“Tôi mê hoa sen. Mê bông hoa đó và hình ảnh nó trong nghệ thuật và cuộc sống” – chị Trinh vừa rót ly rượu vang mời chúng tôi vừa giải thích. Thực ra thì không cần hỏi cũng có thể đoán được chị thích hoa sen. Quán ăn chị đặt tên là Dã Liên. Nhà ở chị chọn cái tên Liên hoa. Bước vào ngôi nhà, từ những viên gạch lát sàn trang nhã tới những món đồ décor cổ điển, luôn có dấu ấn của hoa sen.
Xuôi đường Ngọc Thụy, Gia Lâm, rẽ vào con đường nhỏ, chỉ cần chú ý một chút bạn sẽ bắt gặp một cánh cổng gỗ nhỏ với trang trí hoa văn lạ mắt và một mảng tường gạch nung trầm tĩnh với tấm biển đề “Nhà Liên Hoa”. Vẻ bề ngoài có vẻ kín đáo thậm chí ít nhiều bí hiểm nhưng cất giữ cả một ngôi nhà với đầy đủ không gian sống, bể bơi và vườn cây rộng trên diện tích khoảng 1000m2.
“Thực ra ý tưởng về ngôi nhà này bắt đầu từ một bức ảnh”, chị Trinh chủ nhà chia sẻ với chúng tôi. “Bức ảnh chụp khu bồn tắm của một ngôi nhà ở Bali trên cuốn sách kiến trúc mình tình cờ mua ở sân bay quốc tế cách đây mấy năm. Không gian đó rất ấn tượng và thực sự muốn có trong ngôi nhà mình. Chiếc bồn tắm rộng được trang trí đơn giản nhưng tinh tế với những chi tiết nhấn đắt giá. Và đặc biệt là nó mở hoàn toàn ra không gian vườn cây xanh mướt mắt của ngôi nhà”.
Thú thực, đi một vòng ngôi nhà, với sự giới thiệu nhiệt tình của gia chủ, chúng tôi cảm thấy hơi… ngợp. Ngôi nhà có quá nhiều điều thú vị, quá nhiều cái Hay, từ những đồ đạc nhất định cho tới những chi tiết kiến trúc, những câu chuyện của gia chủ. Tự nhiên chẳng biết bắt đầu từ đâu. Chúng tôi e dè nói với chị Trinh, thật may, gia chủ là người dễ tính, chị cười bảo: “Nhiều là cái chủ ý của mình đấy. Mình quan niệm một không gian sống thì phải ấm cúng. Mà ấm cúng phải là đầy đặn. Chính vì thế mình không để chừa bất cứ không gian nào của ngồi nhà mà không “nghịch ngợm”.
Ngôi nhà Liên Hoa có rất nhiều đồ cổ. Những bức tượng, những bộ bàn ghế, những món đồ trang trí rồi những chi tiết rất cầu kỳ như một chiếc khóa cửa, một, hai bức tường dựng lại từ hơn chục ngàn viên gạch Hán cổ… Tất cả đều là đồ cổ và đều là đồ sưu tầm của chị Trinh. Phong cách chơi của chị cũng không giới hạn. Đồ Việt, đồ Pháp, đồ Trung Quốc, đồ Ý rồi cả đồ Nepal hay nước nào đó tận châu Phi. Sau mỗi chuyến đi, anh chị lại đưa về rất nhiều đồ và chúng đều có một vị trí nào đó trong ngôi nhà. Để hòa hợp tất cả những món đồ mang dấu ấn văn hóa đặc trưng các dân tộc khác nhau như vậy trong một ngôi nhà, chắc hẳn sẽ là một bí quyết để chúng không “phá” nhau và ngôi nhà không trở thành một món lẩu kiến trúc. “Khi đưa một món đồ về nhà, phải nghĩ xem nó sẽ nằm ở đâu. Mình cũng tìm hiểu về kiến trúc, vừa là thích vừa là cần thiết vì kiến thức kết hợp với mỹ cảm của cá nhân sẽ tốt hơn nhiều nếu chỉ có 1 trong 2 điều đó trong quá trình tổ chức ngôi nhà” chị Trinh giải thích.
Chị Trinh và anh chồng người Úc có hai cô con gái xinh xắn. Bề ngoài các cô hoàn toàn là những thiếu nữ mang dòng máu Úc nhưng khi nói chuyện với mẹ, các cô vẫn nói tiếng Việt. Nếp sống hài hòa, đa văn hóa của gia đình chị như ngấm vào và trở thành tinh thần của ngôi nhà Liên Hoa.
Nhóm thực hiện
Bài: Xuân Thi Hình ảnh: Tường Huy