Xin chúc mừng bạn! Vậy là bạn đã có cuộc hẹn phỏng vấn cho công việc yêu thích của mình. Bên cạnh chuẩn bị kỹ lưỡng về trang phục, kiến thức, kỹ năng… thì việc chú ý những điều nên làm khi đi phỏng vấn xin việc được gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn tự tin hơn trong cuộc hẹn quan trọng này.
Có mặt trước giờ hẹn 30 phút
Bạn nên đến sớm tầm 30 phút trước giờ hẹn để chuẩn bị tinh thần thật tốt trước khi bước vào cuộc phỏng vấn xin việc. Khi đến nơi, bạn có thể thư giãn trong 20 phút, uống chút cà phê hoặc đi bộ nhẹ nhàng để ổn định tinh thần. Bạn nên tránh tình trạng đến trễ, điều đó sẽ gây mất điểm nghiêm trọng trước nhà tuyển dụng.
Hãy là chính mình
Hãy cứ là chính mình khi bước vào cuộc phỏng vấn xin việc. Bạn không cần phải cố tỏ ra mình là một người hoàn hảo để mong thỏa mãn mọi điều từ nhà tuyển dụng. Chúng ta là con người với những ưu khuyết riêng nên bạn không cần quá căng thẳng nếu mình không biết hay không giỏi điều gì đó. Quan trọng là bạn xác định được thế mạnh của mình và thể hiện thật tốt là được.
Tìm hiểu về công việc và công ty
Trước buổi phỏng vấn xin việc, bạn nên tìm hiểu thật kỹ về công ty mà bạn nộp đơn vào. Điều đó sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về môi trường làm việc cũng như tự đánh giá được xem mình có phù hợp không. Nếu có điều gì còn khúc mắc, bạn có thể đặt câu hỏi thêm với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn. Bằng cách đó, bạn sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá cao cũng như không mất thời gian cho đôi bên.
Không nên ngắt lời người phỏng vấn
Đôi khi vì quá hồi hộp hoặc biết trước câu hỏi mà họ định hỏi mà bạn có thể ngắt lời người phỏng vấn trong vô thức. Do đó, bạn nên kiên nhẫn chờ cho đến khi người phỏng vấn nói hết câu. Điều đó thể hiện sự lịch sự và tôn trọng những gì họ nói.
Nên đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng
Bên cạnh việc lắng nghe và trả lời câu hỏi từ nhà tuyển dụng, bạn cũng nên đặt câu hỏi thêm về công ty và công việc bạn sẽ làm nếu được ứng tuyển. Bạn có thể hỏi về thời gian làm việc, lịch trình một ngày làm việc như thế nào, chiến lược sắp tới công ty, mục tiêu công ty, văn hóa công ty, thách thức bạn sẽ đối mặt cùng công ty khi được tham gia… Tất cả những câu hỏi đó sẽ giúp bạn hiểu rõ để cân nhắc thêm cũng như thể hiện rằng bạn quan tâm đến công việc này.
Thành thật về những gì bạn không biết
Nếu bạn không biết về điều gì hay lĩnh vực nào mà nhà tuyển dụng hỏi, hãy cứ thành thật trả lời rằng bạn chưa có kinh nghiệm về điều đó và bạn sẽ sẵn sàng học hỏi và trau dồi. Đôi khi kỹ năng hay kiến thức là yếu tố cần thiết để ứng tuyển công việc bạn nộp đơn, nhưng nếu bạn thể hiện mình là một người ham học hỏi, thì bạn vẫn được nhà tuyển dụng cân nhắc thêm.
Không nói xấu đồng nghiệp hay công ty cũ
Sự thật là không ai muốn thuê một người lúc nào cũng than thở và phàn nàn cả. Có thể công việc trước đây của bạn khá vất vả và nhiều kỷ niệm xấu, đó là điều hoàn toàn bình thường, nhưng bạn không nên thể hiện điều đó trước mặt nhà tuyển dụng. Họ có thể cho rằng bạn cũng có thể làm điều tương tự với họ trong tương lai.
BÀI LIÊN QUAN
Không nên cư xử như một “ngôi sao”
Bạn không nên thể hiện rằng mình có thể làm hết mọi thứ mà không cần đội nhóm bên cạnh. Nếu bạn không thể làm việc nhóm tốt thì họ sẽ e ngại khi tuyển dụng bạn. Bên cạnh khả năng làm việc độc lập, bạn cũng nên cho họ thấy mình có thể hòa nhập tốt với những đồng nghiệp trong công ty để cùng tạo nên một tập thể mạnh, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Sử dụng nước hoa vừa phải
Mùi hương nhẹ nhàng là đủ cho một cuộc phỏng vấn xin việc. Đôi khi không dùng gì cả thì tốt hơn vì điều bạn cần tập trung là trao đổi về công việc chứ không phải là để mọi người phân tích xem bạn đang sử dụng hương nước hoa nào.
Tập trung vào câu hỏi của nhà tuyển dụng
Bạn nên tập trung trả lời những câu hỏi đưa ra từ nhà tuyển dụng vì họ sẽ đưa bạn đi đúng hướng của cuộc phỏng vấn hơn, thay vì chỉ chăm chăm trả lời những câu hỏi bạn muốn được hỏi.
Không nên chia sẻ những thông tin cá nhân quá riêng tư
Bạn không nên tiết lộ những thông tin quá riêng tư như chuyện gia đình, chuyện tình cảm…Điều đó sẽ gây mất thời gian cho nhà tuyển dụng và họ cũng không cần nghe chúng. Mặt khác, đôi khi những thông tin đó có thể là thông tin bất lợi chống lại bạn trong tương lai.
Không nên hỏi câu “vậy sau đó tôi phải làm sao?”
Câu hỏi này tựa như bạn đang hỏi: “Vậy thì rốt cuộc tôi có được nhận không vậy?”. Câu hỏi khá ngây thơ này thường khiến những nhà tuyển dụng bối rối, và thường họ sẽ trả lời bạn một cách lịch sự như: “Cảm ơn bạn đã đến cuộc phỏng vấn xin việc, chúng tôi cần xem xét lại các câu trả lời và cân nhắc thêm”. Đó cũng thường là câu mà những người không tự tin thường hỏi.
—
Xem thêm:
Lời khuyên từ chuyên gia để mặc đẹp khi đi phỏng vấn xin việc
20 lời khuyên ăn mặc phù hợp với công việc giúp bạn ghi điểm trong mắt người khác
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Ngọc Võ Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/thisisinsider