Rối loạn ăn uống, chứng bệnh tâm lý có thật nhưng vẫn còn nhiều cái nhìn chưa chính xác từ cộng đồng. Nhiều người nói rằng đây là bệnh “giả vờ” của những kẻ thích gây sự chú ý cho bản thân. Vì lẽ đó nên tỉ lệ người hiện đang mắc bệnh rối loạn ăn uống là khá cao, khoảng 30 triệu người chỉ tính riêng tại Mỹ (Theo Hiệp hội về căn bệnh Rối loạn ăn uống Quốc gia). Chưa kể con số thực tế còn lớn hơn do nhiều bệnh nhân không biết hoặc không thừa nhận mình đang mắc chứng bệnh này.
Trong thời đại của công nghệ thông tin, những hình ảnh có vẻ hoàn hảo được tuyên truyền khắp nơi đã vô tình làm chúng ta tự ti hơn về vẻ đẹp ngoại hình. Từ đó những cảm xúc tiêu cực bắt đầu tràn đến, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày, cụ thể ở đây là ăn uống. Có người bỏ đói bản thân vì luôn cảm thấy mình thừa cân hoặc ăn quá nhiều vì cảm thấy buồn chán. Tất cả đều là những triệu chứng nên được nhìn nhận nghiêm túc, bệnh nhân phải được giúp đỡ kịp thời để phòng tránh những hậu quả nghiêm trọng về sau.
Biếng ăn tâm lý
Biếng ăn tâm lý hay còn được biết với tên tiếng Anh là anorexia nervosa là một dạng bệnh của rối loạn ăn uống. Bệnh nhân mắc biếng ăn tâm lý chủ yếu là phụ nữ nhưng cũng có cả tỉ lệ đàn ông cũng rất đáng được quan tâm. Nguyên nhân mắc bệnh thường xuất phát từ tâm lý tự ti, luôn nghĩ mình thừa cân mặc dù bản thân hoàn toàn khỏe mạnh. Thậm chí có người vẫn mắc bệnh biếng ăn tâm lý khi có thể trạng thiếu cân hoặc suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó, người bị bệnh trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và lạm dụng chất kích thích cũng là đối tượng của biếng ăn tâm lý.
Một số triệu chứng biểu hiện bên ngoài của biếng ăn tâm lý là chán ăn, thường xuyên bỏ bữa, giảm cân nhanh, da và tóc xấu đi vì cơ thể thiếu chất. Về tâm lý, họ thường có xu hướng ám ảnh về ngoại hình. Họ hay tự ti và cho rằng mình bị thừa cân, ăn uống thì sợ thực phẩm chứa quá nhiều năng lượng. Một số cá nhân còn ám ảnh đến mức thuộc cả chỉ số năng lượng của thực phẩm và luôn giới hạn ở mức cơ thể thực sự cần.
Ngoài ra, hậu quả của biếng ăn tâm lý không chỉ dừng lại ở sụt cân mà căn bệnh còn gây ảnh hưởng khác như các nội tiết tố trong cơ thể không hoạt động bình thường, thiếu máu, tim đập nhanh… Trong nhiều trường hợp nghiêm trọng, biếng ăn tâm lý có thể là nguyên nhân tử vong. Thực tế đây cũng là bệnh có tỉ lệ bệnh nhân tử vong cao nhất trong các loại bệnh tâm lý.
BÀI LIÊN QUAN
Chứng ăn ói
Ngược lại với biếng ăn tâm lý, chứng ăn ói hay còn gọi là bulimia nervosa làm người bệnh ăn quá nhiều và thiếu kiểm soát trong một thời điểm. Tuy nhiên sau khi ăn một lượng thức ăn lớn, họ ngay lập tức cảm thấy phải đào thải lượng thức ăn đó ra khỏi cơ thể. Phổ biến nhất là ép ói ra, sử dụng thuốc xổ, thường xuyên nhịn trong thời gian dài sau khi ăn, tập luyện thể thao cường độ cao,…
Người bị mắc chứng ăn ói có thể không bị sụt cân nên bạn cần chú ý hơn vào những biểu hiện khác. Ví dụ như ăn nhanh và thiếu kiểm soát, thường xuyên vào nhà vệ sinh sau khi ăn, thích ăn uống trong sự riêng tư,… Nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh này cũng tương tự như biếng ăn tâm lý đó là thường xuất phát từ ám ảnh về ngoại hình.
Hậu quả, người mắc chứng ăn ói sẽ bị thiếu các chất dinh dưỡng trong cơ thể, nguy cơ đột quỵ và suy tim tăng cao. Ngoài ra, trào ngược acid, viêm họng, sâu răng, cơ thể lở loét cũng là hệ quả của chứng bệnh này.
Ăn không kiểm soát
Ăn không kiểm soát (binge eating) có biểu hiện giống với chứng ăn ói là ăn nhiều và thiếu kiểm soát trong một thời điểm. Tuy nhiên, người mắc chứng này sau khi ăn sẽ không cố đào thải thức ăn ra khỏi cơ thể mà họ thường có những cảm xúc rất tiêu cực, xấu hổ và thấy tội lỗi. Thời gian dài có thể phát triển thành chứng ăn ói, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
Người mắc chứng ăn không kiểm soát thường nhìn nhận việc ăn uống như một giải pháp cho các vấn đề trong cuộc sống của mình. Là một dạng của rối loạn ăn uống nhưng người ta thường không xem chứng bệnh này quá nghiêm trọng, nghĩ rằng các biểu hiện chỉ mang tính nhất thời. Chính vì vậy có không ít bệnh nhân bị thừa cân, béo phì vì ăn không kiểm soát. Họ cứ mắc vào một vòng tuần hoàn của những cảm xúc tiêu cực và ăn uống. Ăn rồi lại tăng cân, cảm thấy buồn rồi lại ăn và cứ như thế. Người mắc chứng ăn không kiểm soát rất cần sự giúp đỡ và thấu hiểu từ người thân xung quanh để hoàn toàn trở lại với cuộc sống bình thường.
Bệnh nhân của các bệnh về tâm lý nói chung và rối loạn ăn uống nói riêng thường mang mặc cảm và họ gặp khó khăn trong việc tự tìm kiếm sự giúp đỡ. Chính vì vậy trang bị kiến thức về căn bệnh là cách để bạn tự chăm sóc bản thân và người thân của mình. Người mắc bệnh tâm lý cần phải hiểu rằng họ không hề đơn độc trong cuộc chiến với căn bệnh và chúng ta luôn luôn sẵn sàng để chia sẻ những vấn đề mà họ đang vướng mắc.
—
Xem thêm:
Vì sao giới trẻ dễ mắc bệnh tâm lý?
13 ngôi sao thế giới chia sẻ về những vấn đề tâm lý của bản thân
Nhóm thực hiện
Nguyễn Gia Linh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Longetivity Ảnh: Unsplash