới nghĩ ra nổi.
Kết luận về câu chuyện này là gì? Là những giấc mơ lý tưởng ít bao giờ có kết cục tốt đẹp như trong thế giới của Disney.
Nhưng tôi không thể ngừng nghĩ thêm rằng, một khi ta dám thử bắt tay vào hiện thực hoá những giấc mộng đẹp (và ngu xuẩn), thì dù có thất bại, đó cũng là những thất bại lộng lẫy nhất trần đời.
Nhóm thực hiện
Blog Thư Uyên Ảnh tư liệu