Thức trắng một (hoặc nhiều) đêm là một trong những việc mà đa số thế hệ chúng ta đang phải trải qua. Deadline tới gần, công việc chồng chất, nghĩa vụ với gia đình và ti tỉ những điều khác khiến chúng ta phải hy sinh giấc ngủ mà không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào ly cà phê để tỉnh táo cả đêm.
Tuy nhiên, những “cú đêm” đều biết rằng việc thức trắng cả đêm không hẳn sẽ hủy hoại chúng ta như mọi người vẫn tưởng, mà chính việc phải thức vào ngày hôm sau mới là điều đáng sợ nhất – cảm giác như thể bạn hoàn toàn kiệt quệ.
Nghiên cứu từ Đại học Texas A&M tiết lộ rằng việc bạn thức cả đêm để học bài hay chuẩn bị cho một dự án lớn luôn là lợi bất cập hại. Tiến sĩ David Earnest, giáo sư của Đại học Y khoa Texas A&M chuyên nghiên cứu về nhịp sinh học giải thích: “Hiệu ứng của việc mất ngủ ảnh hướng rất lớn đến khả năng làm việc của não bộ. Não của bạn trở nên kém năng suất hơn khi mỗi giờ thiếu ngủ trôi qua. Chỉ cần dành ít nhất 90 phút chợp mắt, bạn sẽ thấy sự khác biệt vào buổi sáng so với khi thức trắng hoàn toàn”.
Vậy thì làm thế nào để chúng ta có thể “sống sót” qua ngày hôm sau? Chúng tôi có vài lời khuyên cho bạn nhưng hãy nhớ rằng, chẳng có gì có thể thay thế một sự nghỉ ngơi thích đáng cả!
1. Ngủ bình thường vào ngày trước (và sau) khi thức trắng
Dù rất khó có thể bù đắp những giờ ngủ mà bạn đã bỏ qua nhưng hãy cố gắng ngủ bù vào đêm trước hoặc sau đêm thức trắng nhé. Theo Healthline, số giờ ngủ lý tưởng nhất mỗi ngày là từ 7 đến 8 tiếng. Nếu duy trì được con số này mỗi ngày, bạn sẽ hiếm khi gục ngã hoặc kiệt quệ trong những dịp phải thức trắng đêm.
2. Tránh ăn đồ ăn vặt có đường để giữ cho bản thân tỉnh táo
Thay vì chọn đường, hãy chọn các thực phẩm có chứa protein. Theo một nghiên cứu năm 2011 được công bố trên tạp chí Neuron, thực phẩm có chứa protein sẽ giữ cho bạn tỉnh táo, trong khi các loại thực phẩm chứa carb (như spaghetti và thức ăn vặt) sẽ khiến bạn buồn ngủ.
3. Uống thật nhiều nước
Hãy đảm bảo rằng bạn uống thật nhiều nước trong đêm thức trắng và vào ngày tiếp theo. Việc mất nước có thể khiến bạn thấy khó chịu, mệt mỏi, chậm chạp và hoạt động kém hiệu quả hơn thường ngày. Thế nên, hãy ưu tiên cho việc uống nhiều nước hơn khi bạn thiếu ngủ. Cố gắng uống 1 ly nước mỗi giờ trong đêm hoặc ít nhất đạt chỉ tiêu 8 ly nước mỗi ngày.
4. Bôi một ít tinh dầu bạc hà lên da của bạn
Nếu cảm thấy mất tập trung trên bàn làm việc, hãy thử bôi một ít tinh dầu bạc hà lên khuỷu tay hoặc phía sau tai. Một nghiên cứu vào năm 2005 trên Tạp chí Quốc tế về Tâm Sinh lý học tiết lộ rằng sự mát lạnh và mùi hương của tinh dầu bạc hà có thể giúp bạn cảm thấy tỉnh táo hơn ngay tức thì.
BÀI LIÊN QUAN
5. Trò chuyện phiếm
Theo Reader’s Digest, giữ cho bản thân bị xao nhãng bằng các cuộc hội thoại và các công việc khác có thể giúp bạn quên đi cảm giác mệt mỏi. Tiến sĩ Richard Shane, người sáng tạo ra phương pháp Sleep Easily chia sẻ: “Tham gia hoặc nói về những điều thú vị có thể kích thích tâm trí để bạn cảm thấy tỉnh táo hơn. Nếu bạn không hứng thú lắm khi phải nói chuyện với đồng nghiệp, hãy thử chơi những trò chơi trí tuệ như trò ô chữ hoặc sudoku.
6. Thường xuyên đi bộ trong ngày
Giữ cho máu trong cơ thể được lưu thông tuần hoàn là một trong những cách tốt nhất để chống lại sự kiệt sức. Một nghiên cứu năm 2016 xuất bản trong Tạp chí Quốc tế về Dinh dưỡng Hành vi và Hoạt động thể chất cho thấy rằng ngồi trong một thời gian dài sẽ làm tăng sự mệt mỏi, trong khi những động tác tập thể dục (ngay cả những bài tập có cường độ nhẹ như đi bộ) có thể dẫn đến tăng lưu lượng máu và tăng mức năng lượng tổng thể. Vì thế, hãy tìm cách đi lại thường xuyên và cố gắng bước đi nhanh khi có cơ hội trong ngày.
Nhưng trên tất cả, việc ngủ đủ giấc vẫn là quan trọng và tốt cho sức khỏe của bạn nhất. Những phương án trên chỉ được khuyến khích khi bạn không thể và không có thời gian dành cho giấc ngủ mà thôi.
Xem thêm:
Những giải pháp giúp cải thiện sự tập trung ngay cả khi đang mệt mỏi
Chỉ có những người quen sống bề bộn mới hiểu những điều này
Lâm An (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Elitedaily)
Nhóm thực hiện