Cá nhân tôi thì chưa bao giờ đồng ý với cách nghĩ cho rằng cứ có tiền thì phải đi làm từ thiện. Bản thân sự tiêu tiền đã là một cách hỗ trợ xã hội. Một món hàng được bán ra là một cơ hội để cho những người làm việc tạo ra món hàng đó có thêm thu nhập. Tất nhiên, nếu những người có tiền đi làm từ thiện thì càng tốt, họ sẽ tạo thêm cho những người không may mắn một cơ hội để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tôi luôn luôn tin một điều: Những người thực sự mang thiện tâm và mong muốn giúp đỡ người khác sẽ không chỉ trích những người không/chưa làm từ thiện. Lòng tốt là một điều tự nhiên, và nó sẽ chỉ có thể nhân lên bởi lòng tốt và sự động viên theo chiều hướng tích cực chứ không phải là bởi sự chỉ trích. Người muốn làm điều thiện thực sự luôn thấy đó là điều họ cần làm từ chính nhu cầu muốn chia sẻ với mọi người từ nội tại, không phải do ai khích bác. Thiện tâm đó luôn được hình thành từ một quá trình học hỏi, trưởng thành và sự thấu cảm. Nếu sống giữa những người tốt, chúng ta dễ có xu hướng trở thành người tốt như vậy, và chúng ta cũng sẽ ảnh hưởng đến những người khác theo chung cách ấy.
Tôi nhớ cách đây ít lâu, có một người trên đăng trên Facebook của anh ấy, đại ý rằng: “Với các bạn 2 triệu đồng có thể chỉ là một nửa cái quần hay một bữa ăn, nhưng với người khác là tiền ăn một tháng. Sao các bạn không bớt phần ích kỉ và cho người khác cơ hội bằng việc ủng hộ cho ABC… ?”. Một lời khuyên vô hại bắt nguồn từ ý muốn tốt đẹp, chắc chắn rồi. Tuy vậy, cũng không có gì khó hiểu khi có những comment cho rằng việc họ không muốn cắt nửa cái quần và bữa ăn của họ (với đồng tiền họ làm ra) không có nghĩa là họ ích kỷ. Họ đã nộp thuế cho nhà nước, họ đã đóng bảo hiểm xã hội… nghĩa là họ đã đóng góp cho cộng đồng rồi. Bạn có muốn tranh cãi với những người nói như vậy không? Riêng tôi thì không.
Đơn giản vì như tôi đã nói, việc làm tốt thực sự luôn bắt đầu từ nhu cầu nội tại. Ai đó muốn làm điều tốt thì họ sẽ làm. Họ không làm hại ai thì bản thân đó đã là một điều tốt đẹp rồi. Việc bạn gọi ai đó là ích kỷ đôi khi sẽ khiến họ không còn muốn quan tâm tới việc thiện mà bạn đang kêu gọi họ làm nữa. Một ví dụ khác, từ chính bản thân tôi. Tôi bắt đầu hình thành thói quen dành một phần thu nhập hàng tháng của mình để ủng hộ các tổ chức nhân đạo bởi một lý do rất đơn giản: Tôi gặp một người mẹ khuyên con mình bỏ ống heo hàng tháng để quyên góp cho chùa. Với chị, đó là hành động không chỉ để giúp nhà thờ có tiền giúp trẻ mồ côi, mà là cách để con mình trở thành người tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Và việc làm ấy, cũng khiến tôi nhận ra tôi cũng cần trở thành người tốt đẹp hơn.
Người mẹ ấy đã thay đổi tôi, mà không cần phải chỉ: Lâu nay bạn ít nghĩ tới thế giới xung quanh quá, hãy bắt đầu chia sẻ khó khăn với mọi người để hạnh phúc hơn đi. Và vì không bị ai chỉ trích, nên tôi cũng nhẹ nhàng “tự tha thứ” cho mình nếu tháng nào đó tôi kẹt tiền nên không ủng hộ cho tổ chức nào cả. Đôi khi ta cũng cần bỏ qua cả sự chỉ trích chính mình như vậy đấy. Tất nhiên, một trong những chiêu thức PR hiệu quả mà các công ty vẫn thực hiện là đem tiền đi làm từ thiện. Và có những đất nước chọn việc hỗ trợ cho nước khác bao nhiêu tiền như một tuyên ngôn chính trị. Nhưng với các cá nhân con người, nếu ta thực sự coi việc hỗ trợ những người không may mắn hơn mình là điều mình cần phải làm, thì cứ làm. Ta cứ nỗ lực để những mong muốn tốt đẹp của mình trở thành sự thật, và cứ nhìn vào những điều tốt đẹp thôi. Tự những việc tốt đã có một ánh hào quang cảm hóa mọi người, không cần phải chỉ trích những ai chưa kịp làm việc thiện. Một ngày nào đó, họ sẽ làm, bằng cách này hay cách khác.
Nhóm thực hiện
Blog Phương Huyên Ảnh tư liệu