Thời trang bền vững đang được coi là xu thế của thời đại mới, đặc biệt trong bối cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như hiện nay. Nhưng chưa có câu trả lời cụ thể nào cho những người hâm mộ thời trang để xây dựng một phong cách bền vững đúng đắn.
Trong Hội nghị thượng đỉnh thời trang Copenhagen, nhà khoa học tại Hội đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên Linda Greer đã có những chia sẻ đến những người quan tâm đến thời trang bền vững. Bạn sẽ bất ngờ vì những điều bạn cần làm và có thể làm đơn giản hơn những gì bạn vẫn nghĩ.
(Ảnh: greenearthcleaning)
Bạn không cần phải biết tất cả
Khi nhắc đến thời trang bền vững, nhiều người băn khoăn với việc nhận biết các thông tin cần thiết, những thứ họ nên và không nên mua. Trên thực tế, chưa có một câu trả lời cụ thể nào cho những câu hỏi này.
Tuy vậy, bà Greer chia sẻ: “Chúng tôi không muốn bạn cần đến một quyển bách khoa toàn thư trong đầu. Chúng tôi không muốn mọi người mua sắm theo cách này. Những gì chúng tôi muốn là ngành công nghiệp thời trang thay đổi”.
Vì vậy, bạn không cần bận tâm đến những thông tin về thời trang bền vững, điều quan trọng là những hành động tích cực để xây dựng một ngành thời trang bền vững cho cộng đồng.
(Ảnh: Getty Images)
Tận dụng sức mạnh của cộng đồng
Bà Linda Greer chia sẻ: “Người tiêu dùng hoàn toàn có sức mạnh để thay đổi ngành công nghiệp”. Người tiêu dùng cần nhận thức được thực trạng ô nhiễm do ngành công nghiệp thời trang đem lại và cất lên tiếng nói để các thương hiệu thật sự chú trọng đến vấn đề này.”
Theo bà Linda Greer, mọi người không nghĩ về việc thời trang có trách nhiệm lớn trong việc phát thải gây ô nhiễm môi trường. Nhiều người nhận định các chất thải xuất phát từ các hoạt động đời sống, phát sinh trong quá trình di chuyển, nhưng không có carbon trong thời trang.
Theo báo cáo của Pulse of Fashion Industry vào năm ngoái, ngành thời trang đã thải 1,715 triệu tấn CO2 trong năm 2015. Ngành công nghiệp này cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm nước thứ 2 sau chất thải công nghiệp tại Trung Quốc.
Thời trang thật sự gây ảnh hưởng đến môi trường và người tiêu dùng cần nhận thức và lan tỏa điều này đến cộng đồng để hướng tới thời trang bền vững. Việc bạn có thể làm chính là vận dụng sức mạnh của các trang mạng xã hội với độ phổ biến và tính kết nối cao để cho nhãn hàng biết rằng bạn quan tâm tới vấn đề này. Các thương hiệu sẽ không thể làm ngơ trước một mối quan tâm chung.
(Ảnh: fashionfilesmag)
Sử dụng ngân sách hiệu quả
Thay vì sử dụng ngân sách của mình để mua một chiếc áo thun cotton hữu cơ đắt tiền được sản xuất tại Mỹ, hãy cân nhắc quyên góp cho một trong những tổ chức phi lợi nhuận đang có các hoạt động tích cực vì thời trang bền vững.
Nhiều chuyên gia đang làm việc chăm chỉ để biến đổi ngành thời trang hiện tại thành nơi mọi người có thể mua sắm một cách “bền vững”. Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) đã thuyết phục thành công các thương hiệu loại bỏ các hóa chất độc hại trong quy trình sản xuất của mình. Canopy đang cứu những loài cây nhiệt đới nguy cấp khỏi việc bị khai thác và chế biến thành sợi vải viscose. Hội đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (NRDC) cũng đang cố gắng để làm sạch chuỗi cung ứng của các thương hiệu thời trang.
(Ảnh: allofeco)
Đừng bận tâm đến việc tẩy chay
Nhiều người đã tuyên bố sẽ không tiếp tục mua và sử dụng các sản phẩm từ các thương hiệu liên quan đến những vấn đề gây hại cho môi trường. Trên thực tế, điều đó không thật sự giúp khắc phục vấn đề.
Bà Greer nêu lên: “Những người mua không quan tâm và những người quan tâm không mua. Điều đó không hề tốt. Chúng tôi cần những người mua tạo nên tác động. Nếu bạn không mua, thì bạn không đứng tại vị thế để tạo nên sự thay đổi”.
Các thương hiệu sẽ không lắng nghe một người với tuyên bố rằng: “Tôi chưa bao giờ mua sắm ở đây và cũng sẽ không bao giờ làm điều đó”. Sẽ hiệu quả hơn khi bạn liên lạc với công ty và để lại lời nhắn: “Tôi sẽ tiếp tục mua sản phẩm từ quý công ty nếu các vị có động thái khắc phục vấn đề này”. Nhãn hàng quan tâm đến khách hàng của mình và những đề xuất trên cương vị là khách hàng của họ sẽ khiến họ phải cân nhắc.
(Ảnh: libre2fashion)
Hãy hỏi về những điều bạn quan tâm
Theo nhà khoa học Linda Greer: “Họ muốn mọi người đến mua thương hiệu của mình, không chỉ bởi vì đó là một chiếc áo đẹp, mà vì điều nó đại diện, vì ý thức về bản sắc… Điều đó khiến họ nhạy cảm với khách hàng quan tâm về những tác động bền vững của những gì họ đang làm.”
Các thương hiệu thời trang ngày nay đang nỗ lực để xây dựng và phổ biến hình ảnh thương hiệu của mình đến cộng đồng. Những câu hỏi đến từ khách hàng sẽ là điều được các nhà thiết kế lắng nghe và tiếp thu để có thể phát triển sản phẩm của mình. Vì vậy, những câu hỏi mà bạn quan tâm về thời trang bền vững hoàn toàn có thể giúp cho các nhà sản xuất chú ý hơn đến vấn đề này.
Hãy để các thương hiệu biết suy nghĩ của bạn. Đừng ngại gửi những câu hỏi qua email hoặc các trang mạng xã hội về những gì họ đang làm để cải thiện tính bền vững và hiện trạng các nhà máy cung cấp nguồn cho sản phẩm của họ. Việc đặt các câu hỏi sẽ thể hiện rằng bạn đang chú ý đến các động thái của thương hiệu và khiến họ cân nhắc việc thay đổi hướng đến thời trang bền vững một cách nghiêm túc hơn.
(Ảnh: Caique Silva)
—
Xem thêm:
Metiseko – Lối sống và văn hóa Việt trong thời trang bền vững
Dana Cohen – Người trẻ sáng tạo đeo đuổi thời trang bền vững
Nhóm thực hiện
Kim Chi (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE / Tham khảo: Refinery29/ Hình ảnh: Tổng hợp)