Văn hóa / ELLE Interview

Võ sĩ Muay Thái Duy Nhất – Võ thuật cũng là nghệ thuật

[Tạp chí Phái đẹp ELLE - số tháng 11/2018] Đối với Duy Nhất, võ thuật cũng đòi hỏi đam mê, bền bỉ theo đuổi mới mong có thành tựu.

Duy Nhất 3

Là thế hệ thứ tư của một gia đình có truyền thống võ thuật, Duy Nhất được bố mẹ cho học võ cổ truyền từ năm 6 tuổi. Đến năm 18 tuổi, anh chuyển sang bộ môn Muay Thái và nhanh chóng trở thành cái tên sáng giá nhất trong làng võ thuật Việt Nam.

Đang học võ cổ truyền, tại sao Duy Nhất lại quyết định chuyển sang Muay Thái?

Lúc đó tôi đang học Đại học Thể dục Thể thao TP.HCM, bản thân rất muốn được khoác trên mình lá cờ Việt Nam tại đấu trường quốc tế. Thế nhưng võ cổ truyền không có giải đấu quốc tế chính thức nên tôi quyết định chuyển sang Muay Thái.

Duy Nhất 1
Áo khoác & Giày GUCCI

Còn trẻ như vậy mà Duy Nhất đã có mong muốn thi đấu quốc tế?

Từ lần xem SEA Games 2003, thấy các anh chị vận động viên Việt Nam cầm cờ diễu hành, tôi đã ước mơ mình cũng được cống hiến như vậy. Suy nghĩ đó thôi thúc tôi đến tận bây giờ, dù đã nhiều lần khoác áo đội tuyển quốc gia đi thi đấu.

Là nhà vô địch thế giới 7 năm liền và gần như bất bại trong các hạng mục, mục tiêu tiếp theo của anh là gì?

Mặc dù đã giành được HCV ở tất cả các giải đấu nghiệp dư và chuyên nghiệp nhưng tôi vẫn chưa có duyên với SEA Games. Hiện tại tôi đang dồn hết sức tập luyện chuẩn bị cho SEA Games năm sau ở Philippines. Lần này nhất định phải lấy được HCV!

Mỗi lần nhìn lá cờ Việt Nam được treo ở vị trí cao nhất, cảm xúc của Duy Nhất như thế nào?

Đối với thể thao nói chung và Muay Thái nói riêng, bạn tập luyện cả năm trời chỉ để đổi lại 9 phút thi đấu. Nhưng vinh quang sẽ trở nên rực rỡ hơn khi bạn đại diện cho quốc gia, đại diện cho rất nhiều người Việt. Khi quốc ca vang lên, quốc kỳ bay trên đấu trường quốc tế, tôi cảm thấy công sức của những chuỗi ngày tập luyện đã được đền đáp xứng đáng.

Anh có cảm thấy mình khá cô độc trên đấu trường quốc tế khi không có nhiều võ sĩ Việt Nam đồng hành cùng mình?

Vì Muay Thái cũng mới phát triển tại Việt Nam nên chưa có nhiều võ sĩ giỏi. Tôi tin rằng trong tương lai, bộ môn này sẽ phát triển mạnh và có nhiều võ sĩ tài năng hơn. Bản thân tôi cũng đã mở phòng tập, ngoài công tác tập luyện thi đấu, tôi còn đào tạo các võ sinh trẻ, xây dựng một thế hệ kế thừa.

Anh truyền lửa cho các bạn như thế nào để họ nuôi dưỡng đam mê và theo đuổi con đường võ thuật chuyên nghiệp?

Bộ môn nào cũng vậy, chỉ cần người học có đam mê thì mình rất dễ truyền đạt ý chí cho họ. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các bạn tham gia một số giải đấu, truyền đạt kinh nghiệm hay phân tích lối đánh của đối thủ, Duy Nhất vẫn nói với các bạn rằng điều quan trọng nhất giúp chúng ta đạt được mục tiêu chính là nỗ lực tập luyện mỗi ngày. Đối với võ thuật, chỉ cần dừng tập một ngày thì đối thủ sẽ vượt qua mình ngay.

Duy Nhất 2
Bất cứ cái gì trên đời, mỗi ngày đều luyện một ít thì nhiều ngày sẽ tạo thành kỹ năng, lâu hơn sẽ thành tài năng. Nghệ thuật chính là do khổ luyện mà thành. Võ thuật cũng vậy, cũng đòi hỏi đam mê, bền bỉ theo đuổi mới mong có thành tựu.

Người ta thường nói võ thuật là bộ môn “có thời”. Qua giai đoạn tuổi trẻ thi đấu sung sức, anh cũng đâu thể giữ mãi ngôi vô địch?

Võ thuật là một cuộc chơi. Bạn thích thì chơi, không thích thì có thể nghỉ, không ai ép buộc bạn phải thi đấu. Mọi thứ đều dựa trên tinh thần tự nguyện. Vì tôi thích chơi nên chơi hết mình, đã đam mê thì hoàn toàn tin tưởng những gì mình chọn lựa, đã chấp nhận thì không ngại có thời hay không thời. Sau này không còn thi đấu được nữa, tôi sẽ tiếp tục đào tạo vận động viên. Lúc võ sinh lên thi đấu cũng là lúc mình đấu. Họ thắng là mình thắng, họ thua là mình thua.

Anh từng nói võ thuật cũng là một bộ môn nghệ thuật. Anh có thể giải thích rõ hơn?

Phàm bất cứ cái gì trên đời, mỗi ngày đều luyện một ít thì nhiều ngày sẽ tạo thành kỹ năng, lâu hơn sẽ thành tài năng. Nghệ thuật chính là do khổ luyện mà thành. Võ thuật cũng vậy, cũng đòi hỏi đam mê, bền bỉ theo đuổi mới mong thành tựu. Thầy tôi hay nói, kẻ thù lớn nhất của đời mình chính là bản thân mình. Mình có suy nghĩ lười biếng thì sẽ lười biếng, mình có suy nghĩ siêng năng thì sẽ siêng năng. Mình vượt qua được bản thân thì sẽ chiến thắng những đối thủ khác. Ngoài ra, tinh hoa của võ thuật không phải là đòn thế hay sức mạnh, mà chính là tinh thần võ sĩ đạo. Người luyện võ một thời gian tự khắc có được thái độ trung dung, bình tĩnh suy xét mọi việc, không phải nhất nhất đều động thủ. Đức tính trầm tĩnh đó, tôi nghĩ là điều quý giá nhất mà võ sĩ đạt được.

Xem thêm:

Những nữ vận động viên trẻ xuất sắc tại Olympic Rio 2016

5 nữ vận động viên Olympic 2016 có gu thời trang khá chất

Nhóm thực hiện

Mỹ thuật: Dzũng Yoko

Ảnh: TANG TANG

Bài: Đoàn Trúc

Stylist: Huyền Linh

Trang điểm & Làm tóc: Tùng Châu

Sản xuất: Hoàng Lê

Trợ lý: Chi Nguyễn

Dựng cảnh: Lý Bình Sơn

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)