Tất cả những ai thông minh đều nhận ra hệ lụy của mạng xã hội
Những bạn chưa sử dụng Instagram hoặc chỉ sử dụng một cách không thường xuyên, chắc chắn sẽ cảm thấy rất khó hiểu với câu trả lời này của Elon Musk. Tuy nhiên, tôi có thể giải thích ngắn gọn với bạn như sau: Các kênh social media đều cần có một lượng user (người dùng) cực lớn để sản xuất nội dung giúp kênh của họ trở nên thú vị và giữ chân người dùng ở lại lâu hơn. Facebook, Instagram, Vine, Youtube… đều dựa trên nguyên lý này để có thể tồn tại và kiếm bạc tỷ từ tiền quảng cáo. Thế nhưng, để thu hút người dùng, bắt buộc họ phải có chiêu trò tinh vi, cực kỳ tinh vi.
Cựu phó chủ tịch phát triển người dùng của Facebook, ông Chamath Palihapitiya, đã từng chỉ ra sự thật đằng sau Facebook: “Bạn đã bị lập trình, chỉ là bạn không nhận ra mà thôi”. Trước khi khẳng định sự thật này, ông chân thành chia sẻ ngay tại buổi hội thảo với sinh viên Stanford: “Tôi nghĩ rằng sâu trong nhận thức, chúng ta đã biết sẽ có chuyện tồi tệ xảy ra, mặc dù chúng ta thường tự huyễn hoặc rằng những nền tảng này không gây ra hệ lụy gì cả. Chúng tôi đã tạo ra một công cụ đang phá hoại cách xã hội vận hành. Tôi khuyến khích các bạn, những nhà lãnh đạo tương lai, hãy quan sát mạng xã hội. Nếu bạn cho con quái vật này ăn, con quái vật này sẽ hủy hoại bạn. Nếu bạn chống cự lại, chúng ta vẫn sẽ có cơ hội để điều khiển nó. Đã đến lúc bạn cần phải dừng sử dụng những công cụ này. Vòng lặp tạo ra sự phấn khích bằng những phản hồi liên tục khiến xã hội vận hành sai hướng. Không có thảo luận, không có sự hợp tác, thông tin sai lệch…”.
Chamath Palihapitiya cũng là một trong những người đầu tiên góp phần tạo nên Facebook và giải pháp hiện có của ông để tránh khỏi những hệ luỵ trên là không sử dụng Facebook.
Khi Elon Mush sử dụng nước để ám chỉ Instagram, ý của ông cũng tương tự như Chamath Palihapitiya. Càng đăng nhiều ảnh trên Instagram và ảnh càng được chỉnh màu lung linh, tài khoản sẽ càng có nhiều followers và like hơn – cách mà Instagram giữ chân người dùng và khiến họ mở điện thoại liên tục để tương tác với nền tảng này.
Trong buổi phỏng vấn với danh hài Joe Rogan, tỷ phú Elon Musk chia sẻ cảm nghĩ của ông về Instagram: “Một trong những vấn đề lớn của mạng xã hội, đặc biệt là Instagram, đã được nhiều người nhắc đến đó chính là người dùng làm cho cuộc sống của họ trông tốt đẹp hơn so với thực tế. Người dùng đăng hình khi họ cảm thấy vui và họ chỉnh ảnh để mình trông đẹp hơn, cho dù không chỉnh ảnh họ vẫn phải dành thời gian chọn ra tấm hình có ánh sáng đẹp, góc đẹp… Chính vì thế mà họ lúc nào cũng trông vui vẻ hơn đời thường và xinh đẹp hơn đời thường. Nếu bạn là người bình thường, nhìn vào những người này, bạn chắc chắn sẽ nghĩ rằng: “Trời, tất cả bọn họ đều đẹp và có cuộc sống thật hạnh phúc. Tôi xấu xí nên tôi sẽ không có được hạnh phúc”. Điều này khiến bạn buồn hơn. Tuy nhiên, thực tế thì những người mà bạn nhìn vào cũng chưa chắc có cuộc sống hạnh phúc, họ có thể đang không vui, đang bị trầm cảm. Những người trông hạnh phúc nhất trên mạng xã hội, có thể là những người bất hạnh nhất trong thực tế. Quan trọng nhất là chẳng có ai có nhan sắc lung linh suốt ngày được, bất kể bạn có là ai đi nữa […] Chúng ta hay so sánh mình với người khác”.
Joe Rogan đã nhấn mạnh câu nói trong Kinh Thánh: “Sự so sánh chính là kẻ cướp mất niềm vui”. Và Elon Musk đưa ra công thức tìm ra sự hạnh phúc:
HẠNH PHÚC = THỰC TẾ – KỲ VỌNG
Nhận ra hệ lụy, mạng xã hội cố gắng thay đổi thuật toán
Trong bối cảnh Facebook đang hứng chịu rất nhiều chỉ trích từ dư luận và không nhận được niềm tin từ các nhà lãnh đạo cấp cao, Mark Zuckerberg phải thay đổi chiến thuật giúp người dùng tiếp cận Facebook ý nghĩa hơn bằng việc phân loại và sắp xếp quảng cáo hợp lý cũng như chỉ cho phép các post được bạn bè của người dùng quan tâm hiện lên newsfeed. Tuy nhiên, với Instagram, Mark vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ khúc mắc dành cho Elon.
Casey Neistat (một trong những vlogger, youtuber, filmmaker đang hot nhất mạng xã hội hiện nay) hoàn toàn đồng ý với chia sẻ của Elon Musk về mạng xã hội và công thức của hạnh phúc. Casey cho biết mạng xã hội, đặc biệt là Youtube, luôn cố gắng thúc đẩy những tin tức giải trí, vui vẻ, hạnh phúc… Điều này khiến nhiều influencers (những người gây ảnh hưởng trên mạng xã hội) tiếp tục cố gắng sản xuất ra những nội dung vui vẻ và nó đồng nghĩa với việc họ phải biến cuộc sống của mình trên mạng xã hội trông hạnh phúc hơn. Một số người xem thường hay so sánh cuộc sống của mình với thần tượng trên mạng xã hội của họ, nó dẫn đến sự buồn phiền thay vì sự vui vẻ. Lời khuyên của Casey để tránh những hệ lụy do mạng xã hội gây ra là trước khi nhìn vào cuộc sống của người khác trên mạng xã hội, bạn cần xác định mục đích tại sao mình lại tìm đến những tài khoản này để xem và luôn nhớ rằng tất cả nhìn gì bạn đang xem chỉ đơn thuần là công cụ giải trí.
Trong thời gian qua, xã hội đã nhìn thấy được con dao hai lưỡi của mạng xã hội, có rất nhiều vấn đề tồn tại gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta, ví dụ như: bị xâm hại quyền riêng tư, đánh cắp dữ liệu cá nhân, gây nghiện hoặc trầm cảm… Có một thời đồng tiền cũng bị gán cho rất nhiều định nghĩa xấu xa, “tiền là cội rễ của tội ác”, nhưng trên thực tế, nếu sử dụng được tiền một cách đúng đắn thì cuộc sống của chúng ta cũng đâu đến nỗi xấu xa, đúng không? Với mạng xã hội hoặc thậm chí tất cả những thứ có khả năng gây nghiện trong cuộc sống cũng vậy, sử dụng có suy nghĩ và quan sát thấu đáo là giải pháp duy nhất giúp bạn thoát ra khỏi những cám dỗ và hệ lụy mà nó mang lại.
—
Xem thêm:
Bạn có bao giờ cảm thấy cô đơn khi sử dụng mạng xã hội?
Đâu là giá trị thực của thời trang giữa thời đại mạng xã hội và thế hệ Y?
Meghan Markle đóng cửa mạng xã hội
Nhóm thực hiện
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE