Thạch Thảo năm nay 35 tuổi. Cô nàng vừa mới có một đám cưới đáng yêu hồi cuối tháng 8 sau 11 năm quen biết và 4 năm chung sống với người chồng hiện tại. Vì cả hai đều là “những kẻ ham chơi” và “rất sợ đám cưới truyền thống” nên vợ chồng Thạch Thảo đã tự tổ chức lễ cưới cho riêng mình với sự hỗ trợ của bạn bè và người thân tại một resort trên đảo Phú Quốc. Chỉ có khoảng 50 khách tham dự với yếu tố vui là chính, không quá câu nệ lễ nghi truyền thống, nhưng với Thảo, đây vẫn là một lễ cưới trọn vẹn, ý nghĩa và tạo nên dấu mốc quan trọng trong đời sống hôn nhân vợ chồng.
Sống chung với anh ấy lâu như vậy nhưng đến bây giờ chị mới chịu làm đám cưới, bố mẹ chị chắc cũng đã hối thúc nhiều lắm?
Mười mấy năm nay, bố mẹ liên tục lo lắng chuyện hôn nhân của tôi nhưng chưa bao giờ gây áp lực hay ép buộc tôi làm điều gì. Thật ra, tôi vẫn chưa có dự định sẽ tổ chức đám cưới trong năm nay đâu, nhưng đột ngột sức khỏe của mẹ lại có vấn đề. Mẹ tôi là người phụ nữ rất bản lĩnh và mạnh mẽ. Duy chỉ có chuyện chưa được chứng kiến tôi lập gia đình là khiến bà không yên. Trùng hợp là bố mẹ anh ấy cũng bị bệnh và quyết định về Việt Nam chơi. Tôi nghĩ là đã đến lúc “dụ” chồng tôi lấy tôi rồi (cười). Chính tôi là người mở lời với anh trước.
Tại sao anh chị lại “trì hoãn” chuyện đám cưới lâu như vậy?
Chúng tôi quen nhau từ năm 2007, cũng 11 năm rồi. Tôi từng trải qua rất nhiều mối tình, nhưng đến khi gặp anh, cả hai đều đã trưởng thành và muốn cam kết lâu dài với nhau. Tất nhiên, tôi là con gái Việt, bố mẹ và họ hàng sẽ có những mong đợi nhất định. Nhưng tại sao mình phải làm theo mong đợi của người khác? Đối với tôi, hành trình tìm kiếm hạnh phúc và sống cùng người có thể san sẻ với mình quan trọng hơn. Phải tìm thấy người có thể sống cả đời với mình thì tôi mới cưới, và đó phải là một đám cưới tự nguyện, vui vẻ.
Vậy là mọi thứ về đám cưới đều do anh chị quyết định? Còn bố mẹ thì sao?
Bố mẹ tôi lúc này đúng nghĩa là “con đặt đâu bố mẹ ngồi đấy” (cười). Tôi toàn quyền quyết định mọi thứ, bố mẹ không can thiệp gì cả. Hơn nữa, tôi tổ chức đám cưới ở Phú Quốc, họ hàng nhà tôi lại ở Đà Lạt, đi lại cũng khá vất vả. Cả buổi lễ chỉ nói tiếng Anh. Resort tôi chọn thì eco-friendly, không có máy lạnh và nước nóng nên không thuận tiện cho những người lớn tuổi. Bản thân tôi cũng không thích mời quá đông người. Tôi nói mẹ đừng mời quá nhiều họ hàng, mẹ tôi cũng vui vẻ đồng ý.
Sao chị lại chọn địa điểm cưới ở đây?
Anh ấy sinh ra ở Melbourne, nước Úc, từ nhỏ đã đi lướt sóng nên rất yêu biển. 15 năm trước, anh phát hiện ra resort này khi nó vừa mới thành lập. Mỗi lần ra Phú Quốc, anh đều ở đây. Bao nhiêu năm trôi qua, Phú Quốc bây giờ đã nhiều đồi trọc nhưng nơi này vẫn xanh mát, nguyên vẹn như trước. Anh rất yêu thiên nhiên, cây cỏ (cũng vì vậy mà tôi thích anh) nên lúc quyết định đám cưới thì đây là địa điểm đầu tiên mà chúng tôi chọn.
BÀI LIÊN QUAN
Tại sao chị không tìm đến wedding planner mà lại tự tay làm hết?
Tôi đâu có tự làm hết, rất nhiều người hỗ trợ tôi đấy chứ. Bạn bè của chúng tôi từ khắp mọi nơi, có thể không biết nhau, nhưng họ cùng đóng góp, cùng là một phần của sự kiện, và cùng thấy vui. Có người lo phần hoa cưới, người thì thiết kế váy cưới, người đánh đàn, người chụp ảnh… Tôi rất sợ đám cưới mà mọi người đến ăn tiệc xong rồi về. Đám cưới “tự túc” như thế này lại nhiều cảm xúc hơn, thời gian mọi người bỏ ra có ý nghĩa hơn. Dù có thể nó không hoàn hảo nhưng mỗi khoảnh khắc đều đáng nhớ, mỗi kỷ niệm đều trọn vẹn.
Nhưng tổ chức không theo truyền thống thì chắc bố mẹ chị sẽ hơi bỡ ngỡ nhỉ?
Không đâu, bố mẹ tôi rất vui. Cả gia đình, họ hàng của tôi chỉ vỏn vẹn 6 người đi đám cưới. Ban đầu tôi cũng hơi lo, nhưng gọi điện về thì mẹ bảo gia đình tôi chưa bao giờ vui như vậy. Tôi nghĩ, các ông bố, bà mẹ rất sẵn lòng đón nhận đám cưới của con cái theo cách hiện đại, chỉ là họ chưa có cơ hội trải nghiệm thôi. Suy cho cùng, chuyện tổ chức đám cưới truyền thống hay không truyền thống, lớn hay nhỏ, ở nhà hàng hay không ở nhà hàng… cũng không quan trọng lắm. Quan trọng là cô dâu, chú rể có thực sự tận hưởng buổi tiệc của mình hay không. Ngày trọng đại phải là ngày vui của tất cả mọi người.
Sống với nhau 4 năm cũng đủ để hai người hiểu và gắn bó với nhau như vợ chồng, có lẽ chuyện cưới hay không cũng không còn quan trọng với anh chị nữa, đúng không?
Ai cũng có một đám cưới trong mơ, nhưng nếu mình tổ chức được một đám cưới trong mơ mà lại cưới phải một người không ra gì, đám cưới ấy có còn ý nghĩa hay không? Thực ra, nếu không sống với anh trong 4 năm qua, có khi tôi chẳng cưới anh đâu. Sống chung một nhà, cái xấu cái đẹp nào cũng thể hiện ra hết. Đôi khi gây nhau vì những điều rất nhỏ nhặt, hai người phải học cách nhường nhịn người còn lại. Tất nhiên, tôi không cổ súy chuyện sống thử, mỗi người đều có lựa chọn riêng và phải chịu trách nhiệm cho lựa chọn của mình.
Nếu đám cưới không còn mang tính chất ràng buộc đôi bên, vậy nó có ý nghĩa như thế nào đối với chị?
Tôi cũng khá bất ngờ là khi đọc lời thề nguyện, cả tôi và anh đều khóc. Dù đã sống cùng nhau, hiểu rõ tính nhau, nhưng trước thời khắc thiêng liêng ấy, chúng tôi vẫn rất xúc động. Thực sự, đứng trước mặt bao nhiêu người, để thốt ra những lời ấy, đó phải là những gì xuất phát từ trái tim mình, nếu không, nghe sẽ rất gượng gạo. Lúc đó, tôi thấy tôi và anh không còn là những người yêu nhau nữa mà đã cùng leo lên một con thuyền, cùng hứa hẹn một tương lai với nhau. Mãi đến sau khi cưới xong, tôi mới nhận thấy là tuy tốn nhiều công sức, tiền bạc nhưng đó là một cột mốc rất quan trọng trong cuộc đời mình. Không hiểu sao, sau đám cưới, tôi thấy tình cảm trở nên thiêng liêng hơn, hai người tự nhiên nghiêm túc với nhau hơn, yêu thương nhau nhiều hơn. Nó giống như một chén trà bây giờ đã đậm đà hơn vậy.
—
Xem thêm:
6 điều thú vị trong hôn nhân của Justin Timberlake và Jessica Biel
Chọn nhẫn đính hôn cho nàng theo cung hoàng đạo
Nhóm thực hiện
Bài: Đoàn Trúc Ảnh: Trương Minh Tuấn Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE