Thời trang / Thế giới thời trang

Nhựa dẻo – thời trang hay nỗi lo môi trường

Sự phổ biến của nhựa dẻo trong ngành công nghiệp thời trang đã trở thành xu hướng đồng thời đem lại nhiều nỗi băn khoăn trong vấn đề bảo vệ môi trường thế giới.

ô nhiễm môi trường

Ngành thời trang thế giới đang “phát cuồng” với vật liệu nhựa, đặc biệt trên các sàn diễn cao cấp Xuân – Hè 2018 của các nhà mốt cũng đã chứng kiến sự đổ bộ đầy mạnh mẽ của những thiết kế sử dụng chất liệu này. Nhựa ở khắp mọi nơi và trong mọi ngõ ngách của cuộc sống, song hành với sự phổ biến đó chính là tỷ lệ rác thải, đặc biệt là lương rác thải ra đại dương ngày càng tăng.

Vào ngày 8/6 vừa qua, Ngày Đại dương Thế giới đã được tổ chức nhằm nhắc nhở con người quan tâm hơn tới những giá trị của đại dương, đặc biệt trong năm nay khi vấn đề về rác thải tích tụ trên đại dương nhận được sự quan tâm rất lớn của thế giới. Ngành công nghiệp thời trang cũng không nằm ngoài cuộc khi sự xuất hiện ngày càng mạnh mẽ của làn sóng thời trang “trong suốt” cùng các sản phẩm sản xuất từ nhựa dẻo với sự nở rộ của cảm hứng “futuristic” thời gian gần đây.

nhựa dẻo

Show diễn Xuân – Hè 2018 của thương hiệu Chanel trình làng hàng loạt thiết kế với chất liệu nhưa trong suốt. (Ảnh: Getty Image)

Trong khuôn khổ sự kiện của Ngày Đại dương Thế giới vừa qua, Lucy Yeomans của công ty Net-a-Porter đã và đang tiên phong trong việc giải quyết “cơn nghiện nhựa dẻo” của làng thời trang. Nhưng đó chỉ mới là khởi đầu của một hành trình dài phía trước.

Yeomans đã có mặt tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc tại Newyork vào ngày thứ 6 (8/6/2018) với Parley for the Ocean, một tổ chức giải quyết khủng hoảng nhựa toàn cầu, để cùng thảo luận về tác hại của ô nhiễm chất thải nhựa đối với môi trường. Công ty Porter phối hợp với tổ chức Parley cùng đại sứ kiêm cộng tác viên biên tập của họ, người mẫu Anja Rubik hiện tại đang dành hết tâm sức cho vấn đề này.

nhựa dẻo

Đại sứ của Parley – người mẫu Anja Rubik phát biểu tại Liên Hiệp Quốc trong Ngày Đại dương Thế Giới 2018. (Ảnh: @anja_rubik / Instagram)

Số tạp chí được phát hành trong tháng này của Porter sẽ được giao trong bao giấy thay vì bao bì nhựa thông thường. Công ty này sẽ chuyển sang sử dụng chất liệu giấy đóng gói cho toàn bộ các bưu kiện của mình trong tương lai. Đó là một phần cam kết của công ty nhằm mục tiêu loại bỏ vật liệu nhựa không cần thiết. Các buổi chụp hình tại đây hiện nay cũng phải là những khu vực không nhựa dẻo (plastic-free zones), không chai nhựa, ly cà phê hay dao kéo loại dùng một lần, tương tự với không gian văn phòng tại Porter. Yeomans, người đồng thời là giám đốc nội dung toàn cầu của Tập đoàn Yoox Net-a-Porter cho biết: “Tôi không thể tìm thấy dù là một chai nhựa trên bàn làm việc ở đây”.

Nhưng để cân bằng một ngành công nghiệp thời trang, mà theo như Giám đốc điều hành Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc viết trên The Guardian là một “thảm họa nhựa dẻo” toàn cầu, thì sẽ cần nhiều hơn chỉ là một lệnh cấm chai nhựa. Ngành thời trang mỗi năm đang rút kiệt ngày càng nhiều nguyên liệu thô từ trái đất để sản xuất vô số sản phẩm nhựa nguyên chất. Những sản phẩm đó sẽ kết thúc vòng đời của chúng tại các bãi rác hoặc dưới đáy đại dương nơi mà chúng sẽ tốn hàng thập kỷ để phân hủy. Đây chỉ mới là một khía cạnh của vấn đề.

nhựa dẻo

Những mẫu thiết kế với chất liệu nhựa trong suốt xuất hiện trên sàn diễn của các thương hiệu danh tiếng. (Ảnh: Getty Image)

Theo khảo sát thực tế của Orb Media vào năm 2017 được chia sẻ trên The Guardian, 83% các mẫu nước máy từ nhiều quốc gia được gửi đến cho các nhà khoa học bị nhiễm bẩn bởi các vi sợi nhựa.

Livia Firth, một nhà vận động vì môi trường đồng thời là người sáng lập công ty tư vấn bền vững Eco-Age, chia sẻ: “Giờ chúng tôi đã biết rằng sự giải phóng các sợi microfiber trong chu trình giặt tổng hợp là một vấn đề thực sự. Nhiều thương hiệu thời trang giá rẻ “ăn liền” đã pha sợ tổng hợp để sản xuất hàng tỷ sản phẩm nhằm giảm chi phí. Cần nhiều nỗ lực để có thể tái lập vị trí của sợi tự nhiên trong ngành công nghiệp thời trang”.

Đó là một công việc vô cùng khó khăn, đặc biệt khi phong cách bóng bẩy, “sáng trong” mà nhựa vinyl, PVC và chất liệu da bóng đem lại đã trở thành xu hướng chủ đạo của năm 2018.

nhựa dẻo

Những sáng tạo không ngừng được ra đời với chất liệu nhựa dẻo. (Ảnh: all4women)

Nhà sáng lập của Parley, Cyrill Gutsch cho biết các nhà thiết kế và thương hiệu cần phải dứt bỏ “cơn nghiện nhựa dẻo”. Tổ chức này ủng hộ chính sách “tránh – chặn – thiết kế lại”: ngừng sử dụng nhựa nguyên chất, thu thập “nhựa đại dương” tích tụ ở đáy biển; và tái chế nó thành vật liệu và hàng dệt may mới.

Một số nhà thiết kế và thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường đang lắng nghe thông điệp này. Stella McCartney, người đã làm việc với Parley vào năm 2016 để tạo ra những mẫu giày thể thao từ “nhựa đại dương” cho Adidas, hiện đang sử dụng sợi polyester tái chế và Econyl (dạng sợi nylon tái chế 100%) được làm từ nhựa công nghiệp, vải thải và lưới đánh cá trong một số phụ kiện và áo khoác ngoài, với cam kết ngừng sử dụng mọi loại nylon nguyên chất vào năm 2020.

nhựa dẻo

Mẫu giày thể thao được làm từ “nhựa đại đương”. (Ảnh: cnbc)

Năm ngoái, H&M đã sử dụng một khối lượng tương đương 100 triệu chai nhựa PET trong sợi polyester tái chế khắp các sản phẩm của mình. Nhãn hiệu này cũng tung ra những trang phục được làm từ chất thải tái chế trên bờ biển, một vật liệu mới có tên là Bionic và hợp tác trong một dự án ở Indonesia có tên Bottle2Fashion với mục tiêu biến chất thải nhựa tái chế thành sợi tổng hợp polyester.

Marks & Spencer đã tự đặt ra “mục tiêu đơn giản” là chỉ sử dụng nhựa trong kinh doanh khi nó có “một lợi ích rõ ràng và có thể chứng minh được”. Những bao nhựa của 500.000 mẫu áo cashmere jumper mà họ đang bán sẽ được tháo gỡ toàn bộ. Nhãn hiệu cũng đã tung ra một chiếc máy đóng gói sử dụng polyester tái chế 50% có nguồn gốc từ các chai nhựa đã qua sử dụng. Đây là một phần trong kế hoạch phát triển bền vững, với cam kết sản xuất ít nhất 25% quần áo và sản phẩm gia dụng từ nguyên liệu tái sử dụng hoặc tái chế vào năm 2025.

Mặc dù đây là các động thái tốt đến từ các doanh nghiệp, nhưng về mặt quy mô chúng hầu như không đáng kể. Năm nay Adidas thông báo rằng họ đã bán được 1 triệu đôi giày sản xuất từ “nhựa đại dương”. Đó là một con số khả quan ngoại trừ việc có 403 triệu đôi được công ty này sản xuất vào năm 2017 theo thống kê của statista.com. Câu hỏi đặt ra ở đây là, 403 triệu đôi giày này sẽ đi về đâu khi kết thúc vòng đời sản phẩm và bị đào thải vào năm 2019, nó sẽ về trong các ngăn tủ hay sẽ xuất hiện trong các bãi rác.

ô nhiễm môi trường

Biểu tượng thời trang Rihanna diện đôi giày theo xu hướng “trong suốt”. (Ảnh: cosmopolitan)

Giulio Onazzi, CEO và chủ tịch của Aquafil, một công ty biến đổi “nhựa đại dương” và rác thải thành vải dệt chia sẻ: “Thách thức cho tương lai là tạo ra một thế giới nơi các thương hiệu tạo ra các sản phẩm, người tiêu dùng sử dụng chúng và sau đó trả lại cho nhà sản xuất để tạo ra sản phẩm khác. Đối với tôi, đây không chỉ là việc tránh sử dụng nhựa. Cần phải có một sự thay đổi về cơ bản trong cách chúng ta tiếp cận việc thiết kế sản phẩm. Chúng ta phải suy nghĩ về sự kết thúc của vòng đời sản phẩm, khi mà chúng được ngừng sử dụng thì điều gì sẽ xảy đến tiếp theo? Nếu các sản phẩm này dừng lại tại các bãi rác thải hay lấp đầy đại dương thì chúng ta không nên tạo ra chúng”.

Yeomans đã rất vui sướng khi được thực hiện trách nhiệm truyền tải một phát biểu tương tự: “Ngoài những hành động thiết thực, việc truyền thông điệp đến mọi người là một trong những điều quan trọng nhất mà chúng tôi có thể thực hiện. Là thành viên của ngành công nghiệp thời trang, tôi hy vọng rằng với những gì chúng tôi làm trong tuần này và trong thời gian tới, chúng tôi có thể củng cố thông điệp rằng nhựa không phải là vật liệu tuyệt vời”.

Xem thêm:

ELLE Style Calendar: Làm sao để mặc màu xanh lá thật phong cách? (11/6 – 17/6)

Dấu chân tuổi trẻ trên sàn diễn của Dior

Nhóm thực hiện

Kim Chi (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Hình ảnh: Tổng hợp/ Tham khảo: The Guardian)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)