Thời trang / Thế giới thời trang

Biến thời trang thành nghệ thuật

Việc các bảo tàng nô nức cho triển lãm thời trang đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, đưa các nhà phê bình nghệ thuật đi đến một câu hỏi: Liệu các trang phục có đáng được coi là một tác phẩm nghệ thuật?

Vừa qua, bảo tàng Victoria & Albert tại Luân Đôn có một đợt triển lãm lớn, giới thiệu các bộ sưu tập thời trang qua các thời đại, bao gồm cả những trang phục Haute Couture nổi tiếng nhất đến những món đồ biểu diễn trong nhiều thế kỉ. Các mẫu trang phục từ năm 1750 trở lại đây, với đủ chất liệu, đủ kiểu dáng và số phận khác nhau đã được tập trung lại, được trưng bày như những tác phẩm nghệ thuật.

Victoria & Albert cũng không phải là bảo tàng duy nhất thu hút khách bằng những đợt trưng bày sản phẩm thời trang. Hàng loạt bảo tàng khác trên khắp thế giới đã có động thái này từ nhiều năm trước.

Năm 2011, bảo tàng Somerset House cũng tại Luân Đôn đã cho tổ chức triển lãm “Masters of Style”, đánh dấu kỷ niệm 150 năm gắn bó giữa các nhiếp ảnh gia với các thương hiệu thời trang hàng đầu nước Ý, từ Armani, Ferragamo tới Prada. Tiếp đó, Louis Vuitton cho tổ chức hàng loạt đợt triển lãm: triển lãm “The Voyage” đi khắp thế giới, triển lãm “Louis Vuitton và Marc Jacobs” tại Musée des Arts Décoratifs và gần đây nhất là triển lãm “The Timeless Muses” tại Tokyo. Thương hiệu Alexander McQueen cũng không kém cạnh với triển lãm ”Savage Beauty” đình đám tại bảo tàng Metropolitan Museum ở New York – vốn là bảo tàng đầu tiên trên thế giới cho trưng bày các sản phẩm thời trang.

 

Triển lãm Louis Vuitton Jacobs
Triển lãm Louis Vuitton Jacobs

Và như để góp phần được nhận câu trả lời “Có”, thương hiệu Dior đã lôi kéo hàng trăm nghìn người tới xem triển lãm “Inspiration Dior” tại bảo tàng Pushkin (Nga). Ở đó, các nhà tổ chức đã đặt những chiếc đầm của nhà mốt này cạnh những tác phẩm nghệ thuật hiện đại nổi tiếng. Còn Chanel đã đưa triển lãm “Culture Chanel” qua các thành phố lớn tại Trung Quốc.

 

2

 

 

 

Không gian triển lãm Culture Chanel
Không gian triển lãm Culture Chanel

Dẫu vậy, các triển lãm này cũng được các nhà nghiên cứu thị trường chỉ ra đó chỉ là một chiêu quảng cáo câu khách lấy danh nghệ thuật. Bằng việc chứng minh rằng sản phẩm của mình là một tác phẩm có rất nhiều giá trị tinh thần, các thương hiệu đã nâng vị trí của họ lên và quyến rũ được không ít những người lâu nay coi hàng hiệu là một thú chơi thuần vật chất.

Phát biểu của ông Sidney Toledano, chủ tịch của hãng Christian Dior, cũng gián tiếp khẳng định cho quan điểm ấy: “Đó là một cách để nói lên tinh hoa, về nhà sáng lập, thương hiệu và lịch sử của nó. 150 nghìn người đến bảo tàng Pushkin sẽ hiểu rằng ngài Dior là một nghệ sĩ và có một cách để kết hợp chiếc đầm với nghệ thuật”.

Một mặt khác, từ phía các bảo tàng, có lẽ việc triển lãm thời trang đã trở thành một phương thức mới để kéo khách. Thời trang đã từ lâu không chỉ còn là áo, là quần, là món đồ người ta mặc, mà đã trở thành một lĩnh vực giải trí thực thụ. Các show diễn thời trang tràn ngập người nổi tiếng, chuyện các ngôi sao mặc gì đã thành điều quần chúng hết sức quan tâm. Kết quả là, thật khó có thể chỉ ra đích xác được người ta ùn ùn đến bảo tàng Metropolitan xem triển lãm ”The Savage Beauty” vì cái tên Alexander McQueen hay vì nghệ thuật nữa. Chỉ biết rằng, rõ ràng là bảo tàng Metropolitan đã thu được rất nhiều tiền vé, và có thêm vô khối người yêu thời trang biết đến mình.

Triển lãm The Savage Beauty của Alexander McQueen

 

5

 

Có lẽ, thật khó dể đưa ra lời giải thích chính xác cho việc tại sao ngày càng nhiều các triển lãm thời trang ra đời. Chúng ta chỉ cảm thấy rằng, không sớm thì muộn, những triển lãm thời trang cũng sẽ trở thành một việc thường niên, như các tuần lễ thời trang vậy.

Nhóm thực hiện

Bài: Huy Phương - Ảnh: Tư liệu
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)