Thời trang / Thế giới thời trang

Cách mạng văn hóa & phong cách thời trang unisex từ NTK Trung Quốc tại Tuần lễ thời trang New York

Hai nhà thiết kế Trung Quốc đã chia sẻ những gì về cách mạng phong cách thời trang unisex và cách họ tạo ra thay đổi trong ngành thời trang?

Cách mạng văn hóa & phong cách thời trang unisex từ NTK Trung Quốc tại Tuần lễ thời trang New York

Social Work là một thương hiệu mới được thành lập bởi hai nhà thiết kế trẻ Qi Wang và Chenghui Zhang. Cả hai vừa ra mắt bộ sưu tập đầu tiên tại Tuần lễ thời trang New York Xuân-Hè 2019 trong nhà máy của công ty nằm ở khu may mặc ở Manhattan. Mùa này, họ chọn phong cách thời trang unisex làm định hướng thiết kế và muốn thông qua bộ sưu tập, phản ánh thời kỳ “khốc liệt” nhất tại Trung Quốc giai đoạn 1966 – 1976.

Điểm đặc biệt ở show thời trang này là ngoài những người mẫu chuyên nghiệp, chương trình còn có sự tham gia của những công nhân may của Social Work. Bộ sưu tập được thiết kế dựa trên sự kết hợp giữa cách mạng văn hóa phương Đông và phương Tây trong thập niên 60. Thông qua đó, Qi Wang và Chenghui Zhang muốn truyền tải thông điệp công bằng với những người lao động.

nhà thiết kế Trung Quốc ở Tuần lễ thời trang New York 1
Hai nhà thiết kế Qi Wang và Chenghui Zhang đã chia sẻ đôi nét về cách họ tạo ra sự thay đổi này. (Ảnh: Scmp)

Phong cách thời trang unisex (thời trang phi giới tính) là thuật ngữ xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1968 trong cuốn Cuộc sống, tạp chí Mỹ nổi tiếng được phát hành hàng tuần từ năm 1883 đến năm 1972. Quần áo unisex có thể hiểu là trang phục được làm ra thích hợp với cả nam và nữ.

Thế mạnh của dòng thời trang unisex là những cô gái đến các chàng trai đều có thể tự tin khoe cá tính qua kiểu trang phục thoải mái, tự do. Các tín đồ thời trang theo đuổi phong cách này có cách phối quần áo rất “chất”, thể hiện cá tính riêng. Chính từ sự phổ biến đó, thị trường thời trang cũng dành một góc đáng kể phục vụ các tín đồ thời trang “không giới tính” này.

Hai bạn hãy cho biết ý nghĩa đằng sau cái tên “Social Work” là gì?

Nhà thiết kế Qi Wang: “Trở lại những năm 60 ở Trung Quốc, mọi người đều mặc đồng phục. Cả nam và nữ đều mặc cùng một kiểu trang phục, giống như phong cách thời trang “unisex” ngày nay. Social Work có nghĩa là nhắc nhở khách hàng rằng họ đang sử dụng thành quả của những người lao động. Chúng tôi đang xây dựng cầu nối giữa khách hàng và nhà sản xuất. Vì vậy, tất cả các sản phẩm may mặc mà chúng tôi tạo ra đều có mã số cụ thể và bạn có thể tìm kiếm ai đã tạo món đồ đó trên trang web của Social Work”.

nhà thiết kế Trung Quốc ở Tuần lễ thời trang New York 2
Từ bộ đồng phục, Qi Wang và Chenghui Zhang đã tạo ra những thiết kế mang phong cách thời trang unisex. Bộ sưu tập lần này cũng mong muốn thể hiện sự tôn trọng những đóng góp của những người công nhân may mặc. (Ảnh: Scmp)

Các bạn đã lấy cảm hứng thiết kế bộ sưu tập này từ đâu?

Nhà thiết kế Qi Wang: “Chúng tôi được truyền cảm hứng từ những năm 60 cả ở phương Tây và phương Đông. Đây là giai đoạn mà thanh thiếu niên ở phương Tây và Trung Quốc có những thay đổi do ảnh hưởng từ biến động xã hội. Những sự tương phản, mẫu thuẫn từ cách mạng văn hóa Trung Quốc là chất liệu sáng tạo của chúng tôi”.

Nhà thiết kế Chenghui Zhang: “Chúng tôi đã tham chiếu hai sự thay đổi về xã hội và chính trị trong phong trào của thanh niên phương Tây và cuộc cách mạng văn hóa lớn ở Trung Quốc. Sau đó, tôi và Qi Wang đã chọn lọc, pha trộn chúng rồi trình bày cho khách hàng bộ sưu tập tạo ra từ sự tương phản thú vị ấy”.

nhà thiết kế Trung Quốc ở Tuần lễ thời trang New York 3
Lấy cảm hứng từ những năm 60 cả ở phương Tây và Trung Quốc, bối cảnh diễn ra buổi trình diễn thời trang được tổ chức trong xưởng may của hãng Social Work. (Ảnh: Scmp)

Việc tham khảo Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc có thể gây tranh cãi không?

Nhà thiết kế Qi Wang: “Ba mẹ chúng tôi sinh ra trong thời gian này và ông bà của chúng tôi vẫn còn làm việc cho chính phủ, nhưng họ không hề ngăn cản hay phê phán gì. Một trong những lý do lấy cảm hứng từ lịch sử quân sự và chính trị của Trung Quốc là vì gia đình chúng tôi là những người đã từng trải qua giai đoạn lịch sử ấy. Dù biết đây là vấn đề nhạy cảm ở Trung Quốc nhưng chúng tôi vẫn muốn thực hiện”.

Hai bạn đã kết hợp những chi tiết Trung Quốc nào vào bộ sưu tập?

Nhà thiết kế Qi Wang: “Chúng tôi đã sử dụng chất liệu cao su, phảng phất hình bóng hoa văn trên áo kimono của Nhật Bản và màu sắc Trung Quốc những năm 60. Tông màu chủ đạo là màu đỏ, đây là màu quốc kỳ và cũng là màu khăn choàng của Chủ tịch Mao Trạch Đông” .

Qi Wang cho biết thêm: “Bên cạnh đó, chúng tôi lồng ghép thêm hình ảnh hoa mận, vốn là quốc hoa của Trung Quốc vào bộ sưu tập. Hoa mận đại diện cho tinh thần trung thực, chân chính của người Trung Quốc, đồng thời thể hiện rõ dấu ấn nguồn gốc của thương hiệu Social Work với công chúng quốc tế”.

nhà thiết kế Trung Quốc ở Tuần lễ thời trang New York 4
Qi Wang và Chenghui Zhang đã kết hợp phong cách Trung Quốc và Âu Mỹ những năm 60 để tạo ra bộ sưu tập mang phong cách thời trang unisex, phù hợp với những bạn trẻ hiện đại. (Ảnh: Scmp)

Tại sao hai bạn quyết định ra mắt thương hiệu ở New York mà không ở Hồng Kông hay Thượng Hải?

Nhà thiết kế Chenghui Zhang: “Mỹ là quốc gia tự do nên chúng tôi dễ dàng nói về các chủ đề gây tranh cãi cũng như dễ kết nối với công chúng. Ngoài ra, nguồn sách lịch sử ở mọi quốc gia đều tập trung ở Mỹ, chúng tôi có thể tìm hiểu tâm lý đa dạng của khách hàng một cách khách quan hơn”.

Những trở ngại lớn nhất đối với các nhà thiết kế Trung Quốc là gì?

Nhà thiết kế Chenghui Zhang: “Thương mại giữa Trung Quốc và các nước khác thực sự hạn chế các nhà thiết kế trẻ vì thuế cao cũng như vật liệu khá đắt tiền. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều nhà thiết kế trẻ học ở nước ngoài trở về Trung Quốc đã làm tăng sự cạnh tranh trong ngành thời trang”.

Nhà thiết kế Qi Wang: “Một lý do nữa là khi trình diễn bộ sưu tập ở Tuần lễ thời trang New York, chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội để chia sẻ câu chuyện và di sản Trung Quốc với làng mốt thế giới”.

Xem thêm:

Những nhà thiết kế trẻ thổi làn gió mới vào ngành công nghiệp thời trang

Nhà thiết kế trẻ tiết lộ cách thức tổ chức một show thời trang ở New York

Nhóm thực hiện

Bài: Ngọc Trân Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Scmp Ảnh: Tổng hợp
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)