Cuộc trò chuyện diễn ra tại căn hộ của chị ở Paris. Tôi đến vào sáng sớm, chị xuống tận cửa đón. Trời mùa đông rất lạnh nhưng ngay lập tức tôi cảm nhận sự ấm áp trong nụ cười của chị, sự ấm cúng, thân thiện của căn hộ nhỏ nơi chị ở.
Câu chuyện của chúng tôi đối lập với ngôi nhà bình lặng. Vừa chuẩn bị cơm trưa như bà nội trợ đích thực, chị vừa kể tôi nghe các dự án đã và đang thực hiện: Tủ sách điện ảnh với ba đầu sách mỗi năm, kịch bản phim truyền hình đã viết xong, đang hoàn tất kịch bản phim chiếu rạp…
Tôi hỏi chị có mệt? Chị cười: Được mệt vì công việc yêu thích là hưởng thụ cuộc sống rồi. Nghỉ ngơi với chị là… nhảy từ việc này sang việc khác, như đang viết báo nhảy qua viết kịch bản, đang viết kịch bản nhảy qua biên tập sách, đang biên tập sách nhảy qua nấu cơm…
Khi chị làm phim, anh nuôi bé Hài Anh và chăm sóc gia đình. Làm con thoi giữa Việt Nam và Pháp, chị nghĩ gì trước sự vất và của người thân?
Việt Linh (VL) Luôn thấy mình có lỗi, nhưng biết cách chuộc lỗi khi có dịp. Bạn thấy ngôi nhà này có thiếu bàn tay phụ nữ không? Vấn đề không phải bạn ở đâu, mà tâm tư, hồn vía bạn ở đâu.
Tủ sách điện ảnh đã ra mắt độc giả 12 tác phẩm thẩm định và khơi gợi nhiều điều thú vị dưới góc nhìn sâu sắc của những nhà chuyên môn. Trong vai trò chủ biên, do đâu chị duy trì được cảm hứng và sự hợp tác với các cộng sự xuất sắc như vậy?
VL Tôi rất thích một tựa bài trên báo Tuổi trẻ của phóng viên Thúy Nga Gọi nhau lời hay. Tủ sách điện ảnh là một lời gọi hay trong tình hình điện ảnh Việt Nam thừa báo nhưng lại thiếu sách. Khi có lời hay thì mọi người sẽ góp tay, cũng như bạn sẽ góp tay với những lời hay khác. Xã hội sẽ hay khi chúng ta biết gọi nhau lời hay.
Chị đã khen Bi, đừng sợ, chị nhìn thấy điều gì ở hiện tượng Phan Đăng Di, ở các đạo diễn trẻ hiện nay?
VL Tôi thích Bi, đừng sợ của Phan Đăng Di bởi khả năng gây rung cảm và gợi cảm của nó – một trong những tuyệt tính của nghệ thuật mà không phải ai cũng làm được. Điện ảnh Việt Nam đang có một lớp trẻ đáng kỳ vọng, trong đó có Phan Đăng Di. Tôi chỉ thầm mong các bạn trẻ tôi luyện và bền chí với mục tiêu mình đã chọn.
Nhiều người trẻ thích chơi với chị, thân thiết với chị. Và bản thân chị cũng trẻ hơn tuổi, ít ra là phong thái. Nhờ đâu vậy?
VL (cười) Chơi với người già để thấy mình trẻ. Chơi với người trẻ để thấy mình cũng trẻ. Nói đùa thôi, tôi thấy vui khi làm được những điều tử tế. Lại luôn học cách nắm, buông để lòng thanh thản. Sống dễ, nhưng cũng thật khó.
Với chị, cái gì là khó nhất trong cuộc sống?
VL Xin lỗi và tha thứ. Xin lỗi hay tha thứ đều cần sức mạnh. Phải đến một tuổi nào đó con người mới đủ sức mạnh này.
Trong một bài báo, chị từng nói mình muốn giống… cây dừa. Và viết lách với chị giống như những cuộc ăn chay?
VL Bởi dừa là thứ cây không quý hiếm nhưng hữu dụng, cái gì của cây cũng xài được hết. Tôi không quá duy tâm, nhưng mỗi khi trong thân nhân, bè bạn có ai gặp nạn, tôi thường nguyện ăn chay một thời gian. Có thể việc làm đó vô ích nhưng nó giúp tôi thấy mình được chia sẻ, bớt đi cảm giác bất lực. Những cuộc “ăn chay” trong viết lách của tôi cũng ở tinh thần như vậy.
Sau thời gian ngưng làm phim vì sức khỏe, có vẻ như chị đã có thể làm phim lại nếu chị muốn, nhưng cũng có vẻ như chị chọn cuộc sống yên tĩnh vì gia đình?
VL Đúng là tôi có e ngại cho sức khỏe. Đạo diễn phim là một nghề nhọc nhằn, đặc biệt ở Việt Nam, lỡ bất trắc thì cực khổ gia đình. Con tôi lại còn quá nhỏ. “Ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập hành như nguyện”, tôi đang nằm giữa hai tuổi đó để hiểu mình muốn gì và cần phải làm gì để đóng góp cho xã hội, huống chi tôi vẫn được làm những công việc mà mình yêu thích. Tôi vẫn… động đậy trong sự yên tĩnh đấy chứ.
Chị có nghĩ phụ nữ đôi khi phải dừng lại, cho dù máu nghệ sĩ và khát vọng khai phá khiến chị luôn day dứt?
VL Bạn chạm vào gót chân asin của tôi rồi (cười). Đúng là máu đạo diễn trong tôi vẫn còn sôi sục, nhưng tôi cũng có cách. xài nó: viết kịch bản bằng tư duy đạo diễn, để người cầm kịch bản làm phim dễ dàng hơn. Và cũng phải có cách… kìm hãm nó: “Thôi nhé, mày đã có một thời rồi, hãy biết tránh lên lề và chào đón người đi sau như đã từng được chào đón!”. Lên lề để đi chậm chứ không phải đứng lại. Nếu muốn có ích, con người sẽ có ích, ngay cả khi nhắm mắt. Đúng không?
Nhóm thực hiện
Bài: HươngColor - Ảnh: Nguyên Á