Nước Nga kể từ sau Thế chiến thứ hai cho đến ngày nay dường như không có gì thay đổi. Những công trình kiến trúc mà lịch sử để lại vẫn vẹn nguyên dù đâu đó còn in hằn dấu tích chiến tranh. Người Nga bảo vệ những công trình của mình như máu thịt. Ai có thể ngờ sau bao nhiêu trận đánh, sau bao bom đạn kẻ thù, những cột trụ vẫn đứng vững chẳng hề suy chuyển. Bạn sẽ cảm nhận rõ điều này khi ghé thăm thành phố Saint Petersburg trong chuyến du lịch Nga, nơi những nhà thờ, bảo tàng và cung điện vẫn sừng sững, nguy nga thăng trầm cùng lịch sử.
Nhà thờ Chúa cứu thế
Đây còn được gọi là “Nhà thờ Xây trên máu đổ”, là một trong những công trình kiến trúc độc đáo nhất nước Nga. Chính tại nơi đây, Nga hoàng Alexander II bị thương trong cuộc tấn công năm 1881.
Nhà thờ Chúa Cứu thế mang phong cách truyền thống của các thánh đường Chính thống giáo ở Nga, tiêu biểu như kiến trúc của Nhà thờ Thánh Basil ở thủ đô Matxcơva. Nhà thờ Chúa Cứu thế cũng có 9 mái vòm hình “củ hành” được trổ tinh xảo nhiều màu sắc. Đây là địa điểm mà khách du lịch Nga nào cũng phải ghé thăm khi đến Saint Petersburg để chiêm nghiệm giá trị lịch sử của thành phố này.
Bảo tàng Ermitazh – Cung điện mùa Đông
Du lịch Nga mà bạn lỡ chuyến ghé thăm Cung điện mùa Đông và Cung điện mùa Hè thì tựa như dừng chân ở Pháp mà bỏ quên Lâu đài Versailles vậy. Hai công trình này mang tính biểu trưng sâu sắc về cả một giai đoạn lịch sử Nga hoàng.
Cung điện mùa Đông nằm trong khuôn viên rộng tới 90.000 m². Cung điện được xây dựng theo mong muốn của Nữ hoàng Elizaveta I trong khoảng năm 1754 – 1762. Cung điện được thiết kế theo phong cách kiến trúc và nghệ thuật Baroque thuần châu Âu. Đây là nơi ở và sinh hoạt của các Nga hoàng. Đến năm 1922, sau bao thăng trầm lịch sử, toàn bộ công trình này đã được trao cho Ermitazh quốc gia, trở thành bảo tàng trực quan đồ sộ.
Quần thể bảo tàng Ermitazh (gồm cả phần Cung điện mùa Đông) giờ đây nằm ở trung tâm thành phố Saint Petersburg là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới. Bảo tàng lưu giữ tới hơn 3 triệu hiện vật được trưng bày trong gần 1.000 căn phòng. Ước tính chúng ta phải mất tới 18 năm mới có thể tham quan và tìm hiểu cơ bản hết đầy đủ từng hiện vật có trong bảo tàng.
BÀI LIÊN QUAN
Cung điện mùa Hè
Cung điện mùa Hè chính xác là công trình được so sánh với Lâu đài Versailles ở Pháp cả về quy mô, cách bài trí kiến trúc nội ngoại thất và độ tinh xảo của những chi tiết trang trí trong Cung điện. Công trình đã chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Quần thể Peterhof được khởi công xây dựng vào năm 1714, dưới thời Đại đế Tzar Peter Romanov. Những bậc thầy kiến trúc của châu Âu thời bấy giờ đã được tập hợp lại để cùng nhau cho ra một kỳ quan nhân tạo đáng ngưỡng mộ như thế.
Đại đế Tzar Peter đã không ngần ngại bày tỏ sự thích thú sau khi thăm Lâu đài Versailles. Ông quyết tâm cho xây một cung điện như thế trên chính nước Nga. Ngay thời điểm đó, ông đã mường tượng ra một công trình kiến trúc có thể lưu danh hậu thế với quần thể cung điện và vườn thượng uyển rộng lớn. Và quả thực, cho đến hôm nay, những tham vọng của ông đã trở thành sự thật. Hậu thế thầm biết ơn vì đã để lại một tác phẩm kiến trúc kỳ vĩ đến tuyệt vời.
Những giá trị văn hoá, lịch sử và nghệ thuật của Cung điện mùa Hè được người Nga rất mực gìn giữ. Chẳng thế mà dù đón đến hàng trăm nghìn lượt khách du lịch Nga từ khắp nơi trên thế giới đổ về mỗi ngày, “cỗ máy in tiền” này vẫn giữ nguyên vẹn đến từng vết xước trên các hiện vật trưng bày. Khách du lịch phải đi theo hàng đôi khi bắt đầu bước chân vào Cung điện và cứ thể di chuyển liên tục không được dừng lại. Du khách hầu như chỉ được nhìn ngắm, tuyệt đối không được sờ và hạn chế chụp ảnh hiện vật.
Nhà thờ Chính tòa Thánh Isaac
Nhà thờ chính tòa Thánh Isaac là nhà thờ Chính tòa Chính thống giáo Nga lớn nhất thành phố. Nhà thờ được xây dựng trong khoảng 40 năm theo lệnh của Sa hoàng Alexander I. Trước nhà thờ là bức tượng kỵ sĩ đồng được xem như biểu tượng của thành phố Saint Petersburg.
Đây là công trình kiến trúc minh chứng hùng hồn cho ý chí chiến đấu của dân tộc Nga. Trong Thế chiến II, những mái vòm của nhà thờ đã được sơn lại màu xám để tránh thu hút sự chú ý từ máy bay địch. Trên đỉnh các mái vòm có đặt hệ thông đinh vị giúp tìm vị trí của pháo địch.
Sau khi Xô viết sụp đổ, nhà thờ được tu bổ hoạt động trở lại khá thường xuyên cho đến tận bây giờ. Vì những dấu tích oai hùng của nó, nhà thờ này chấp nhận cho du khách vào tham quan có thể chụp ảnh.
—
Xem thêm
Du lịch Nga: Thăm Matxcơva để có cái nhìn mới về những điều đã cũ
10 trải nghiệm thú vị không nên bỏ qua khi du lịch Bồ Đào Nha
Nhóm thực hiện
Loan Phùng (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)