Tình cờ biết Phạm Vi khi dùng bữa tại nhà hàng chay của chị, tôi đã bị cuốn hút bởi những gì mình được trải nghiệm với nhiều cảm xúc hơn là… một bữa ăn. Bằng giọng nói miền Nam truyền cảm, chị giải thích cặn kẽ từng cách đặt tên món, cách sử dụng nguyên liệu làm câu chuyện càng lôi cuốn hơn.
Gặp chị một tuần sau đó, câu chuyện chúng tôi chia sẻ chẳng phải là những chuyện “to tát”, cũng không phải là một chủ đề mới: Làm kinh doanh kết hợp với thiện nguyện, nhưng nó rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Mỗi một hành động nhỏ từ tâm và được nuôi dưỡng mỗi ngày, được làm hàng giờ, đó là cách chúng ta có thể truyền tình yêu một cách mạnh mẽ. Giống như câu nói mà tôi tin rằng bạn cũng rất tâm đắc: “Không cần phải giàu có bạn mới làm được từ thiện”.
Có thể gọi chị là gì để danh xưng đúng nhất nhỉ? Một nữ doanh nhân, một chuyên viên marketing, một chuyên gia ẩm thực hay một huấn luyện viên yoga?
Hiện tại, công việc chính của Phạm Vi là kinh doanh, tuy nhiên, không bao giờ tôi nghĩ mình là một doanh nhân. Cứ gọi tôi là Vi thôi. Bản thân tôi có tính nghệ sĩ, là một người bình thường và làm công việc mình yêu thích.
Có lý do gì khiến chị rời công việc phim ảnh để chuyển sang một công việc thú vị không kém, liên quan đến “chiếc dạ dày”?
Với Phạm Vi, mỗi công việc đều rất hay và có thể bổ trợ cho nhau rất tốt. Khi làm Giám đốc Điều hành khu vực miền Bắc cho một cụm rạp, tôi đã có kinh nghiệm làm việc với các phòng ban và học hỏi được kỹ năng quản lý, kỹ năng mềm… Đến một thời điểm, tôi cảm thấy đã chạm đến giới hạn mà mình không thể học thêm cũng không đóng góp nhiều hơn được nữa, tôi phải tự đi tìm nguồn cảm hứng mới. Vậy là tôi đến với niềm đam mê ẩm thực. Bởi phụ nữ mà, ai cũng thích ăn ngon, nấu ngon, phải không nào?
Nhưng suy cho cùng thì kinh doanh vẫn là kinh doanh, phải có lợi nhuận, tại sao chị quyết định chọn đất Hà Nội để khởi nghiệp?
Trong một hồ cá, nếu chỉ toàn cá vàng và duy nhất có mình bạn là cá màu trắng, bạn sẽ nổi bật phải không? Đó cũng là điều thuận lợi khiến bạn dễ thu hút sự chú ý của đối phương. Thứ nữa, là người Sài Gòn làm việc tại Hà Nội, thời điểm năm 2009, muốn tìm món ăn Sài Gòn ở Hà Nội rất giới hạn. Tôi thấy mình nấu ăn ngon, tại sao không mở một quán ăn? Tôi đã nung nấu ý tưởng làm nhà hàng chay cách đây 2 năm bởi muốn xây dựng một nơi truyền cảm hứng sống xanh, tích cực, sống khỏe đến mọi người chứ không chỉ hạn chế ăn chay vì tín ngưỡng. Nhà hàng chay của tôi hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận, nhân viên là các bạn điếc và một số bạn đến từ cô nhi viện. Một phần lợi nhuận từ hai nhà hàng khác của tôi được trích ra để gây dựng và vận hành nhà hàng chay, rồi tiếp tục lợi nhuận của nhà hàng này sẽ được dùng để nhân rộng mô hình, giúp đỡ, đồng hành với nhiều bạn đang gặp hoàn cảnh khó khăn.
BÀI LIÊN QUAN
Khởi sự kinh doanh chắc chắn sẽ gặp khó khăn nhưng Phạm Vi đã rất may mắn khi có những người bạn, cộng sự, đồng nghiệp cũ cùng đồng hành, ủng hộ và lan tỏa. Bên cạnh đó, những nhân viên đang làm việc trong các nhà hàng đã rất nỗ lực, lợi nhuận các em làm ra được dùng để đầu tư cho những mô hình thiện nguyện.
Chị có gặp khó khăn không khi đồng hành cùng với các bạn khiếm thính, đặc biệt trong ngành dịch vụ cần giao tiếp nhiều?
Chúng ta thường gọi lịch sự là “khiếm thính” nhưng họ lại muốn được gọi là “người điếc” vì cho rằng họ không khiếm gì cả, chỉ khác biệt ở chỗ nghe bằng mắt và nói bằng tay. Lúc đầu, tôi cũng gặp nhiều trở ngại về giao tiếp. Tôi đã theo học lớp ngôn ngữ ký hiệu để hiểu và nói chuyện được với họ. Tiếp xúc dần, tôi thấy họ rất nhạy bén. Sau gần 2 tháng, thực khách đến nhà hàng dùng bữa đã không còn nghi ngại mà thấy vui hơn, nhẹ nhàng, ý nghĩa hơn và cảm nhận cuộc sống còn rất nhiều điều đẹp đẽ cần được sẻ chia.
Ngoài việc mang đến cơ hội việc làm tại các nhà hàng của mình, chị có dự định khác để cùng đồng hành với họ chứ?
Tháng 9 tới, cùng một số cộng sự, chúng tôi sẽ cho ra mắt “Nhà Mở” – là nơi các em gái chưa có định hướng công việc từ 16 tuổi trở lên ở các tỉnh lân cận phía Bắc được nhận những chương trình đào tạo trong một năm với các công việc phổ thông trong ngành dịch vụ, khách sạn như cách dọn phòng đạt quy chuẩn, chăm sóc vườn, phục vụ bàn… Tôi mong muốn “Nhà Mở” sẽ trở thành một chiếc cầu nối để giúp các bạn có cơ hội việc làm.
Phạm Vi cũng đang nung nấu ý định mở một số tiệm làm nail dành cho các bạn khuyết tật ngồi xe lăn. Còn nhiều dự án khác mà tôi cần có sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp có uy tín trên thị trường để có thể làm công việc thiện nguyện một cách lan tỏa hơn. Bởi chỉ dựa vào uy tín cá nhân mình, phạm vi sẽ hạn chế rất nhiều. Tôi muốn cách làm của mình là đem đến họ “chiếc cần” hơn là tặng cho họ “con cá”.
Một người phụ nữ hạnh phúc là khi được làm những việc mình yêu thích. Tôi có thể thấy được niềm vui ấy trong mắt chị. Ngoài ra, còn điều gì khác khiến chị hạnh phúc không?
Tôi được rất nhiều trong công việc của mình làm. Đó chính là lý do tôi theo đuổi con đường kinh doanh thiện nguyện chứ không phải là kinh doanh thông thường. Chẳng cần thứ gì cao cả đâu, mỗi một sự quan tâm, yêu thương, chan hòa mình gửi tới mọi người sẽ khiến họ vui vẻ. Và năng lượng tích cực ấy sẽ quay trở lại với mình. Càng cho đi, mình sẽ càng được nhận lại nhiều.
Cảm ơn những chia sẻ quý báu từ chị!
Bí quyết nuôi dưỡng đam mê
• Điều trước tiên muốn nuôi dưỡng được một thứ gì đó, bạn cần xác định đúng mục tiêu, đam mê của mình. Bởi, nếu không xác định đúng, bạn sẽ rất dễ bị “đẽo cày giữa đường”, và khi đó thì chẳng có gì để nuôi dưỡng.
• Cần có sự quyết liệt, mạnh mẽ để biến đam mê thành sự thật, chứ không phải chỉ để đó và mãi ấp ủ, mong chờ.
• Tạo ra giá trị từ công việc, tạo sự tương tác liên tục để niềm đam mê ấy luôn đầy. Khi đó, bạn không chỉ là làm việc mà còn tìm được giá trị lan tỏa ra cộng đồng, niềm đam mê ấy sẽ tự được nuôi dưỡng và khiến bạn hạnh phúc.
—
Xem thêm:
Nữ doanh nhân Hà Nội chung tay bảo vệ tê giác
Nữ doanh nhân Phạm Thùy Dương: Cho đi, không nhận lại
Nhóm thực hiện
Bài: Ngọc Anh Ảnh: Chu Lân Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE