Ambra Battilana Gutierrez là một trong những phụ nữ đầu tiên công khai cáo buộc nhà sản xuất Hollywood Harvey Weinstein về hành vi quấy rối tình dục vào năm 2015. Cô đã báo cáo với cảnh sát và mang theo thiết bị ghi âm đến gặp “ông trùm” vào ngày hôm sau. Ambra ghi lại được lời ông Harvey cố dụ dỗ mình vào phòng và cả khi cô hỏi vì sao ông lạm dụng cô. Mặc dù vậy, luật sư quận đã quyết định không giải quyết vụ việc với lý do thiếu bằng chứng. Vụ việc sau đó được lan truyền rộng rãi khắp các mặt báo và dẫn đến sự ra đời của chiến dịch #MeToo.
Gutierrez bị gắn mác “gái bao” và bị truyền thông tấn công vì ham muốn nổi tiếng. Cô cũng tham gia vào cuộc đấu tranh pháp lý tại Ý, khẳng định sự tổn hại về danh tiếng của mình vì có liên quan tới cựu thủ tướng Ý Silvio Berlusconi khi cô 18 tuổi.
Vào năm 2010, Gutirrez tham gia buổi tiệc “Bunga Bunga” do Berlusconi tổ chức. Tại đây, ông được cho là đã “vui vẻ” cùng nhiều gái làng chơi. Tiếp đến, vào năm 2015, một làn sóng tiêu cực lớn hơn nổ ra khi cô đến đồn cảnh sát New York và đệ đơn tố cáo Weinstein.
Làn sóng tiêu cực gây ra bởi truyền thông quá lớn, đến nỗi cô không thể tiếp tục công việc làm mẫu và phải trở về quê mẹ của cô, Philippines để gây dựng lại sự nghiệp. “Sự bôi nhọ của các phương tiện truyền thông đã thật sự ảnh hưởng đến hình ảnh của tôi”.
Gutierrez chia sẻ cô đã nỗ lực mạnh mẽ hơn và cảm thấy được truyền thêm sức mạnh từ chiến dịch #MeToo. Nhiệm vụ mới nhất của cô chính là lan truyền chiến dịch này tại Philippines. “Tôi đã trả lời rất nhiều bài phỏng vấn chỉ trong 1 tuần. Người đưa tin truyền hình Gretchen Fullido đang kiện sếp của mình về tội quấy rối tình dục. Gretchen đã chia sẻ với tôi và tôi sẽ giúp cô ấy trong chuyện này”.
BÀI LIÊN QUAN
Vốn sinh ra và lớn lên ở Ý, Gutirrez thấy được rằng chiến dịch #MeToo sẽ không diễn ra thuận lợi ở đất nước Philippines. Phụ nữ ở đây nói chung không quyết đoán bằng những người phụ nữ phương Tây. “Nhưng truyền thông Philippines muốn nói chuyện với tôi nên tôi vẫn có thể góp tiếng nói của mình cho chiến dịch #MeToo ở đó. Dù tôi được sinh ra và lớn lên ở Ý, tôi rất yêu Philippines”.
Gutirrez đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh của người phụ nữ. Cô đã phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ trên thế giới tại New York vào tháng Tư. Chủ đề của bài phát biểu là sự căm ghét đối với phụ nữ ở nước Ý và những tác động từ chiến dịch #MeToo.
Vào tháng 9, cô cho phát hành một podcast hàng tuần mang tên In Our Worlds với Univision Communications, một công ty truyền thông phục vụ người Mỹ gốc Tây Ban Nha. Tại đây, cô phỏng vẫn những con người từng vượt qua nghịch cảnh trong cuộc sống. Cho đến nay, những khách mời trong chương trình bao gồm một người sống sót từ vụ khủng bố ngày 11/9/2011 tại Mỹ và một bệnh nhân vượt qua căn bệnh ung thư.
Gutierrez nói rằng cô được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ một khách mời khác là người mẫu thời trang người Mỹ Sara Ziff – người sau này cũng trở thành một nhà hoạt động tích cực. Sara sáng lập nên Model Alliance, một tổ chức phi lợi nhuận ở New York với mục đích ủng hộ tính trách nhiệm trong ngành công nghiệp thời trang.
“Sara nhận ra có rất nhiều vấn đề đối với người mẫu dưới tuổi trưởng thành như tiền cát-sê, đại diện pháp lý và còn rất nhiều bất cập khác. Tôi cũng nhiều lần chứng kiến những chuyện này, ví dụ như việc các công ty bắt ép người mẫu giảm cân và làm việc quá sức. Sara từng bị lạm dụng tình dục khi bắt đầu làm người mẫu năm 14 tuổi. Cô muốn mọi người biết rằng, ngành công nghiệp thời trang không chỉ toàn ánh hào quang. Vẫn còn rất nhiều người mẫu nhỏ tuổi đang bị lợi dụng”, Gutierrez cho biết.
Có một vị khách khác gây nhiều tranh cãi trong chương trình của cô là cựu giám đốc của tờ báo Los Angeles Times Beijing – Jonathan Kaiman. Cuộc sống của ông đã bị đảo lộn hoàn toàn khi trong cùng một năm, đã có 2 người đưa ra cáo buộc về tình dục chống lại ông.
Bằng việc cho phép người bị buộc tội được lên tiếng, Gutierrez nói cô muốn mọi người có thể nghe câu chuyện từ cả 2 phía, thay vì chỉ từ những người phụ nữ là nạn nhân trong sự việc. “Tôi chưa từng nghe câu chuyện của Jon trước đây. Khi anh ấy kể cho tôi nghe, tôi đã bị sốc. Có một sự khác biệt giữa việc ngăn chặn một kẻ tấn công và việc mọi người đang hiểu lầm sự việc”.
Gutierrez muốn người phụ nữ có đủ dũng cảm để chiến đấu đến cùng. Nếu chỉ kể câu chuyện của mình ra, xem như họ chẳng làm được gì khác. “Gretchen có bằng chứng là những email và tin nhắn cho thấy cô ấy bị lạm dụng suốt 3 năm”. Vậy nên, các nạn nhân sẽ không thể đưa những kẻ tấn công tình dục ra công lý nếu không báo cáo hành vi của chúng.
“Phụ nữ đang kể cho nhau nghe những trải nghiệm bị lạm dụng tình dục để đồng cảm với nhau. Tôi không hề muốn chiến dịch #MeToo cũng trở nên như thế. Tôi muốn họ phải hành động, phải đấu tranh”. Hãy luôn nhớ một điều, khi có chuyện xảy ra với bạn, phải đến báo với cảnh sát. Có thể ban đầu họ sẽ không giải quyết. Nhưng nếu có người khác cũng báo cáo cùng một kẻ tấn công, cảnh sát sẽ phải hành động. Hãy vượt qua nỗi sợ của bản thân và đưa kẻ quấy rối tình dục ra công lý. Khi đó bạn đã giúp được rất nhiều người có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo.
Gutierrez cho biết chiến dịch #MeToo đã khiến mọi người trên thế giới nhìn lại và nhận ra sự hiện diện đông đảo của những kẻ tấn công tình dục xung quanh họ. “Chúng ta đã bắt đầu được và chúng ta phải đi tiếp được. Truyền thông và cảnh sát đang ở phía của chúng ta. Giờ đây, những kẻ quấy rối có chức quyền sẽ không còn dám quấy rối phụ nữ, vì chúng biết cả thế giới đang dõi theo chúng”.
—
Xem thêm:
Vì sao sàn diễn thời trang châu Âu không cởi mở với người mẫu cỡ lớn?
Người mẫu không tóc: Câu chuyện truyền cảm hứng về giá trị của ngoại hình khác biệt
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Quỳnh Như Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE Tham khảo: Scmp.com Ảnh: Tổng hợp